Doanh thu sụt 70%, chủ quán nhậu kiêm đầu bếp bún đậu "sống qua ngày" thời corona

“Tiền thuê mặt bằng nhà hàng mỗi tháng 60 triệu đồng trong khi có những tháng doanh thu chỉ vừa vặn số tiền trả tiền nhà và tiền nhân công” - Đó là một trong những chia sẻ của chủ quán bia hơi tại Hà Nội.

Triền miên cảnh “chợ chiều”

Với diện tích rộng chừng 200m2, anh Vũ Văn N – chủ một nhà hàng bia hơi tại đường Hoàng Công Chất (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh phải thuê với mức giá 60 triệu đồng/tháng, trả trước 6 tháng/mỗi kỳ.

Tại nhiều quán nhậu, khách hàng thưa vắng chỉ bằng 1/10 so với ngày trước

Tại nhiều quán nhậu, khách hàng thưa vắng chỉ bằng 1/10 so với ngày trước

“Năm 2019, tôi khảo sát địa điểm và quyết định đầu tư số tiền khá lớn mở nhà hàng tại khu vực này vì nơi đây có vị trí lý tưởng, gần khu dân cư và đặc biệt gần một khu đô thị lớn mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, vài tháng gần đây doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khiến chúng tôi thực sự lo ngại", anh N nói.

Theo anh N, nếu như trước đây trung bình doanh thu đạt vài chục triệu/ngày thì thời điểm hiện tại khách hàng thưa vắng chưa bằng nổi 1/10 so với ngày trước.

“Kể từ khi có quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn, khách hàng đã sụt giảm rõ rệt, nhưng dù sao nhà hàng vẫn có lượng khách quen là cư dân ở khu đô thị và lân cận qua lại,… Khoảng một tháng nay, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 nhà hàng thực sự lâm vào cảnh bết bát do nhiều người lo ngại lây nhiễm dịch bệnh.

Có lẽ thưa vắng khách là tình trạng chung tại nhiều quán bia, nhà hàng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trên đường Nguyễn Khánh Toàn, đường Nguyễn An Ninh, khu vực hồ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) nếu như trước đây được coi là “phố nhậu” thì giờ đây cũng trong cảnh đìu hiu. Thậm chí, nhiều quán bia lớn chỉ thấy bóng dáng nhân viên phục vụ trong những bộ đồng phục của nhà hàng.

Anh Nguyễn Hải Nam – Cửa hàng trưởng một nhà hàng trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết, ngày xưa quán nhậu của anh rất đông khách, phục vụ liên tục, giờ thì ảm đạm, vắng lặng. Doanh thu giảm đến 60-70%.

“Hiện nay chúng tôi đang rất khó khăn. Mỗi ngày mở cửa, lợi nhuận chưa thấy đâu nhưng vẫn phải chi trả lương nhân viên và hàng chục chi phí khác kèm theo. Song, nếu đóng cửa nhà hàng sẽ mất khách, nhân viên nghỉ việc thì rủi ro còn cao hơn”, anh Nam nói thêm.

Kể từ sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông) có hiệu lực, đặc biệt là khi xuất hiện dịch Covid-19, đa phần nhà hàng, quán nhậu đều trong cảnh dở khóc dở cười: Một số quán đóng cửa “nghỉ đông”, nhiều quán lại linh hoạt chuyển kinh doanh mặt hàng khác.

Gắng gượng chờ… khách

Hàng quán vắng khách lặp lại mỗi ngày, nhưng khi nào sẽ đông khách trở lại thì thực sự là một câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Khó khăn chồng khó khăn, một nhà hàng đã bổ sung món bún đậu vào "thực đơn"

Khó khăn chồng khó khăn, một nhà hàng đã bổ sung món bún đậu vào "thực đơn"

Khó khăn chồng khó khăn, nhiều quán hàng đã tạm thời đóng cửa, nhiều nhân viên đã được chủ quán cho… nghỉ vì không đủ sức gắng gượng; một số khác đã chia nhỏ diện tích để cho thuê làm quán cà phê, tiệm trà chanh hoặc mở thêm dịch vụ ăn sáng. 

Điển hình như tại phố Quang Trung (Hai Bà Trưng) một quán nhậu lớn có mặt tiền quay ra hồ Thuyền Quang cũng trưng biển cho thuê một phần diện tích, dù trước đây nếu không đặt chỗ trước, khách hàng đừng mong có chỗ ngồi…

Đại diện một nhà hàng khá lớn trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) cho biết, do vắng khách nên trong những ngày tới, quán sẽ kết hợp bán bún đậu vào các buổi trưa nhằm giải quyết khâu việc làm cho nhân viên, tăng thêm thu nhập cho quán”.

Cũng theo người đại diện cửa hàng này, vì tiền thuê nhà và chi phí hàng ngày quá cao mà trong thời gian dài không có doanh thu, ông chủ đang có ý định bán bớt quán để cắt lỗ kể cả giá chuyển nhượng quán có giảm một nửa so với vốn đầu tư.

Được biết, với những nhà hàng nhỏ hơn cũng áp dụng hàng loạt biện pháp để tồn tại. Một quán nhỏ nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh đã kết hợp cho nhân viên bán đồ ăn sáng và cơm văn phòng vào buổi trưa để có thêm thu nhập, đảm bảo lương cho gần 10 nhân viên.

Anh Dũng, chủ quán này cho biết, anh đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng, để khách coi quán như “bếp ăn” riêng của mình. Dù lượng khách không tăng vọt nhưng đây cũng là cách để những khách hàng thân thiết tìm đến quán đều đặn.

Nói về thực trạng này, ông Lương Xuân Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong những ngày này, chỉ cần nhìn vào bất kì quán nhậu nào cũng có thể nhận thấy sự vắng vẻ. Doanh số giảm, nhà hàng thất thu là một thực tế. “Chúng tôi chưa có con số thống kê chính xác về sự sụt giảm doanh số bán rượu, bia, nhưng chắc chắn nó cũng sẽ giảm nhiều”, ông Dũng nói thêm. 

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 24/2. 

Theo đó, các địa điểm kinh doanh rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có một trong các nội dung cảnh báo "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi" hoặc "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia".

Quảng cáo rượu, bia trên đài phát thanh cũng phải đọc rõ nội dung này, còn quảng cáo trên truyền hình thì chữ viết thể hiện hết chiều ngang của màn hình. Các báo, trang tin điện tử, mạng xã hội và phương tiện điện tử được yêu cầu có phần mềm kiểm soát để ngăn người chưa đủ 18 tuổi tìm kiếm thông tin về rượu bia.

Các biển quảng cáo ngoài trời phải đặt cách cơ sở giáo dục, vui chơi giải trí cho người dưới 18 tuổi tối thiểu 200 mét và cách trường đại học tối thiểu 100 mét. Biển quảng cáo đặt trong phạm vi này trước ngày nghị định có hiệu lực thì giữ nguyên, nhưng không được gia hạn khi hết hợp đồng.

Nghị định cũng quy định người mua rượu, bia theo hình thức trực tuyến phải khai báo tên tuổi, địa chỉ cư trú, thông tin thanh toán cho người bán. Người bán có trách nhiệm kiểm tra tuổi trong trường hợp nghi ngờ người nhận hàng chưa đủ 18 tuổi.

Hàng loạt nhà hàng, quán bia đóng cửa thời dịch bệnh Covid-19

Chưa kịp hồi phục sau quy định phạt nặng uống rượu bia lái xe, dịch Corona lại ập đến khiến các nhà hàng, quán ăn...

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN