“Thi công chức, dưới 100 triệu không đỗ đâu”

“Có đơn vị thi tuyển công chức nảy sinh hiện tượng “chạy” để được đỗ. Bây giờ người ta nói rằng dưới 100 triệu không đỗ đâu”.

Năm 2013, UBND TP.Hà Nội đề xuất tăng 9.293 biên chế công chức hành chính và 143.610 biên chế sự nghiệp. Thảo luận tại kỳ họp thứ 6, HĐND Thành phố sáng 7/12, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với đề xuất này. Theo các đại biểu, bộ máy công chức hoạt động không đạt hiệu quả, nhưng mỗi năm một “phình to”.

Tại cuộc thảo luận về Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Hà Nội, vấn đề thi tuyển công chức được các đại biểu quan tâm nhất. Theo đại biểu Trần Trọng Dực (quận Hoàng Mai), những năm qua Hà Nội đã thu hút được khối lượng lao động trẻ, có trình độ. Nhưng bên trong và đằng sau kỳ thi dường như có vấn đề.

Vị chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội cho biết, có thí sinh thi công chức làm bài không sai một dấu chấm, dấu phảy trong đáp án. Trong kỳ thi công chức khối Đảng, lần đầu tiên, phát hiện ra 2 giáo viên đánh dấu bài của thí sinh để chấm bài. Ông Dực cho rằng, thông qua việc như vậy, có thể nhận ra chất lượng thi không ổn.

Đại biểu Trần Trọng Dực cũng đồng tình việc phân cấp quản lý, thi tuyển cho các quận, huyện. Nhưng có đơn vị nảy sinh hiện tượng “chạy” để được đỗ. Vị đại biểu này cho biết: “Bây giờ người ta nói rằng dưới 100 triệu không đỗ đâu. Nói đến đó, tôi rất đau lòng, nhưng đó là một thực trạng”.

Đặt nghi vấn chất lượng cán bộ chưa đáp ứng nhu cầu công việc, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) đặt câu hỏi về yếu tố tuyển đầu vào. Đại biểu Trần Trọng Dực cũng có chung băn khoăn: “Tại sao chúng ta nói giảm biên chế, tinh gọn bộ máy. Nhưng biên chế năm sau cao hơn năm trước. Do lãnh đạo chỉ đạo hay do trình độ công, viên chức trong quá trình làm việc?”.

Đại biểu Trần Trọng Dực nêu thực trạng, một bộ phận cán bộ công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng nhiệm vụ. Cơ quan nào cũng bức xúc, tuy nhiên lại không giải quyết được. Lý do, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi đảng viên, công nhân viên. Đại biểu Dực cho rằng, nếu không đánh giá để có việc bố trí sắp xếp hợp lý, đào tạo lại, Hà Nội không bao giờ giảm biên chế được.

Đại biểu Dực nêu ví dụ: UBND Quận Long Biên có 203 biên chế, trong đó khối các phòng ban 128, nhưng riêng lực lượng thanh tra xây dựng chiếm 75. Như vậy, 1/3 tổng biên chế quận Long Biên thực thi công vụ. Ví dụ khác ở huyện Sóc Sơn, tổng biên chế 274, thanh tra xây dựng chiếm 121, gần một nửa biên chế của huyện. Đại biểu Dực kết luận: “Lấy ví dụ như vậy để thấy bố trí hợp lý chưa? Nếu bố trí thanh tra xây dựng mà chiếm 1/2, 1/3 tổng số biên chế của các đơn vị, tôi thấy băn khoăn”.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cũng đồng tình với thực trạng một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Sáng đưa ra một giải pháp cụ thể trong cải cách hành chính. Bộ phận hành chính một cửa sẽ có camera ghi lại hình ảnh làm việc cán bộ để kiểm tra. Nếu công chức không hoàn thành nhiệm vụ sẽ có chế tài nghiêm khắc để làm gương. Sắp tới, lấy phiếu các sở, ngành địa phương, sẽ có phiếu chỉ đích danh cơ quan, bộ phận, cá nhân nào chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch HĐND Hà Nội, ông Lê Văn Hoạt kết luận, một bộ phận công chức không đáp ứng yêu cầu là việc lớn. Ông Hoạt đề nghị UBND Thành phố có biện pháp xử lý bài bản thực trạng này. Đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào, đội ngũ hiện có.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Chạy công chức 100 triệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN