Tham vọng thôn tính Biển Đông của Trung Quốc quá lớn và nguy hiểm

Sự kiện: Thời sự

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Liên Hợp Quốc cho rằng, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là hết sức nguy hiểm, nó có thể dẫn tới xung đột bất cứ lúc nào nếu các bên không kiềm chế.

Các quốc gia cần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông (ảnh IT).

Các quốc gia cần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông (ảnh IT).

Thưa ông vào thời điểm thế giới đang có những diễn biến và điểm nóng phức tạp, Trung Quốc lại có những hành động xâm phạm vùng biển của Việt Nam, ông có suy nghĩ gì?

Có thể nói hành động vi phạm vùng biển Việt Nam là nằm trong chiến lược xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thời điểm nào thực hiện có thể họ cân nhắc và nó có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Trước đó họ chiếm đảo Hoàng Sa, một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, rồi đến yêu sách đường lưỡi bò, tất cả những việc làm đó đã vi phạm luật pháp quốc tế, không được nước nào công nhận. Thế nhưng điều nguy hiểm là Trung Quốc bất chấp để thực hiện hành vi của mình.

Có thể nói âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc cả thế giới đều thấy rõ. Đây là nằm trong sự tính toán lâu dài và được họ thực hiện từng bước một. Cho nên việc đối phó với những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc không chỉ nhìn vào giai đoạn trước mắt, cần phải phân tích, đánh giá cả những đường đi, nước bước của họ.

Việt Nam và tất cả các nước có liên quan trước hết càng phải nâng cao cảnh giác; thứ hai các nước cần hợp tác lẫn nhau để bảo vệ chủ quyền biển đảo; thứ ba cộng đồng thế giới phải lên tiếng mạnh mẽ trước các hành động sai trái của Trung Quốc để bảo vệ luật pháp, nhằm giữ vững an ninh, an toàn, tự do hàng hải. Cần phải nhắc lại đây không phải chỉ là trách nhiệm của Việt Nam, các nước Asean, các nước châu Á – Thái Bình Dương mà là trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Ngô Quang Xuân (ảnh: VGP)

Đại sứ Ngô Quang Xuân (ảnh: VGP)

Mới đây phía Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam, điều đó cho thấy vấn đề liên quan đến Biển Đông không chỉ là câu chuyện giữa Việt Nam- Trung Quốc mà còn là trách nhiệm của các quốc gia trong việc gìn giữ an ninh, an toàn hàng hải thế giới thưa ông?

Đúng như thế. Có thể thấy đường giao thông trên biển chủ yếu qua khu vực Biển Đông, không chỉ có các nước liên quan trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga… tất cả nước buôn bán với khu vực này đều liên quan đến tự do và an ninh, an toàn hàng hải.

Trung Quốc là cường quốc, họ là thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hơn ai hết họ rất hiểu việc làm của mình nhưng vì mục tiêu thôn tính Biển Đông của họ lớn quá, vì lợi ích lớn quá nên đã bất chấp. Đây là điều thế giới không thể chấp nhận. Trung Quốc không nên có hành động vượt quá sự chịu đựng của thế giới.

Cuộc đấu tranh của chúng ta trước hành vi sai trái của phía Trung Quốc là cuộc đấu tranh chính nghĩa, nhưng nó cần được lan tỏa mạnh mẽ để thế giới thấy rõ hơn nữa, thưa ông?

Cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa, đấu tranh trên cơ sở tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế, vì ổn định và phát triển ở khu vực. Nói về luật biển quốc tế hầu hết tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đều công nhận. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc nhất, cơ sở chính trị cao nhất, nói lên sự cam kết của các nước thành viên đã ký vào trong đó có Trung Quốc. Với vai trò là quốc gia Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đáng ra phải thể hiện cách hành xử của một nước lớn, tôn trọng luật pháp quốc tế, giữ gìn an ninh khu vực.

Cần phải nhắc lại hành động của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, nó có thể dẫn tới xung đột bất cứ lúc nào nếu các bên không kiềm chế.

Cuộc đấu tranh của chúng ta bên cạnh căn cứ pháp lý là Luật biển quốc tế năm 1982, cách đây 3 năm có sự kiện phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế liên quan đến việc Philippines và Trung Quốc. Đây cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng càng củng cố thêm cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, thưa ông?

Cơ sở đó không chỉ để Việt Nam vận dụng mà còn để các nước liên quan khác vận dụng. Đấy là phán quyết của cơ chế luật pháp có uy tín và có thẩm quyền. Đối với việc đưa ra phán quyết một quốc gia cường quốc như Trung Quốc thường tế nhị, phức tạp, cần cân nhắc. Tại sao Tòa trọng tài quốc tế phán quyết như vậy, vì việc kiện của Philippines là đúng. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Có thể nói phán quyết đó là thắng lợi của luật pháp quốc tế, đảm bảo sự khách quan, công bằng trong vấn đề xử lý tồn tại giữa Philippines với Trung Quốc và các nước.

Xin cảm ơn ông (!)

- Ngày 19/7 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam…

- Chiều 25/7, trả lời báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định: Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế.

Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.

Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.

"Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

10 năm nhìn lại biển Đông: Trung Quốc từng bước leo thang

Sự kiện bãi Tư Chính mới đây đánh dấu một bước leo thang mới của Trung Quốc trong chiến lược “tằm thực” mà nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Kết ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN