Kim Jong-un bất ngờ hủy thăm Nga vì sợ đảo chính?

Sự kiện: Kim Jong Un

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, ông Kim Jong-un đã ra lệnh xử tử ít nhất 15 quan chức cấp cao của Triều Tiên.

Ngày 30/4, điện Kremlin bất ngờ thông báo rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không tới Nga dự lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế Chiến II với tuyên bố của người phát ngôn Dmitry Peskov rằng ông Kim quyết định ở lại Bình Nhưỡng vì “các vấn đề nội bộ Triều Tiên”.

Quyết định này của ông Kim đã khiến cả thế giới sửng sốt, trong đó có cả Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), khi đến ngày hôm qua NIS vẫn tin chắc rằng ông Kim sẽ tới Moscow dự lễ kỷ niệm.

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, việc ông Kim Jong-un quyết định hủy chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức này chứng tỏ có gì đó không bình thường ở Bình Nhưỡng, bởi Nga hiện đang là đối tác ngày càng quan trọng của Triều Tiên.

Kim Jong-un bất ngờ hủy thăm Nga vì sợ đảo chính? - 1
Ông Kim Jong-un hủy chuyến công du đầu tiên tới Nga vì "các vấn đề nội bộ"

 

Theo một báo cáo do NIS công bố ngày hôm qua, chỉ riêng trong nửa đầu năm 2015, ông Kim Jong-un đã ra lệnh xử tử 15 quan chức cấp cao của Triều Tiên. Hồi năm ngoái, rất nhiều tướng lĩnh, quan chức cấp cao của nước này cũng đã bị trừng phạt sau khi nhân vật quyền lực số 2 Jang Song-taek bị xử tử vì tội “tạo phản”.

Theo NIS, hồi tháng Một, một thứ trưởng của Triều Tiên đã bị xử bắn sau khi lên tiếng chất vấn chính sách lâm nghiệp của ông Kim. Đến tháng Hai, một quan chức Ủy ban Kế hoạch Nhà nước bị tử hình liên quan đến một dự án xây dựng một trung tâm khoa học công nghệ có hình đóa hoa mang tên cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Một tháng sau, 4 quan chức cấp cao của Đoàn Văn công Unhasu, trong đó có cả đoàn trưởng, đã bị tử hình vì tội danh gián điệp.

Ngoài ra, cũng có thông tin cho hay từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, ông Kim đã tuyên án tử hình đối với viên tướng 4 sao của quân đội Pyon In-son vì đã từ chối thực thi mệnh lệnh “bắn bỏ các quan chức cấp cao có liên hệ với Trung Quốc”.

Kim Jong-un bất ngờ hủy thăm Nga vì sợ đảo chính? - 2
Ông Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội Triều Tiên

 

NIS tin rằng ông Kim đã ra lệnh tử hình tổng cộng 17 quan chức cấp cao năm 2012, 10 quan chức khác vào năm 2014, và đỉnh điểm là 41 quan chức vào năm 2014.

Theo ông Gordon G. Chang, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, những vụ tử hình này là dấu hiệu cho thấy có vẻ như ông Kim Jong-un đang đối mặt với những mối đe dọa đối với vị trí và quyền lực của mình. Việc ông quyết định không tới Nga lần này dường như càng củng cố thêm nhận định đó.

Ông Chang cho rằng những động thái thay đổi nhân sự cấp cao của quân đội liên tục trong thời gian gần đây chứng tỏ ông Kim vẫn chưa tìm được một viên tướng mà ông có thể tin tưởng, trong khi ông vẫn chưa có đủ thời gian để xây dựng một cơ sở quyền lực đủ vững chắc.

Ông Bruce Bechtol, chuyên gia phân tích quốc tế về tình hình Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un cho biết ông Kim đã ra lệnh thực thi số vụ tử hình nhiều hơn cha mình là ông Kim Jong-il trong thời gian cầm quyền tương ứng.

Theo chuyên gia này, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã tạo ra một hệ thống chính trị rất cân bằng ở Triều Tiên, bằng cách để cho Đảng Lao động Triều Tiên, quân đội và các cơ quan an ninh có thể kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau.

Tuy nhiên đến thời ông Kim Jong-il, ông đã xây dựng quyền lực cho mình một cách nhanh chóng bằng cách để phe quân đội trỗi dậy, lấn át Đảng Lao động Triều Tiên và các cơ quan tình báo. Điều đó được thể hiện trong chính sách “tiên quân” do ông Kim Jong-il đề ra, đó là ưu tiên hàng đầu cho quân đội.

Sau khi lên cầm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un dưới sự dìu dắt của người chú quyền lực Jang Song-taek đã tìm cách lập lại cân bằng và đề cao vai trò của Đảng Lao động Triều Tiên. Tuy nhiên, với việc ông Jang bị tử hình, phe quân đội dần dần lấy lại quyền lực của mình.

Kim Jong-un bất ngờ hủy thăm Nga vì sợ đảo chính? - 3
Ông Jang Song-taek bị bắt tại một cuộc họp và bị xử tử sau đó

 

Chuyên gia Chang nhận định rằng ông Kim Jong-un đã tìm cách chống lại xu hướng này bằng cách thường xuyên tái sắp xếp nhân sự cấp cao và thậm chí là tử hình các quan chức, tướng lĩnh quân đội.

Bởi vậy, hầu hết các chuyên gia phân tích quốc tế đều nhận định rằng ông Kim Jong-un đã quyết định không ra nước ngoài trong thời gian hiện nay để đối phó với những mối đe dọa nội loạn và đảo chính trong nước, đặc biệt là từ phía các tướng lĩnh quân đội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Kim Jong Un Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN