Công nhân HQ tại Triều Tiên vẫn bình chân

Hàng trăm người Hàn Quốc đang làm việc trên lãnh thổ Triều Tiên sẽ bị bắt làm con tin ngay lập tức nếu hai miền xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, họ không mấy lo lắng về nguy cơ này.

Bà Seijin Roh, một thợ may người Hàn Quốc, có thể đang trong tình trạng mong manh như thế.

Suốt 4 năm qua, sáng thứ Hai nào người phụ nữ 55 tuổi này cũng thức dậy lúc 4h sáng rồi chuẩn bị sang khu công nghiệp ở Triều Tiên làm việc.

Cả tuần làm việc, bà Roh sống trong khu ký túc xá của xưởng và dùng dịch vụ điện thoại trả liền để liên lạc về nhà.

Nếu Triều Tiên tấn công miền Nam – đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng tuần trước tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc – bà Roh sẽ bị bắt làm con tin ngay lập tức.

Nhưng sáng thứ Hai tuần này, bà Roh vẫn sang Triều Tiên làm việc cùng hàng trăm người khác như bình thường, như thể nơi đây chưa từng bị tác động bởi những lời đe dọa chiến tranh.

“Thực tế khác xa với những gì mọi người thấy trên các phương tiện truyền thông”, bà Roh nói trong lúc đợi kiểm tra giấy phép ra vào tại Cơ quan xuất nhập cảnh liên Triều. “Khi đi làm tôi không cảm thấy có gì căng thẳng. Những người Triều Tiên làm việc cùng tôi nhiều khi còn cười khi nói về khả năng xảy ra chiến tranh”.

Tuy nhiên, không phải ai làm việc cùng bà Roh cũng quyết tâm ở lại bất chấp hàng loạt lời đe dọa của Bình Nhưỡng.

Công nhân HQ tại Triều Tiên vẫn bình chân - 1

Kiểm tra các phương tiện trước khi vào khu công nghiệp Kaesong. (Nguồn: Global Times)

Trong số 800 người đăng ký nhập cảnh Kaesong vào sáng thứ Hai, chỉ có 352 người đến để làm thủ tục, dù chưa rõ họ không đến vì sợ đe dọa của Triều Tiên hay sợ hàng chục camera truyền hình đang chầu chực chờ họ đến để phỏng vấn.

Dòng người đi qua cửa khẩu được các nhà phân tích cực kỳ chú ý vì họ cho rằng khu công nghiệp Kaesong, nơi bà Roh làm việc, là biểu tượng cho quan hệ của hai miền.

Được thành lập năm 2005, khu tổ hợp này là nơi 123 doanh nghiệp Hàn Quốc đang khai thác nguồn lao động giá rẻ với hơn 53.000 công nhân Triều Tiên. Đổi lại, Triều Tiên đang rất cần ngoại tệ.

Là mối liên hệ duy nhất còn lại giữa hai nước, Kaesong chưa bao giờ bị đóng cửa cho dù quan hệ hai miền nhiều lần căng thẳng trong vài năm qua, đặc biệt là sau vụ thử hạt nhân năm 2009 và vụ tấn công vào đảo Yongpyeong 1 năm sau đó.

Tuy nhiên, tuần trước Bình Nhưỡng cảnh báo nếu Hàn Quốc còn bóng gió nói rằng Triều Tiên cần ngoại tệ quá nên không dám đóng cửa, thì nước này sẽ “đóng cửa khu công nghiệp một cách không thương tiếc”.

Trong tình thế đó, ngay cả những người có niềm tin vững vàng nhất cũng khó tránh khỏi lung lay. “Khó có thể phủ nhận khả năng bị bắt làm con tin”, bà Yongja Oh, 52 tuổi, chủ một nhà máy trong khu công nghiệp Kaesong, nói.

Tuy nhiên, bà Oh cho biết, binh lính Hàn Quốc không được phép vào Kaesong nhưng vẫn có nhiều nhân viên bảo trì đảm bảo an ninh cho họ.

“Đến nay vẫn chưa có điều gì bất thường và tôi vẫn chưa cảm thấy không khí căng thẳng hơn. Nhưng đôi khi tôi vẫn thấy hơi lo cho công việc làm ăn của mình”, bà Oh nói.

Một số người khác cũng chia sẻ quan điểm tương tự.

“Gia đình tôi không hề lo rằng tôi sẽ gặp nguy hiểm. Nếu chúng tôi không khiêu khích Triều Tiên, chúng tôi sẽ không sao cả. Và dù sao đi nữa, họ cũng không dám tấn công chúng tôi. Họ biết nếu họ đấm chúng tôi một phát thì họ sẽ phải nhận lại hai phát”, ông Minsu Kim, một công nhân hậu cần 51 tuổi đang làm việc tại Kaesong, nói.

Để được vào Kaesong, người Hàn Quốc phải xếp hàng trên cầu Thống nhất bắc qua sông Imjin, nơi đặt một số ba-ri-e chặn xe cộ và nhiều đồn gác. Bên kia cầu, màn hình của hệ thống dẫn đường trở nên trắng xóa khi đi vào vùng đệm ngăn cách hai miền.

Tại văn phòng xuất nhập cảnh, các công nhân nhận được một chìa khóa để cất đồ dùng có giá trị vào ngăn khóa. Đây là dấu hiệu nhắc nhở họ rằng máy nghe nhạc, điện thoại di động, sạc pin, báo, tạp chí, bản đồ, máy tính, thẻ nhớ, máy ảnh, thuốc và pháo hoa bị cấm mang vào Triều Tiên.

Vào 7h sáng, văn phòng xuất nhập cảnh mở cửa để cho công nhân đi vào bằng xe buýt tới Kaesong. Không có ai đi vào khu công nghiệp vào mỗi buổi sáng thứ hai mong muốn kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra. “Tôi không nghĩ về điều đó. Sẽ không có gì tồi tệ xảy ra”, một công nhân nói.

“Trong tình huống xấu nhất, khu công nghiệp sẽ chỉ bị đóng cửa và chúng tôi sẽ trở về nhà. Ngay cả khi họ giữ chúng tôi một thời gian thì cũng không thể gọi đó là hành động bắt cóc con tin”, một công nhân khác nói.

Tên của các nhân vật trên đây đã được thay đổi vì tình báo Triều Tiên giám sát rất chặt những người làm việc tại Kaesong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Telegraph) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN