Vì sao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đi đã hỏng?

Sự kiện: Tin nóng

Đại diện cơ quan giám định cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "vừa đi đã hỏng" là do chất lượng đá dăm kém, trong đá dăm có trộn lẫn các phụ gia, tạp chất

Ngày 26-11, bước sang ngày thứ 4 làm việc, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tiếp tục với phần thẩm vấn.

Chất lượng đá dăm kém

Theo cáo trạng, kết quả giám định của Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) phía Nam (Bộ GTVT) cho thấy quá trình thực hiện thi công, quản lý giám sát... từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA), nhà thầu, nhà thầu tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định về xây dựng; tổ chức thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình để đưa vào khai thác sử dụng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế. Quá trình thi công, nghiệm thu, các đơn vị liên quan đã không đo cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, đo hệ số thấm của lớp bê-tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình sau khi thi công.

Đáng chú ý, đối với hạng mục công trình có sử dụng vật liệu đá (cấp phối đá dăm, bê-tông nhựa các loại), Bộ GTVT đã cảnh báo về chất lượng kém đối với đá của các mỏ Đà Sơn, Phước Tường, Hương Mao, Chu Lai, Hố Chuồn… Tuy nhiên, Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), BQLDA và các đơn vị liên quan không có phương án loại bỏ, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này. Thiệt hại được xác định khi chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán với số tiền đặc biệt lớn là hơn 811 tỉ đồng là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của các luật sư, đại diện cơ quan giám định cam kết quy trình đánh giá, giám định đều dựa trên các cơ sở khoa học, khách quan, độc lập, bảo đảm đúng pháp luật và không chịu ảnh hưởng của bên nào. "Chúng tôi chưa biết đoạn đường được giám định nằm ở đâu, thấy chỗ nào hư thì né ra, lấy mẫu những vị trí khác để làm sáng tỏ các nội dung cần thiết" - giám định viên trình bày.

Đại diện cơ quan giám định cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "vừa đi đã hỏng" là do chất lượng đá dăm kém, trong đá dăm có trộn lẫn các phụ gia, tạp chất.

Một trong các bị cáo được đưa tới phiên tòa

Một trong các bị cáo được đưa tới phiên tòa

Tách vụ án để tiếp tục điều tra

Tham gia trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc VEC, khai các mỏ đá cấp đá dăm cho cao tốc đã được hình thành từ khi có chủ trương đầu tư. Hợp đồng ký kết giữa các bên, trong đó có nguồn vật liệu đá được cho là kém chất lượng, cũng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thẩm định.

Bị cáo Hùng cho rằng trách nhiệm để vật liệu kém là do chủ đầu tư và đơn vị liên quan. Sau khi cơ quan báo chí phản ánh tuyến cao tốc thuộc giai đoạn 1 xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, các đơn vị liên quan đã chỉ đạo, phối hợp xử lý.

Đáng chú ý, trong vụ án này, ngoài 36 bị cáo đang bị xét xử, nhiều bị cáo được xác định có trách nhiệm liên quan nhưng đã được cơ quan CSĐT tách vụ án ra giai đoạn 2 để tiếp tục điều tra.

Trong đó, cơ quan điều tra nhận định ông Mai Tuấn Anh (nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc VEC) đã không kiểm tra giám sát, không thực hiện đúng chỉ đạo và báo cáo Bộ GTVT liên quan đến yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, phương án khắc phục nguồn vật liệu từ các mỏ đá kém chất lượng của dự án. Hành vi của ông Tuấn Anh có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng không bảo đảm.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh còn liên quan đến giai đoạn 2 của dự án đang tiến hành giám định chất lượng công trình xây dựng. Do vậy, để đánh giá, xem xét xử lý, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách hành vi liên quan đến các sai phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của ông Tuấn Anh để xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.

Tương tự, ông Trần Văn Tám, nguyên Tổng Giám đốc VEC, cũng được xác định có liên quan đến quá trình thực hiện giai đoạn 2 của dự án (đoạn 75 km sử dụng vốn vay của World Bank) với vai trò là lãnh đạo VEC phụ trách trực tiếp, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu cơ sở dự án. Hành vi của ông Tám sẽ được xem xét trong giai đoạn 2 của vụ án. 

Kỷ luật cảnh cáo

Hồi tháng 7-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Mai Tuấn Anh và ông Trần Văn Tám. Theo cơ quan kiểm tra, Ban Thường vụ Đảng ủy VEC đã vi phạm quy chế làm việc và các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, để nội bộ lãnh đạo tổng công ty mất đoàn kết nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và trong quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau kết luận này, ông Mai Tuấn Anh đã bị điều chuyển công tác.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Đề nghị truy tố 1 thượng tá, 1 đại uý quân đội

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tách vụ án liên quan đến phần thi công gói thầu số 2, số 6 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN