SV sư phạm bị “chê”: Hiệu trưởng nói gì?
Nhiều vị lãnh đạo các trường ĐH bức xúc vì sinh viên trường mình bị Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc loại khỏi khỏi danh sách nộp hồ sơ dự tuyển công chức.
Trước việc sinh viên trường mình không được dự tuyển tại Vĩnh Phúc, các lãnh đạo của trường ĐH Hùng Vương tỏ ra không đồng tình. Trưởng phòng đào tạo ĐH Hùng Vương, ông Đào Đắc Tiến không hiểu tại sao Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc lại có chính sách tuyển người không hợp lý như vậy. Nếu đúng ra, cần có sự gặp gỡ đối thoại trực tiếp giữa Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc và lãnh đạo trường. Nhưng Sở cứ áp đặt những quy định như vậy với sinh viên, e rằng không hợp lý.
Ông Tiến bức xúc bày tỏ, nếu như nói trường ĐH Hùng Vương có trình độ kém, vậy thì yếu kém về cái gì? Nói như vậy có lẽ chưa chuẩn, bởi việc này là do các cơ quan chuyên môn của Bộ GD & ĐT kiểm tra. Trường ĐH Hùng Vương đào tạo sinh viên sư phạm theo chương trình của Bộ Giáo dục và là trường công lập. Bằng do trường ĐH Hùng Vương cấp là bằng có giá trị trên cả nước. Theo ông Tiến, năm 2011, trường cũng gửi công văn đến Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc giải thích, đề nghị tiếp tạo điều kiện cho các em, nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc.
Nhiều sinh viên khá, giỏi bị loại từ vòng gửi hồ sơ
TS. Đinh Thanh Tâm, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc cũng không rõ vì sao sinh viên sư phạm trường mình lại bị từ chối. Theo TS. Tâm, không có lý do gì để không nhận sinh viên trường ĐH Tây Bắc.
Trên cả nước, chỉ có mỗi sở GD & ĐT Vĩnh Phúc không nhận sinh viên của trường này. Nhà trường có nhận được phản ánh rằng trường ĐH Tây Bắc không là trường sư phạm. Nhưng thực tế không phải vậy, trường ĐH Tây bắc đào tạo sư phạm là chủ yếu. Nhiều khi họ nhìn vào tên trường rồi nói ĐH Tây Bắc không phải là trường sư phạm, sinh viên ĐH Tây Bắc không phải là sinh viên sư phạm. “Chúng tôi mong cán bộ Sở đọc kỹ văn bản hơn, trả lời người đi xin việc cẩn thận hơn, chứ trả lời như vậy tương đối thiếu trách nhiệm", ông Tâm nói.
Ông Tâm đưa ra ví dụ: “Có nhiều ngành như giáo dục chính trị, giáo dục thể chất... ghi đúng tên theo mã ngành do Bộ GD&ĐT ban hành. Vậy nhưng họ nói rằng “giáo dục” không phải là sư phạm. Như vậy chúng tôi cũng chịu thôi. Bản thân chúng tôi cũng rất nhiệt tình hướng dẫn các em sinh viên chứng minh cho Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc mình là sinh viên sư phạm. Các văn bản, bằng cấp, chứng chỉ... được chúng tôi hướng dẫn các em sinh viên nhưng Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc vẫn từ chối".
Ông Tâm mong các cán bộ tuyển dụng nghiên cứu rõ ràng hơn, trả lời sinh viên đến xin dự tuyển xác đáng hơn. Ông Tâm nhấn mạnh: “Trường ĐH Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Vĩnh Phúc”.
Trong hướng dẫn tuyển dụng công chức của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có ghi rõ những đối tượng "nằm trong vùng xét tuyển"
Ông Tâm cho biết thêm, mặc dù bức xúc nhưng phía nhà trường cũng chỉ biết giúp các em sinh viên chứng minh những điều vô lý của Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc đưa ra. Việc sinh viên trường Tây Bắc bị loại không có văn bản chính thức nào nói lên điều đó. Sở này công bố danh sách những trường được đăng ký dự tuyển, trường Tây Bắc không có tên đồng nghĩa với việc không được tuyển.
Về phía trường ĐHSP Hà Nội, cuối tuần này Trường sẽ có buổi làm việc với PV về vấn đề trên. Theo những sinh viên, từ năm 2011, sinh viên ở Vĩnh Phúc học hệ cử nhân ở trường này đều bị loại khỏi đối tượng dự tuyển công chức. Những sinh viên đã phản ánh với nhà trường về tình trạng trên. Theo các sinh viên, nhà trường đã hứa sẽ có phản ánh đến Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc.
Đến thời điểm hiện tại, hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc, hệ cử nhân ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn chưa nhận được lời giải thích chính thức từ phía Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc. Theo các sinh viên này, nếu vẫn không có câu trả lời xác đáng, họ sẽ kiến nghị lên Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, khi PV đến gặp người đứng đầu Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc, ông Hoàng Minh Quân (Giám đốc Sở) lạnh lùng từ chối cung cấp thông tin.
Không phân biệt loại hình đào tạo khi tuyển công chức Thông tư 05/2012/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Khi quy định và thông báo các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, cơ quan quản lý công chức không được phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ); không phân biệt trường công lập và ngoài công lập. Ngoài ra, viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội nếu có đủ tiêu chuẩn để tuyển vào công chức không qua thi tuyển thì người đứng đầu cơ quan xem xét quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định có hiệu lực từ ngày 10/12/2012. |