‘Hòa bình kiểu Trung Quốc’ rất nguy hiểm ở biển Đông

Sự kiện: Tin nóng

Mỗi bước leo thang ở biển Đông, Trung Quốc lại cho thấy nước này không đồng nhất giữa lời nói và hành động, giữa cam kết và trách nhiệm.

Giữa lúc biển Đông chưa hết dậy sóng khi đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc (TQ) lên tiếng trấn an các quốc gia trong khu vực và dư luận quốc tế. Tuy nhiên, những thông điệp từ phía TQ một lần nữa cho thấy nước này vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách nguy hiểm ở biển Đông.

Thông điệp từ phát ngôn mới nhất của TQ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 92 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại TP Makati (Philippines) hôm 29-7, Đại sứ TQ Zhao Jianhua đã gọi các tranh chấp trên biển ở biển Đông là “nhạy cảm”.

“Tất cả chúng ta đều biết đây là những vấn đề rất nhạy cảm. Đối với TQ, đối với Philippines và đối với các quốc gia khác, các tranh chấp không dễ dàng giải quyết trong một sớm một chiều. Vì vậy, chúng ta nên kiên nhẫn” - ông Zhao nói thêm.

Vị này nói thêm: “TQ áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực, tuân thủ nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng sau tấn công (…) TQ sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Đây là một cam kết với người dân TQ và thế giới, và điều này đã được ghi vào hiến pháp Trung Quốc”.

Ông Zhao nhấn mạnh TQ sẽ tiếp tục hợp tác với Philippines và các quốc gia khác có liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp liên quan ở biển Đông thông qua đàm phán, tham vấn song phương trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử và theo luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Tại Việt Nam hôm 30-7, cũng nhân kỷ niệm ngày thành lập PLA, ông La Tân, tùy viên quân sự TQ, cho hay Bắc Kinh kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, dân chủ bất di bất dịch đi theo con đường phát triển hòa bình với chủ nghĩa xã hội bản sắc TQ thời đại mới và tư tưởng Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo ông La Tân, TQ sẽ xây dựng quân đội hùng mạnh, kiên trì lấy việc giữ gìn hòa bình thế giới và xúc tiến cùng phát triển làm tôn chỉ, xây dựng thế giới hòa bình lâu dài, an ninh rộng khắp, cùng nhau ổn định, cởi mở, bao dung. “Sự phát triển TQ không gây mối đe dọa đối với bất cứ nước nào” - ông La Tân nhấn mạnh.

Từ các phát ngôn của phía TQ, có thể nhận thấy: (i) TQ tiếp tục theo đuổi cái mà nước này gọi là “quyền lịch sử” ở biển Đông, nền tảng của yêu sách đường chín đoạn của nước này; (ii) TQ tiếp tục theo đuổi đàm phán, giải quyết vấn đề biển Đông ở cấp độ song phương với các quốc gia dựa theo UNCLOS; (iii) TQ sẽ tiếp tục quân sự hóa biển Đông dưới ngọn cờ tự vệ, đảm bảo hòa bình cho khu vực.

Tàu hải cảnh TQ hoạt động gần khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản hồi tháng 7-2019. Ảnh: GETTY

Tàu hải cảnh TQ hoạt động gần khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản hồi tháng 7-2019. Ảnh: GETTY

Nói theo cách TQ, làm theo kiểu TQ

Nhìn vào thực địa ở biển Đông, rõ ràng chính quyền Bắc Kinh đang diễn dịch tất cả lời hứa và cam kết hòa bình của họ theo cách hiểu rất cá biệt và nguy hiểm.

Thứ nhất, TQ đề cập lại vấn đề “tôn trọng thực tế lịch sử” ở Philippines - nơi mà Bắc Kinh thất bại trong vụ kiện ra Tòa Trọng tài năm 2016. Phán quyết của tòa bác bỏ tính pháp lý của cái mà TQ gọi là “quyền lịch sử” ở biển Đông, qua đó phủ nhận tính hợp pháp của yêu sách đường chín đoạn. Việc ám chỉ “quyền lịch sử” khi phát biểu tại Philippines cho thấy TQ tiếp tục bác bỏ phán quyết của tòa, phủ nhận chiến thắng pháp lý quan trọng của chính quyền Manila.

Không chỉ nói, TQ còn triển khai các đội tàu khảo sát, quấy rối các hoạt động khai thác kinh tế hợp pháp của Malaysia, Việt Nam ở biển Đông. Đó là cách TQ chuyển đi thông điệp “quyền lịch sử” còn đó và đường chín đoạn cũng còn đó.

Tại sao TQ đưa khí tài ra biển Đông? Nó có phải là để tự vệ hay không? Dẫu tôi có tin đó là tự vệ thì hệ thống khí tài đó cũng có thể tạo ra khả năng tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines DELFIN LORENZANA 

Thứ hai, TQ theo đuổi đường lối đàm phán song phương thay vì đa phương về vấn đề biển Đông. Diễn đàn đa phương duy nhất TQ chịu thỏa thuận chính là ASEAN với Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), trong khi bác bỏ vai trò của tất cả quốc gia khác bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU.... Tuy nhiên, COC vẫn chưa mang lại những triển vọng quan trọng ngoài việc chi phối một phần hành động hung hăng của TQ, tạo diễn đàn đối thoại khi cần thiết. Bắc Kinh lộ rõ toan tính kéo dài COC (đàm phán suốt 17 năm qua), tranh thủ xây dựng lực lượng ngày càng mạnh cả về ngoại giao lẫn quân sự.

Ngoài ra, dù nhắc đến thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS trong giải quyết vấn đề biển Đông nhưng Bắc Kinh đang tìm cách diễn dịch theo nghĩa cá biệt, chỉ có lợi cho TQ mà không theo cách hiểu chung của các nước và tinh thần chung của cộng đồng quốc tế. Từ việc TQ từ chối vai trò của Tòa Trọng tài, phán quyết của tòa trong vụ kiện của Philippines đến việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa biển Đông trái phép. Bác bỏ cách hiểu và tinh thần của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn nung nấu ý định xét lại, bẻ cong UNCLOS về phía mình.

Cuối cùng, TQ vẫn tiếp tục theo đuổi quân sự hóa biển Đông. Năm 2016, ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama hứa hẹn “không quân sự hóa biển Đông”. Sau khi bị nhiều quan chức Mỹ tố “thất hứa”, TQ diễn dịch hành động quân sự hóa của mình bằng luận điệu “phòng vệ, bảo vệ hòa bình”. Thực tế, các đảo nhân tạo TQ xây trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa, qua những lần tập trận quân sự và việc trang bị các loại máy bay hay tên lửa đặc trưng, cho thấy chúng hoàn toàn có thể trở thành các tiền đồn đe dọa an ninh khu vực và tàu thuyền qua lại.

Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 31-7, “biển Đông vốn yên bình cho đến khi TQ xâm lấn”. Việc thường xuyên để các đội tàu gây hấn ở khu vực, gần nhất là đội tàu xâm phạm EEZ, thềm lục địa Việt Nam và trước đó là Malaysia, Philippines, cho thấy khái niệm “mang lại hòa bình cho khu vực” chỉ là một cách nói sáo rỗng.

Biển Đông yên bình cho đến khi Trung Quốc xâm lấn

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 31-7 khẳng định biển Đông yên bình cho đến khi TQ xâm lấn, theo báo Inquirer. “Tình hình biển Đông sẽ trở nên không còn căng thẳng nếu TQ không tiến hành các động thái gây hấn” - ông Lorenzana nói. Vị này nhắc lại những lo ngại của ông đưa ra tại Đối thoại Shangri-la hồi tháng 6 về việc TQ bắt nạt các nước khác có yêu sách hợp pháp ở biển Đông.

“Hành động của TQ ở biển Đông gặp phải những chỉ trích, bởi vì nếu TQ không xây dựng các đảo nhân tạo trái phép thì tình hình (ở biển Đông) sẽ bình yên hơn. Biển Đông lẽ ra đã yên bình nếu TQ không trở nên quá hung hăng và sẽ không có xung đột” - Bộ trưởng Lorenzana nói trong cuộc phỏng vấn với đài DZBB.

Tính toán sai lầm của Trung Quốc ở biển Đông

Dù Trung Quốc có thể thu được một số lợi ích nhất thời nhờ hành vi gây hấn và dọa nạt nhưng nước này trong dài hạn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN