Chìm tàu: Giám đốc Cty Việt-Séc nói gì?

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Cty Việt - Séc, người điều động tàu (dạng ca nô) H29-BP khi đang bảo trì tại Cty để chở nhóm công nhân đi đám cưới trần tình với PV Tiền Phong.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về trách nhiệm của người đứng đầu Công ty Việt- Séc, khi tự ý điều ba ca nô đang bảo trì cho mượn để chở công nhân gây nên thảm họa, ông Đảo cho rằng: “Bây giờ, tôi không muốn nói gì thêm, cơ quan chức năng đang làm rõ đúng sai. Còn vấn đề tôi làm, trách nhiệm của tôi, tôi cũng đã trình bày với cơ quan chuyên môn rồi”.

Theo ông Đảo, ông có đầy đủ bằng chứng là tin nhắn, gọi điện cho những người liên quan là ông Tô Thanh Sơn - Giám đốc kinh doanh của Công ty Việt - Séc, là nhân viên dưới quyền của ông Đảo và thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu về việc yêu cầu cứu nạn.

Ông Đảo cho biết, lúc 19 giờ ngày 2/8, ông đi trên ca nô chạy sau ca nô H29 và điện thoại về cho ông Tô Thanh Sơn yêu cầu người này liên hệ với Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu để xin tàu ra tiếp nhiên liệu ca nô H29.

Trong tin nhắn, ông Đảo cung cấp cho thấy đến 19 giờ 46 phút ông có nhắn lại cho anh Sơn và nhận được trả lời từ ông Sơn rằng: “Em lên tàu biên phòng rồi anh. Tàu đang trên đường ra tìm H29”.

Chìm tàu: Giám đốc Cty Việt-Séc nói gì? - 1

Nguyên nhân ca nô H29 bị nạn làm 9 người chết vẫn chưa được xác định rõ ràng. ảnh: PV

Theo ông Đảo, đến 20 giờ 30 phút, ông Hà Ngọc Phước - Giám đốc xí nghiệp PV Pipe báo tin cho ông là ca nô H29 bị chìm. Ông Đảo nói lúc đó đã lập tức gọi điện cho thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh thông báo ca nô bị nạn ở biển Cần Giờ.

Tuy nhiên, mãi hơn một tiếng sau tàu cứu nạn của Biên phòng cảng Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không tìm thấy nơi ca nô H29 bị nạn. “Tôi cũng hỏi Sơn nhiều lần tại sao tôi nhắn tin, gọi điện lúc 19 giờ tàu xuất bến và đến cả hơn một tiếng đồng hồ mà tàu không tìm ra địa chỉ ca nô H29 bị nạn. Sơn cũng có nói là phương tiện tìm kiếm của mình hơi kém nên rất chậm”- ông Đảo cho biết.

Theo ông Đảo, khi đi trên tàu ông đã gọi điện, đồng thời nhắn tin cho nhiều người liên quan và bây giờ “cũng còn giữ và đưa cho cơ quan chức năng”.

“Anh Sơn, người của Công ty tôi khi nhận được cuộc gọi và tin nhắn đã có mặt trên tàu của đồn biên phòng để tham gia cứu nạn ca nô H29. Tuy nhiên, tôi rất tiếc là cái tàu của Biên phòng nó đi thế nào ấy. Tàu mù hay sao mà cứ đi mãi vẫn không tìm ra nơi ca nô H29 bị nạn”- ông Đảo nói và kết luận: “Phương tiện của mình nó cũng là kém nên mới xảy ra vậy chứ, nếu tốt và đi tìm kiếm sớm thì mọi việc đã không như thế này”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Trong khi ông khẳng định, phía ông báo với ông Quỳnh là ca nô H29 bị chìm thì phía ông Quỳnh cho rằng ông chỉ báo ca nô H29 cần tiếp nhiên liệu? Ông nghĩ sao về sự mâu thuẫn này? Ông Đảo từ chối bình luận.Trong khi đó, khi xin địa chỉ và điện thoại của ông Sơn, nhân viên của mình, ông Đảo không cung cấp với lý do: “Giờ Sơn rất mệt, anh ấy đang bị “quần” trên Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu rồi”.

Trước đó thông tin với báo chí, anh Lê Văn Hiếu, 24 tuổi, tài công trên chiếc ca nô trong đoàn thừa nhận có nhận tin ca nô H29 gặp nạn từ ông Đảo, sau đó đã chạy lòng vòng tìm kiếm và phát hiện ra ca nô H29 nhưng do trời tối, sóng lớn kèm mưa to nên không tiếp cận được.

“Thời điểm phát hiện ra ca nô H29 sóng quá lớn nên không tiếp cận được, vì vậy tôi đã chạy về Vũng Tàu nhằm đảm bảo tính mạng cho anh em còn lại”- anh Hiếu khai. Điều này cũng phù hợp với thông tin mà anh Nguyễn Văn Cương - người được cứu sống trên ca nô H29, khẳng định đã thấy ca nô đi cùng lòng vòng cách 500 mét, nhưng không cứu và tiến về Vũng Tàu.

Ca nô tự do rời cảng


Quy định về hoạt động của cảng và bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành năm 2010, cho thấy trước khi phương tiện vào cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng hoặc thuyền phó hoặc người lái phương tiện có trách nhiệm nộp và xuất trình Cảng vụ Đường thủy nội giấy phép rời cảng, bến cuối cùng, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; sổ danh bạ thuyền viên. Ngoài ra còn có thêm giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa; Bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên trên phương tiện và hợp đồng vận chuyển, danh sách
hành khách.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, cả ba ca nô chở công nhân Công ty PV Pipe vào ngày 2/8 đều không thực hiện theo đúng quy trình này.

Lỗ hổng trong quản lý tàu cao tốc

“Trong 3 năm gần đây, những vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng không phải ở các chuyến đò ngang đò dọc, mà do các phương tiện không có chức năng chở khách”. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 9/8 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo ông Hiệp, đang có nhiều lỗ hổng trong quản lý tàu cao tốc chở khách. Cả nước có hơn 1.000 tàu cao tốc, tuổi bình quân khá cao, nhiều tàu 20 – 30 tuổi, trong khi chưa có quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện này.

Nguyễn Đình Quân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nguyễn - Phạm Hùng- Quang Minh (Tiền Phong)
Chìm tàu ở Cần Giờ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN