Vì sao TQ điều quân áp sát Triều Tiên?

Trung Quốc đã huy động các lực lượng quân đội tiến gần bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền lên cao khi Bình Nhưỡng dọa phóng tên lửa sang hàng xóm và Mỹ.

Theo các quan chức Mỹ, tuyên bố “tình trạng chiến tranh” của Triều Tiên đối với Hàn Quốc đã khiến Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tăng cường hiện diện của quân đội đến khu vực gần biên giới với Triều Tiên. Các quan chức nói rằng quá trình này đã diễn ra từ giữa tháng 3, khi Trung Quốc điều quân và máy bay chiến đấu vào trạng thái sẵn sàng “mức độ 1”, tức mức độ cao nhất.

Mỹ đã phát hiện quân đội Trung Quốc cùng xe tăng và xe bọc thép ở TP. Tây An và gần sông Yalu – chia cắt Trung Quốc và Triều Tiên. Những khu vực biên giới khác cũng đang có máy bay tuần tra.

Vì sao TQ điều quân áp sát Triều Tiên? - 1

Trung Quốc được cho là đã điều quân, máy bay, xe bọc thép đến sát biên giới

Trung Quốc cũng đang tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Hoàng Hải, dự định kết thúc vào ngày thứ Hai. Động thái này được coi là để hỗ trợ Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng tiếp tục phản đối gay gắt các đợt tập trận quân sự Mỹ - Hàn kéo dài tới tận tháng 5.

Thông tin này được đưa ra khi Mỹ triển khai tàu khu trục USS Fitzgeral gần khu vực bờ biển Triều Tiên, khi trước đó đã điều một số máy bay chiến đấu F-22 đến tập trận với Hàn Quốc, khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo gia tăng.

Trong khi đó, Triều Tiên đã điều động các đơn vị tên lửa tầm trung và tầm ngắn, phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy. Các quan chức cho biết Bình Nhưỡng sẽ thử nghiệm tên lửa cơ động tầm trung. Bình Nhưỡng tuyên bố hôm 26/3 rằng lực lượng của họ đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.

Dù các quan chức tin rằng Bình Nhưỡng sẽ không khiêu khích Seoul trong trò chơi chiến tranh, nhưng họ cũng sợ sự tính toán sai lầm của Hàn Quốc có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực khi Seoul hứa sẽ trả đũa Triều Tiên.

Giữa Triều Tiên và Trung Quốc vẫn tồn tại hiệp ước quốc phòng, trong đó quy định Bắc Kinh sẽ trợ giúp Bình Nhưỡng trong trường hợp bị tấn công. Lần cuối cùng điều khoản này được thực hiện là trong chiến tranh Triều Tiên, khi hàng chục ngàn tình nguyện quân của Trung Quốc đã được huy động sang Triều Tiên để đánh quân Liên Hợp Quốc và quân Hàn Quốc lùi về vĩ tuyến 38. Mối quan hệ giữa hai nước thường được phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc mô tả bằng cụm từ “gần gũi như môi và răng”.

Vì sao TQ điều quân áp sát Triều Tiên? - 2

Mỹ và Hàn Quốc đang tập trận rầm rộ

Dù căng thẳng quân sự khiến quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên rõ ràng đã bị gián đoạn, hai nước vẫn cùng lên kế hoạch thắt chặt quan hệ kinh tế trong tương lai. Ngày 27/3 vừa qua, hai nước tuyên bố sẽ xây dựng đường tàu cao tốc và xa lộ tại Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều quan chức cao cấp Trung Quốc vẫn phản đối quan hệ thù địch của Bình Nhưỡng đối với Seoul và Washington. Một quan chức giấu tên nói với hãng tin Reuters rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực có tác dụng kìm hãm nhà lãnh đạo khó đoán Kim Jong-un.

Ngoài ra, các trang web và blog Trung Quốc nhiều khi còn công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên vì cách xử lý tình huống trong khu vực, chơi trò ngoại giao trong khi đất nước đang đói kém.

Các chuyên gia có quan điểm khác nhau về quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Quan chức Mỹ cho rằng nỗi lo sợ chính của Trung Quốc là Triều Tiên rơi vào tình trạng lộn xộn, dẫn tới một làn sóng di cư lớn từ Triều Tiên sang Trung Quốc.

Một lý do khác mà Trung Quốc có thể đang lo lắng là rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực cũng gây nguy hiểm cho Trung Quốc không kém gì Triều Tiên.

Một số chuyên gia công khai nói rằng chiến lược của Mỹ không phải nhằm làm mất ổn định ở Triều Tiên, mà đối với Trung Quốc. Li Jie, chuyên gia công tác tại một viện nghiên cứu hải quân ở Trung Quốc, nói rằng “mục đích chiến lược cuối cùng là để ngăn chặn là cô lập Trung Quốc, làm Bắc Kinh mất tập trung và làm chậm quá trình phát triển của Trung Quốc. Điều mà Mỹ lo lắng nhất là sự phát triển kinh tế và quân sự quá nhanh của Trung Quốc”.

Ngược lại, Thiếu tướng về hưu Luo Yuan tin rằng “khi hai cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn kết thúc và lễ kỷ niệm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành qua đi thì tình hình trên khu vực sẽ lắng dần xuống để trở lại tình trạng không chiến tranh, không thống nhất”.

Trong lúc luôn thúc giục các bên giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực, Bắc Kinh vẫn thuận theo đa số ý kiến trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc khi đồng ý thông qua bản nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 3 vì vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng 1 tháng trước đó. Dù là đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng trong khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh ngày càng mất kiên nhẫn.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua cảnh báo Triều Tiên phải dừng ngay các hành động và lời lẽ mà ông gọi là khiêu chiến, nguy hiểm và liều lĩnh. Ông Kerry cũng nói Mỹ sẽ tự vệ và bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản khỏi các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, ông Kerry nói rằng Triều Tiên biết Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ và có khả năng bảo vệ mình và các đồng minh.

Cả ông Kerry và người đồng nhiệm Hàn Quốc đều nói rằng cánh cửa vẫn mở để Triều Tiên quay lại đàm phán đa phương về từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Reuters, Russia Today) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN