Đại án BIDV: Con gái ông Trần Bắc Hà xin giữ lại 2 bất động sản ở TP.HCM

Trước toà, chị Trần Lan Phương - con gái ông Trần Bắc Hà xin HĐXX được giữ lại 2 bất động sản, đây là nơi 2 chị em chị Phương đang sinh sống.

Ngày 28/6, TAND Cấp cao Hà Nội mở phiên toà phúc thẩm xét xử 3 bị cáo có kháng cáo trong vụ án BIDV thất thoát 1.672 tỉ đồng.

3 bị cáo kháng cáo gồm Đinh Văn Dũng – cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà, Đoàn Hồng Dũng – cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Sơn – cổ đông của Công ty Trung Dũng. 9 bị cáo còn lại chấp nhận án sơ thẩm nên HĐXX không triệu tập.

Ngoài 3 bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) cũng có đơn kháng cáo. Tuy nhiên bà Lan đã chết trước phiên phúc thẩm.

Chị Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) tại phiên xét xử

Chị Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) tại phiên xét xử

Tại phiên toà, chị Trần Lan Phương, người thừa kế quyền và nghĩa vụ kháng cáo của mẹ là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) cho biết, chị giữ nguyên kháng cáo của mẹ.

Chị Phương không đồng tình với phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định tiếp tục kê biên 5 bất động sản đứng tên đồng sở hữu ông Trần Bắc Hà - bà Ngô Kim Lan và 2 bất động sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, đứng sở hữu bà Lan.

Chị Phương cho rằng, 2 bất động sản đứng tên cá nhân bà Lan là tài sản riêng của bà Lan. Theo trình bày của chị Phương, bất động sản tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan, TP.Hồ Chí Minh là do bà Lan được em gái tặng vào năm 2013. Còn bất động sản sản tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, bà Lan mua từ năm 2005. Năm 2017, bố, mẹ chị có thoả thuận bất động sản 60A bà Huyện Thanh Quan, TP,Hồ Chí Minh là tài sản riêng của bà Lan.

Theo chị Phương, ngoài ra, trong tài khoản của mẹ chị có hơn 7 tỉ đồng đang bị phong toả, đây là tiền công ty nơi mẹ chị làm việc chuyển vào. Chị Phương xin HĐXX được giữ lại 2 bất động sản của mẹ chị, đây là nơi 2 chị em chị Phương đang sinh sống.

Các bị cáo tại phiên xử

Các bị cáo tại phiên xử

Trong phần luận tội, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của 3 bị cáo Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn.

VKS cho rằng dựa vào lời khai của những người khác đã có đủ căn cứ xác định dưới sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đã bỏ trốn), Đinh Văn Dũng cùng đồng phạm đã tổ chức bán bò của Công ty Bình Hà và chiếm đoạt khoản tiền này.

Đối với vợ chồng Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn, VKS cho rằng, 2 vợ chồng đã lợi dụng sự tin tưởng của BIDV để bán tài sản đảm bảo và chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng. Tại toà hôm nay, bà Sơn có đơn cam kết trong 36 tháng sẽ nộp cho cho BIDV 1 tỷ đồng và hiện đã nộp được 100 triệu. VKS nhận định số tiền này rất nhỏ so với số đã chiếm đoạt.

Về đơn kháng cáo của chị Trần Lan Phương (con gái bà Ngô Kim Lan), VKS cho biết, các tài sản đứng tên bà Lan bị kê biên đều hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên ông Hà có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản này. Hơn nữa, vợ chồng ông Hà có hai người con là Tùng và Phương nên tài sản này cả hai đều có quyền thừa kế. Tùng đang bỏ trốn nên cần tiếp tục kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án.

Theo toà cấp sơ thẩm, giai đoạn 2011 – 2016, ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV, yêu cầu cấp dưới cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà vay vốn để thực hiện dự án nuôi bò ở Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 4.230 tỉ đồng.

Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng BIDV Hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh dưới sự chỉ đạo của ông Hà đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định hoặc nới lỏng điều kiện.

Từ 2015 đến 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng song không kiểm soát được dòng tiền. Các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân, gây thiệt hại cho BIDV 779 tỷ đồng.

Công ty Trung Dũng nhiều lần đề nghị BIDV cho vay vốn để kinh doanh. Công ty này được BIDV giải ngân cho vay 700 tỉ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C (thư tín dụng) nhập khẩu phôi thép, thép phế bán hàng. Dù doanh nghiệp này không đủ tài sản đảm bảo nhưng theo chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo thuộc BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn đề xuất cho doanh nghiệp này vay tiền.

Sau phi phát hành L/C, các bị cáo tại BIDV chi nhánh Hà Thành không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt, giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý hàng hóa mà không kiểm tra, giám sát để Trung Dũng tự ý bán tài sản đảm bảo cho khách hàng như phương án kinh doanh dẫn đến thiệt hại cho BIDV 865 tỉ đồng.

Quá trình hợp tác với ngân hàng, Đoàn Hồng Dũng và vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn đã tự ý bán tài sản đảm bảo của BIDV, chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng.

Ngày 2/11/2020 TAND cấp sơ thẩm tuyên phạt Đinh Văn Dũng 12 năm tù. Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù. Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ Đoàn Hồng Dũng) 3 năm tù.

Cựu Phó tổng giám đốc BIDV Trần Lục Lang lĩnh 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cựu Phó tổng giám đốc khác của ngân hàng này là Đoàn Ánh Sáng nhận mức án 6 năm 6 tháng tù về cùng tội danh. Các bị cáo khác lĩnh mức án từ 3 năm tù treo đến 7 năm tù giam.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại án BIDV: Vợ chồng cựu GĐ “hứa” bán tài sản, vay người thân… khắc phục 263 tỷ đồng

Kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, vợ chồng cựu giám đốc nói với HĐXX sẽ bán, cầm cố tài sản, nhờ người thân khắc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Sai phạm của nguyên chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN