Vụ lương "khủng": Dối trên, lừa dưới!
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết báo cáo của một số doanh nghiệp công ích khối sở, ngành ở TP HCM thể hiện nhiều điểm chưa chính xác, nếu không nói là gian dối.
“Thôi, nhà báo đừng hỏi, đừng đưa hình tụi tui lên báo nữa, bất lợi lắm”. Đây là câu trả lời mà chúng tôi vấp phải mấy hôm nay khi la cà xuống hiện trường nơi công nhân (CN) các đơn vị công ích đang làm việc. Thậm chí, nhiều CN Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị (Công ty Thoát nước đô thị) còn phản ánh: Từ hôm anh em phát biểu với báo chí về cảm giác của mình khi biết tiền lương “khủng” của giám đốc thì liên tục có người gọi điện hoặc trực tiếp đe dọa. Mặc dù những cái tên như T., C., L., H... được viết tắt nhưng họ vẫn truy và tra xét đủ điều.
Đẩy công nhân vào chỗ nghi kỵ lẫn nhau
Trong báo cáo gửi UBND TP HCM, Sở LĐ-TB-XH lưu ý: “Thực tế thanh tra cho thấy việc phân chia không hợp lý quỹ tiền lương trong nội bộ doanh nghiệp (DN) là nguyên nhân của sự chênh lệch quá lớn trong thu nhập giữa những người lao động (NLĐ) trong cùng DN”. Cụ thể, đây là sự chênh lệch trong quỹ lương của lao động thường xuyên và lao động thời vụ.
Một CN Công ty Thoát nước đô thị nghẹn ngào: “Chúng tôi làm việc đã lâu nhưng vì là lao động thời vụ nên chỉ được hưởng lương 5-6 triệu đồng/tháng; không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và rất nhiều quyền lợi khác. Trong khi đó, những anh em khác được hưởng lương và chế độ chính sách dành cho lao động thường xuyên thì cao hơn nhiều lần. Vô tình điều này làm cho chúng tôi có cái nhìn không thiện cảm với những anh em trong cùng công ty. Thậm chí, chúng tôi luôn có mặc cảm về thân phận của mình. Làm công việc móc cống, vớt rác bị người đời cho là thấp hèn chúng tôi buồn một; bị phân biệt trong chính công ty của mình, chúng tôi buồn gấp đôi”.
Nghịch lý là khi trao đổi điều này với những CN thuộc diện thường xuyên và cho họ xem những con số mà công ty báo cáo cho lãnh đạo UBND TP: Tại Công ty Thoát nước đô thị, tiền lương bình quân của lao động thường xuyên là 25,6 triệu đồng/người/tháng thì các anh vô cùng kinh ngạc. Họ nói chắc như đinh đóng cột là chẳng CN nào nhận mức lương đó. Có người còn đùa: “Nhà báo kiếm được CN trực tiếp nào lãnh lương 25,6 triệu đồng/tháng, tôi cõng nhà báo đi một vòng TP. Chẳng biết ai lại báo cáo con số như vậy để anh em CN nghi kỵ, so đo với nhau”.
Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP HCM thông cống nghẹt vào chiều 4/9 trên đường Bình Tây, phường 1, quận 6. Ảnh: TÂN TIẾN
Không riêng Công ty Thoát nước đô thị mà tại Công ty Chiếu sáng Công cộng, chênh lệch “khủng” giữa lương bình quân của NLĐ thường xuyên là 55,3 triệu đồng với lao động thời vụ là 7,8 triệu đồng/người/tháng cũng khiến CN “choáng”. Còn tại Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn, theo báo cáo của lãnh đạo công ty với UBND TP, lương bình quân của lao động thường xuyên là 25,7 triệu đồng, trong khi lương lao động thời vụ chỉ có 4,5 triệu đồng/người/tháng...
“Chúng tôi không biết thực hư chênh lệch này như thế nào, ai hưởng tiền lương cao như vậy nhưng thật tình CN tụi tôi là lao động thường xuyên nhưng không bao giờ nhìn thấy mức lương như vậy, nói gì được hưởng. Vậy mà mấy hôm nay, đi đâu cũng bị hỏi lương cao như vậy làm gì cho hết? Vợ con cũng truy xét, báo chí đưa tin lãnh lương nhiều như vậy nhưng đem cho ai mà chỉ đưa về cho vợ con có mấy triệu?” - một CN Công ty Chiếu sáng Công cộng than thở.
Làm một đằng, báo cáo một nẻo
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, báo cáo của một số đơn vị công ích khối sở, ngành thể hiện nhiều điểm chưa chính xác, nếu không nói là gian dối. Tại Công ty Chiếu sáng Công cộng, theo báo cáo, lợi nhuận năm 2012 giảm nhưng số lao động lại tăng từ 575 lên 689 người. Trong quá trình thanh tra theo chỉ đạo của UBND TP, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH phát hiện năm 2012, doanh thu của công ty này tăng rất cao và lao động thực tế sử dụng chỉ có 538 người (thấp hơn con số DN báo cáo 151 người). Tương tự, tại Công ty Công viên Cây xanh, số lao động năm 2012 đơn vị báo cáo đã sử dụng là 1.634 người, trong khi thực tế chỉ có 1.451 người (thấp hơn con số báo cáo là 183 người)...
Còn tại Công ty Thoát nước đô thị, quỹ tiền lương tính trên mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng, cao hơn 172% so với quỹ tiền lương khi tính theo mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng; trong khi tỉ lệ tăng tiền lương (sự chênh lệch) của mức lương 2 triệu đồng/tháng so với mức 1.512.500 đồng chỉ là 32,23%. Chính từ số liệu báo cáo không chính xác của các đơn vị trên dẫn đến việc tính toán theo phương án áp dụng mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng khi tính đơn giá tiền lương đã làm cho tiền lương của NLĐ giảm từ 7%-27%. Mục đích của việc “giảm giả” này chẳng có gì khác hơn là “mè nheo” để TP chấp thuận cho tăng lương tối thiểu lên 2 triệu đồng/tháng.
Trong thực tế nếu tính đúng, trung thực ở mức 1.512.500 đồng thì lương của NLĐ vẫn tăng. Bằng chứng là kết quả thanh tra cho thấy năm 2012, tổng quỹ lương của 8 DN 100% vốn nhà nước hoạt động công ích trực thuộc TP, nếu tính trên mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng thì tổng cộng là 1.199 tỉ đồng, tăng 9,7% so với năm 2011. Còn nếu áp dụng mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng thì tổng quỹ lương của các DN công ích thuộc TP quản lý sẽ đạt 1.646 tỉ đồng, tăng 50% so với năm 2011.
Ngồi mát ăn bát vàng
Điều đáng nói là ngay cả khi chấp nhận phương án tính toán chưa chính xác của các đơn vị như báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP thì năm 2012, nếu thực hiện mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng thì tổng quỹ lương của các DN công ích, kể cả khối quận, huyện, sở ngành là 2.175 tỉ đồng, tăng 259 tỉ đồng so với năm 2011. Mức lương bình quân của NLĐ là 10,52 triệu đồng/tháng, tăng 7,89% so với năm trước và cao hơn các DN nhà nước khác.
Trường hợp áp dụng mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng thì tổng quỹ lương của các DN nêu trên càng tăng dữ dội: 2.838 tỉ đồng, tăng 922 tỉ đồng so với năm 2011. Đến thời điểm ngày 31-12-2012, các đơn vị đã chi 2.416 tỉ đồng, tăng 499 tỉ đồng so với năm 2011, trong đó 8 DN trực thuộc TP tăng 302 tỉ đồng.
Thông tin mà chúng tôi có được là lãnh đạo các đơn vị đang tìm đủ cách để hợp thức hóa những khoản chi sai và dùng NLĐ làm áp lực buộc TP phải chấp nhận mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng để quyết toán tiền lương. Về vấn đề này, báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP đã chỉ rõ: “Theo quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với NLĐ làm việc trong công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu thì mức tiền lương thực hiện năm 2012 bảo đảm nguyên tắc năng suất lao động tăng 1% thì tiền lương tăng 0,8% và bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động. Thế nhưng năm 2012, các công ty giữ nguyên định mức lao động như năm 2011 thì không có cơ sở để xem xét áp dụng mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng”.
Tiếp tục kiểm tra Để công tác quyết toán tiền lương năm 2012 tại các công ty TNHH MTV cung cấp dịch vụ, sản phẩm công ích thuận lợi, Sở LĐ-TB-XH đề nghị UBND TP giao cho sở phối hợp với Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Nội vụ, Cục Thuế TP kiểm tra việc xây dựng đơn giá tiền lương, quỹ lương viên chức quản lý và quyết toán tiền lương năm 2012 trên cơ sở quyết định của UBND TP về mức lương áp dụng khi xác định đơn giá tiền lương của các đơn vị này. |