Bí mật nghề chăm sóc "chúa sơn lâm"

Hơn 20 năm gắn bó với công việc bác sĩ thú y trong vườn thú Hà Nội, mới đầu chăm sóc khu lông vũ (chim, công, gà, trĩ...) rồi như một cơ duyên, chị Nguyễn Kim Thương có gần 20 năm gắn bó với khu thú dữ, cụ thể là những chú hổ - một công việc mà chỉ nghĩ đến thôi là nhiều người đã rùng mình ớn lạnh.

Vào chuồng với chúa sơn lâm

Vào đầu thập niên 90, chị tốt nghiệp bác sĩ thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Trường Đại học Nông Nghiệp 1), ngành học của chị là chăm sóc gà. Từ việc chăm sóc gà đến chăm sóc hổ quả là vô cùng khác biệt. Gà là một động vật vô cùng hiền lành, còn hổ lại hoàn toàn khác, không cẩn thận có thể mất mạng như chơi. Nhưng, chị bảo, ở Việt Nam trước đây và kể cả bây giờ cũng chưa có một trường lớp nào dạy chăm sóc, chăn nuôi loài động vật hoang dã. Để tiếp cận, làm tốt công việc chăm sóc loài này, mọi người phải mày mò tự học qua sách vở và các lớp tập huấn hay tham dự các buổi giao lưu nói chuyện đến từ các chuyên gia bảo vệ động vật châu Á. Chị bảo còn nhớ cái cảm giác hồi mới vào sở thú, mỗi lần đi qua khu thú dữ, nghe thấy tiếng hổ gầm bên trong song sắt thôi là đã rùng mình, thót tim.

Bí mật nghề chăm sóc "chúa sơn lâm" - 1

Ấy thế mà đến năm 2006 chị lại được điều động đến khu thú dữ. Nhìn những con hổ to với dáng vẻ oai dũng uyển chuyển, mới đầu cảm giác sợ nhưng hằng ngày gần gũi tiếp xúc, sau rồi thành quen, cảm giác sợ hãi dần mất đi, thay vào là tình thương và sự nhung nhớ mỗi khi có việc phải xa chúng vài ngày. Một sự kiện gây “chấn động” cho sở thú và những ai quan tâm đến loài động vật hoang dã này, đó là năm 1998, khi kiểm lâm Thừa Thiên - Huế bắt được những kẻ buôn bán trái phép loài hổ, có một hổ con nặng khoảng vài ba cân được trao cho vườn thú Hà Nội. Hổ con đang từ rừng, trải qua tay bọn buôn động vật về đến sở thú ngơ ngác, đáng yêu vô cùng. Hiệp hội vườn thú Việt Nam đã phát động một cuộc thi đặt tên cho hổ con này, rất nhiều cái tên được đề xướng, sau đó người ta đã chọn cho hổ con cái tên “Lâm Nhi” - do một em bé đặt.

Lâm Nhi còn rất bé nên mới đầu về sở thú được mọi người pha sữa cho vào bình để mút, thời gian ngắn sau chuyển sang ăn dặm, anh chị em trong sở thú lại kì công mua xương về ninh lấy nước, nấu cháo cùng khoai tây, cà rốt, xu hào, bắp cải và thịt xay nhuyễn để Lâm Nhi ăn. Sau hơn 2 năm, Lâm Nhi ngày nào đã phổng phao, trở thành cô hổ cái đến thời kì sinh trưởng. Một ý tưởng táo bạo được vườn thú Hà Nội đặt ra: cho Lâm Nhi giao phối để lấy giống. Chị Thương là người hằng ngày quan sát Lâm Nhi để đợi đến ngày rụng trứng, Lâm Nhi được dẫn sang chuồng của một chú hổ đực.

Bí mật nghề chăm sóc "chúa sơn lâm" - 2

Cũng như các khu chuồng khác của loài thú dữ, chuồng của chú hổ đực có một căn phòng được quây kín, lót, ngoài ra còn có tiểu cảnh sân vườn để chúng vui chơi giải trí, ít nhiều gợi nhớ tới sự hoang dã của núi rừng. Gần gũi với hổ đực khoảng 3 ngày, Lâm Nhi được đưa trở lại chuồng. Ngay tháng sau, Lâm Nhi đã có biểu hiện của “người mang ổ”, ban lãnh đạo quyết định không tác động bất cứ điều gì lên Lâm Nhi để nó mang thai và trở dạ hoàn toàn tự nhiên. Sự việc này được coi là một kì tích của vườn thú Hà Nội, vì đây là lần đầu tiên vườn thú có động vật hoang dã nuôi nhốt, giao phối hoàn toàn tự nhiên, sinh sản thành công.

Chị Thương kể, hổ là loài thú hoang nên bản năng sinh tồn rất mạnh, đặc biệt chúng vô cùng thính nhạy với các mùi. Từ ngày làm công việc chăm sóc hổ, chị Thương cùng đồng nghiệp không bao giờ xức nước hoa, ngay cả  mỹ phẩm, son phấn cũng không dùng đến, các loại thảo dược dầu gội, sữa tắm sử dụng cực kì hạn chế. 3 tháng sau, Lâm Nhi hạ sinh 4 chú hổ con: 2 đực và 2 cái. Thời khắc sinh nở nhạy cảm ấy, chị Thương cùng đồng nghiệp chỉ dám đứng từ xa quan sát, vì nếu tới gần, hổ mẹ có thể ngay lập tức ăn thịt hết đám hổ con. 2 ngày đầu hổ mẹ còn yếu mệt nên không muốn ai lại gần, thức ăn của Lâm Nhi là nhau thai của chính mình. Sau hơn 2 ngày, mọi người mới cho hổ ăn bằng cách để thức ăn vào cây sào, rồi đứng từ xa đưa cây sào vào trong.

Hổ là loài tâm trạng bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết và ngoại cảnh, vào những ngày nắng quá hoặc lạnh quá, mưa dông, sấm chớp hoặc hôm nào quá đông người đến tham quan, hổ đều tỏ ra khó chịu, gầm ghè, giận dữ như chỉ trực muốn tháo cũi sổ lồng. Những ngày hổ bị ốm mệt, chị Thương khoác áo blouse trắng đến chuồng để tiêm, sau khi tiêm xong chị lại phải tránh đi khoảng 1 tuần sau mới “dám” xuất hiện, bởi bị tiêm đau, hổ sẽ bực tức, khó chịu, không còn thân thiện với mình. 

Chị Thương kể, ở những giai đoạn trước đây, khi sở thú chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc hổ thì mọi người đã phải vừa làm vừa tìm hiểu, rất vất vả. Thời điểm đó, gặp những hổ mẹ chịu chăm con thì không sao nhưng gặp những hổ mẹ cứ mặc kệ con, không chịu chăm sóc thì mọi người phải đưa đám hổ con ra. Theo lời kể của chị, những chú hổ con mới sinh nặng chừng hơn 1 kg đáng yêu vô cùng. Hằng ngày, cứ 5 giờ chiều anh tổ trưởng vườn thú lại chở chị Thương đến Bệnh viện Phụ sản để xin sữa của những bà mẹ mới sinh, mang về cho hổ con bú.

Đã vậy, không thể để đám hổ con này cứ ăn ngủ, chơ vơ một mình. Để bù đắp lại chút “tình mẫu tử” cho chúng, chị và những anh em trong sở thú đã nghĩ tới cách đi khắp ngả đường để tìm mua những con chó vừa sinh con, còn đang trong thời kì nằm ổ. Có hôm tối trời từ Hòa Bình, Nam Định về, mua được đàn chó, gồm 1 chó mẹ và 4 chó con. Nhưng, một đàn chó không đủ, lại phải tìm cách mua thêm 3-4 đàn chó nữa. Chị Thương bảo, chó mẹ cũng rất tinh, nếu nó phát hiện không phải con mình thì sẽ không cho bú nên mỗi khi hổ con bú được sữa từ chó mẹ, mọi người phải cho chó mẹ nằm xuống, dùng dải lụa bịt mắt chó mẹ lại. Một người vuốt ve chó mẹ, một người đưa đàn chó con đến, xen kẽ với đám chó là 2-3 chú hổ con. Hổ con nhờ hưởng ké sữa của chó mẹ mà lớn nhanh. Nhưng, lớn nhanh lại có cái dở, đó là răng của hổ con sẽ mọc dài ra, chọc vào núm vú của chó mẹ khiến chó mẹ bị đau mà không cho bú nữa. Hoặc khi hổ con bú, với bản năng của mình, chúng sẽ dùng móng vuốt đè tì lên bộ da chó, khiến  chó mẹ đau mà vùng dậy. Những lúc như thế, phải có người nhanh tay lập tức bế hổ con đứng dậy.

Chị Nguyễn Kim Thương gắn bó với đàn con của Lâm Nhi từ thời còn trẻ.

Chị Nguyễn Kim Thương gắn bó với đàn con của Lâm Nhi từ thời còn trẻ.

Chị Thương bảo: “Loài hổ vô cùng tình cảm, chúng cũng dễ nhận biết ra người chăm sóc mình hằng ngày, nhất là với những con hổ mình chăm từ nhỏ”. Sáng đến sở thú, qua chuồng của chúng, chị cất tiếng gọi: “Mi ơi”, “Lâm ơi” là lập tức chúng chạy đến bên song sắt, như đám con nhỏ đòi cưng nựng, cà má vào song sắt lắc lắc cái đầu. Lúc đó, chị thò tay vào vuốt ve má chúng. Cả một hành trình dài chăm sóc Lâm Nhi, rồi lại đến đời con, đời cháu của Lâm Nhi, chị Thương có một tình  cảm dào dạt với loài hổ...

Nguồn: [Link nguồn]

Con hổ giá trị cả tỷ đồng bất ngờ chết trong khu sinh thái

Sau 5 năm nuôi, một con hổ trị giá cả tỷ đồng bất ngờ bị chết, được tiêu huỷ sau đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Mỹ Hiền ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN