“Quả đắng” của nữ Thủ tướng Thái Lan

Nếu như thắng lợi của bà Yingluck Shinawatra trong cuộc bầu cử năm 2011 được cho là đến từ chương trình trợ giá lúa gạo thì cuộc khủng hoảng hiện nay mà Thái Lan đang đối mặt lại là quả đắng của nó.

“Quả đắng” của nữ Thủ tướng Thái Lan - 1

Sự phản đối của người nông dân - lực lượng ủng hộ chính phủ mạnh mẽ nhất đang khiến bà Thủ tướng Yingluck vô cùng bối rối. (Ảnh minh họa)

Nông dân - Tưởng “lên hương” ai dè tay trắng

Chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã thực hiện lời hứa khi tranh cử và thu mua gạo của nông dân với giá cao gấp đôi giá thị trường (lên tới 500 USD/tấn), nhằm giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân. Công bằng mà nói, đây là một chương trình “dân túy” có ý đồ tốt vì nó sẽ làm thay đổi cơ bản mức sống của người nông dân nhưng, với chương trình này, Thái Lan đã bị mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thêm vào đó còn có nhiều lời cáo buộc tham nhũng xung quanh chương trình này.

Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến phong trào tuần hành chống chính phủ trong nhiều tháng qua.  

Từ cuối tháng 12/2013, mọi hoạt động thanh toán tiền mua gạo của chính phủ đã bị ngừng lại. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội nông dân Thái Lan Prasit Boonchoey cũng nhấn mạnh việc nông dân trồng lúa đã không nhận được tiền thu mua gạo cách đây hơn 6 tháng. Do vậy, nhiều nông dân đến từ bốn tỉnh miền Trung Thái Lan đã kéo đến thủ đô Bangkok nhằm phản đối việc chính phủ nhiều lần khất nợ từ chương trình trợ giá lúa gạo. Họ đe doạ sẽ tiếp tục tham gia tuần hành chống chính phủ, đồng thời đặt hạn chót cho Chính phủ Thái Lan phải thanh toán tiền mua gạo chậm nhất vào ngày 15/2 tới.

Hôm 6/2, nông dân trồng lúa Thái Lan cũng đã tổ chức biểu tình trước Bộ Thương mại, đòi chính phủ chi trả tiền gạo cho họ. Thủ tướng Chính phủ lâm thời Thái Lan Yingluck cùng ngày một lần nữa cam kết sẽ giải quyết sự hạn chế về pháp luật hiện nay, tìm nguồn vốn để chi trả tiền gạo cho nông dân. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn dường như đã từ chối cho vay vì cho rằng chính phủ không có quyền vay tiền nữa. Một số nông dân chưa nhận được tiền bán gạo trong nhiều tháng khi mà chương trình sẽ ngừng vào cuối tháng 2 tới, thời điểm mùa vụ kết thúc. 

Sự bất lực của Thái Lan trong việc thành lập một chính phủ mới đã khiến đất nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách, khi mà chương trình mua gạo giá cao đang tiến gần tới sự phá sản và các kế hoạch đầu tư công hỗ trợ nền kinh tế bị đe dọa. Trả lời hãng tin Reuters, Manas Jamveha, người đứng đầu Văn phòng Trưởng ban tài chính, nói: “Dự trù ngân sách tài chính vẫn chưa được khởi động. Từ trước tới nay chúng tôi chưa bao giờ gặp tình trạng này. Chúng tôi phải đợi cho tới khi một chính phủ mới được thành lập và chính sách của chính phủ trước khi đặt ra khung ngân sách".

Theo luật, chính phủ tạm quyền chỉ có thể đưa ra ngân sách mới nếu được Ủy ban bầu cử thông qua và không thể đưa ra các dự án thay cho chính phủ mới. Theo Ủy ban Ngân sách, các bộ trưởng sẽ đưa ra dự thảo ngân sách cho năm tài chính tới bắt đầu vào tháng 10 với thời hạn chót là ngày 28/1. Ngân sách chi tiết sẽ được thảo luận vào tháng 4 và dự thảo sẽ được trình quốc hội thông qua vào tháng 5. Tuy nhiên, do sự cản trở của phe đối lập, có thể còn nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng Thái Lan mới có thể có một chính quyền hợp pháp.

“Gậy ông đập lưng ông”

Hiện nay, Chính phủ tạm quyền Thái Lan cần có 130 tỷ baht (tương đương 4,3 tỷ USD) để trả nợ cho khoảng 1 triệu nông dân. Song, Chính phủ Tạm quyền chịu sự hạn chế về quyền lực, cho nên khó mà huy động đủ khoản tiền này.

“Quả đắng” của nữ Thủ tướng Thái Lan - 2

Chưa yên với các cuộc biểu tình của phe "áo vàng" đối lập, Chính phủ Thái Lan hiện nay còn phải đối mặt với các cuộc tuần hành đòi thanh toán tiền mua lúa gạo của nông dân.

Chính sách thu mua gạo từ tay nông dân với giá cao hơn giá thị trường từng bị bên ngoài phê bình là chính sách trực tiếp khiến giá gạo Thái Lan bị đẩy cao, sức cạnh tranh trên quốc tế suy giảm, gạo tồn kho chồng chất như núi, dẫn đến lượng xuất khẩu gạo sụt giảm những 35% trong năm ngoái, Thái Lan cũng mất đi vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong suốt 30 năm qua, khiến tài chính Thái Lan bị tổn thất nặng nề và vấp phải chỉ trích của phe đối lập. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói, kể từ khi Chính phủ Yingluck thực thi chính sách thu mua gạo vào năm 2011 đến nay, tổng cộng đã gây tổn thất 4,46  tỷ USD cho Thái Lan.

Trong khi đó, lợi dụng sự chia rẽ giữa đảng cầm quyền với lực lượng hậu thuẫn chính, phe đối lập Thái Lan do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã lên kế hoạch quyên góp tiền ủng hộ người nông dân. Người phát ngôn phong trào biểu tình, ông Akanat Promphan, cho biết đoàn biểu tình đã tuần hành qua quận thương mại Silom trong ngày 7/2 để quyên góp tiền cho nông dân và sẽ dẫn đầu quần chúng tham gia biểu tình cướp giật 18 triệu tấn gạo từ kho lương thực chính phủ, rồi đưa bán lấy tiền hỗ trợ cho bà con nông dân, qua đó thu hút sự ủng hộ của họ đối với phong trào này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Prasit khẳng định sẽ không tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ. Mạng lưới nông dân phương Bắc (NFN) với gần 50.000 thành viên cũng cam kết không liên hệ với ông Suthep và không có kế hoạch biểu tình ở Bangkok, dù rất nhiều thành viên của mạng lưới này hiện đang bao vây Ủy ban tỉnh Phichit và chặn các quốc lộ xung quanh tỉnh này.

Phát biểu với Reuters, Chủ tịch mạng lưới NFN, ông Kittisak Rattanawaraha nói: "Không thể có chuyện chính phủ lâm thời có thể kiếm được số tiền để trả cho chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu chính phủ từ chức". Ông Kittisak cũng cho biết mạng lưới của ông không đứng về phe ông Suthep và không có kế hoạch biểu tình ở Bangkok mặc dù ông thừa nhận rằng một số nông dân ủng hộ phong trào phản đối chính phủ. Những người biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan muốn lợi dụng sự bất mãn của người dân vùng nông thôn trước sự thất bại của nhà nước trong việc mua gạo theo chương trình trợ giá.

Tuy nhiên, số lượng người biểu tình hiện đã sụt giảm. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattantabutr ước tính rằng chỉ còn khoảng 3.000 người đóng tại các lán trại ở các khu biểu tình. Trước khi bầu cử diễn ra, chính phủ đã ban hành sắc lệnh khẩn cấp và theo ông Paradorn, đã có 19 lệnh bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình vi phạm sắc lệnh. Vào ngày 9/2 tới, sẽ có thêm 39 lệnh bắt giữ khác được ban hành. Ông Paradorn nói: "Chúng tôi sẽ bắt giữ các thủ lĩnh đối lập vào thời điểm thích hợp. Hiện tại chúng tôi đã triển khai các nhóm cảnh sát theo sát hoạt động của những thủ lĩnh có tên trong lệnh bắt giữ, song chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không đàn áp các cuộc biểu tình".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Minh (Infonet.vn)
Biểu tình bạo lực ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN