Vụ chặt cây “phong ba” nổi tiếng trên đỉnh Y Tý: 3 người liên quan khai gì?

Sự kiện: Tin nóng

Lực lượng kiểm lâm đã mời 3 người liên quan vụ chặt cây “phong ba” ở đỉnh nóc nhà Y Tý lên làm việc nhưng họ đều không biết nói tiếng phổ thông nên phải nhờ người phiên dịch.

 Lực lượng kiểm lâm kiểm tra khu vực cây “phong ba” bị cắt

 Lực lượng kiểm lâm kiểm tra khu vực cây “phong ba” bị cắt

Ngày 29/11, trao đổi với PV, ông Ngô Kiên Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (tỉnh Lào Cai) cho hay, đơn vị này đã mời 3 người liên quan đến vụ việc chặt cây “phong ba” trên đỉnh Lảo Thẩn lên làm việc.

Do cả 3 người đều là dân tộc Hà Nhì, không biết nói tiếng phổ thông nên buổi làm việc gặp nhiều khó khăn. Đơn vị kiểm lâm phải nhờ người phiên dịch để buổi làm việc được tiếp diễn.

“Tại buổi làm việc, cả 3 người đã thành khẩn khai báo, nhận lỗi. Họ khai thấy cây đã cháy xém, chết khô, mùa đông lại giá rét nên cắt cây về để đun chứ không có ý định phá hoại cảnh quan”, ông Trung thông tin.

Ba người có liên quan đến vụ việc đều trú tại xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) gồm: ông L.X.L, thôn Lao Chải – chủ nhân chiếc cưa xăng; bà L.M.C, thôn Sín Chải – người chủ định cắt cây; ông S.C.G, thôn Mò Phú Chải - người được nhờ cắt cây.

Theo thông tin ban đầu, ngày 20/11, bà C. đã nhờ ông G. đến lán của ông L. mượn chiếc cưa với mục đích cắt cây “phong ba” về làm củi đốt sấy cây Xuyên Khung. Lán nương của ông G. và ông L. cạnh nhau nhưng lúc này ông L. không có ở lán nên ông G. đã tự ý lấy cưa mang đi cắt cây.

Ông Trung chia sẻ, nếu trường hợp ông L. cho mượn cưa để cắt cây thì theo nguyên tắc chiếc cưa sẽ bị tịch thu. Tuy nhiên ở đây, ông L. không có ở nhà và không cho mượn, mà ông G. tự ý lấy mang đi cắt cây nên chiếc cưa sẽ được trả lại cho chủ nhân.

“Hạt kiểm lâm sẽ lập Hội đồng thẩm định giá của chiếc cưa. Sau khi chiếc cưa được thẩm định giá, bà C. và ông G. là người phải chịu trách nhiệm nộp phạt bằng giá của chiếc cưa ấy.

Người phụ nữ chủ định cắt cây “phong ba” về làm củi đốt

Người phụ nữ chủ định cắt cây “phong ba” về làm củi đốt

Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý 2 người này về hành vi khai thác rừng trái pháp luật theo khoản 6, Điều 13 Nghị định 35/2019 quy định về xử phạt trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Ngày 30/11, chúng tôi sẽ tiếp tục mời những người liên quan lên làm việc để thẩm định giá của chiếc cưa; còn trong tuần này chúng tôi sẽ hoàn thành việc xử lý vụ việc”, ông Trung cho hay.

Ông Trung cũng cho rằng, việc người dân chặt cây “phong ba” là do nhận thức của họ còn hạn chế và thông tin quảng bá truyền thông du lịch của địa phương còn thiếu. Họ không phải người đi du lịch nên họ không biết giá trị về mặt du lịch của cây.

Do đó, ông mong muốn cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu, từ đó không tự ý chặt cây, phá rừng và có ý thức hơn trong việc gìn giữ, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách.

Đỉnh Lảo Thẩn nằm trên độ cao 2.860m được coi như nóc nhà của Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) với khung cảnh tuyệt đẹp khi mây trời và nắng gió cùng hòa quyện.

Cây “phong ba” nằm gần khu vực lán nghỉ trên đỉnh Lảo Thẩn là nơi nhiều khách du lịch, leo núi tới để chụp ảnh “sống ảo”. Theo người dân địa phương, cây thuộc họ dẻ, đã héo khô trong một trận cháy rừng.

Mọi người hay gọi đó là cây “phong ba” bởi vỏ nó xù xì, dáng cây cong cong hướng về phía mặt trời, phía dưới là biển mây trôi lơ lửng… Cộng đồng mê du lịch Việt Nam xem đây như một biểu tượng của đỉnh núi Lảo Thẩn.

Nguồn: [Link nguồn]

Tin tức 24h qua: Cây phong ba, biểu tượng du lịch của Y Tý bị chặt trơ gốc

Cây phong ba, biểu tượng du lịch của Y Tý bị chặt trơ gốc; Bệnh viện trả lời bà Phương Hằng khi bị cáo buộc trục...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN