Thái Lan: Hàng loạt đài truyền hình bị chiếm giữ

Người biểu tình chiếm giữ 5 đài truyền hình và đòi loại bỏ các bản tin của chính phủ.

Ngày 10/5, người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã ồ ạt tràn vào chiếm giữ các đài truyền hình lớn ở thủ đô Bangkok sau khi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp nước này bãi nhiệm.

Sau khi bà Yingluck bị bãi nhiệm, nội các Thái Lan đã chỉ định Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongphaisan giữ chức Thủ tướng tạm quyền cho đến khi Thái Lan tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7 tới đây.

Ngay sau đó phe biểu tình chống chính phủ (hay còn gọi là phe Áo Vàng) đã đổ xuống đường phố Bangkok để tổ chức “trận chiến cuối cùng” nhằm lật đổ chính phủ tạm quyền và quét sạch ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Thái Lan: Hàng loạt đài truyền hình bị chiếm giữ - 1

Người biểu tình chiếm giữ trụ sở Đài Truyền hình Quốc gia Thái Lan

Người biểu tình đã bao vây trụ sở 5 đài truyền hình lớn của Thái Lan, bao gồm Kênh 3, 5, 7, 9 và 11, đồng thời yêu cầu nhà đài ngừng phát các thông tin từ nguồn của chính phủ.

Người biểu tình tràn vào các đài truyền hình này và giám sát chặt chẽ các phát thanh viên để đảm bảo họ thực hiện đúng các yêu cầu trên. Khi Kênh 9 phát tuyên bố của chính phủ chỉ trích việc người biểu tình bao vây các đài truyền hình, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã công khai tuyên bố rằng đây là một “sai lầm” không được phép lặp lại.

Người biểu tình thậm chí còn ngăn cản không cho các nhân viên Kênh 11 sử dụng phòng thu và các thiết bị của mình để sản xuất các chương trình mà họ cho là để chỉ trích phong trào biểu tình.

Ông Brad Adams, phụ trách chi nhánh Tổ chức Nhân quyền châu Á tuyên bố: “Việc người biểu tình chiếm giữ đài truyền hình và đe dọa nhân viên không chỉ là hành động phi pháp mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng thô thiển đối với tự do báo chí.”

Trong khi đó, những người thuộc phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ cũng đã đổ về Bangkok từ các vùng nông thôn để tổ chức một cuộc tuần hành lớn trên các đường phố.

Lãnh đạo Áo Đỏ đã kêu gọi những người ủng hộ kiềm chế và cảnh báo rằng phe biểu tình đang muốn kích động bạo lực nổ ra để buộc chính phủ tạm quyền phải sụp đổ.

Thái Lan: Hàng loạt đài truyền hình bị chiếm giữ - 2

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban

Mặc dù đang bị truy nã với tội danh giết người, song lãnh đạo biểu tình Suthep vẫn công khai dẫn đầu người biểu tình đi tới các cơ quan chính phủ và quốc hội để đòi họ hạ bệ chính phủ trong vòng 3 ngày.

Ông Suthep tuyên bố trước các phóng viên: “Nếu các bạn nhìn thấy bất kỳ bộ trưởng nội các nào, hãy đem họ đến cho tôi. Tôi sẽ đợi tại nhà quốc hội.”

Trong một diễn biến khác, Thượng viện Thái Lan ngày hôm qua vừa giáng thêm một đòn vào chính phủ nữa bằng cách bầu Thượng nghị sĩ Surachai Liangboonlertchai nổi tiếng chống chính phủ làm Chủ tịch Thượng viện, chức vụ có quyền quyết định phê duyệt bất cứ vị trí thủ tướng mới nào trước khi chuyển qua cho Quốc vương.

Ngoài ra, Ủy ban Chống Tham nhũng Thái Lan cũng đã bắt đầu thực hiện các thủ tục tố tụng chống lại bà Yingluck với cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình trợ giá gạo. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo BangkokPost) ([Tên nguồn])
Biểu tình bạo lực ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN