Vừa hỗ trợ Ukraine vừa tránh xung đột quân sự với Nga, Mỹ đang làm thế nào?

Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế để có thể hỗ trợ Ukraine mà không vượt quá giới hạn có thể dẫn tới xung đột nguy hiểm với Nga.

Tránh đối đầu trực diện về quân sự

Theo nhận định của hãng tin CNN, việc giới chức Mỹ từ chối đề xuất hỗ trợ chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine mới đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những vấn đề phức tạp mà Mỹ và các đồng minh NATO phải đối mặt khi hỗ trợ Ukraine phòng thủ trước chiến dịch quân sự của Nga đồng thời tránh bị lôi kéo vào xung đột trực tiếp với Nga.

Ngày 8/3, Ba Lan thông báo sẵn sàng chuyển giao máy bay chiến đấu tới căn cứ Mỹ tại Đức để từ đó hỗ trợ cho không quân Ukraine. Đề xuất này đã khiến phía Mỹ bất ngờ.

Một quan chức chính quyền Mỹ chia sẻ với hãng tin CNN rằng sáng 9/3, giới chức Mỹ và Ba Lan vẫn đang thảo luận về khả năng hỗ trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tuy nhiên, tới chiều cùng ngày (theo giờ địa phương), Lầu Năm Góc đã ra thông báo không chấp thuận đề xuất trên.

Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan. Ảnh - Anadolu Agency

Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan. Ảnh - Anadolu Agency

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Cộng đồng tình báo đánh giá việc chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine có thể bị hiểu lầm là hành động leo thang căng thẳng và có thể dẫn tới phản ứng từ phía Nga bao gồm gia tăng khả năng xung đột quân sự với NATO. Vì vậy, chúng tôi đánh giá việc chuyển giao MiG-29 cho Ukraine có thể dẫn tới nguy cơ cao”.

Đồng thời, ông Kirby cũng nhận định phương án hỗ trợ máy bay cho không quân Ukraine sẽ không cải thiện nhiều tính hiệu quả của lực lượng không quân Ukraine khi so sánh về tương quan với năng lực của không quân Nga. “Do đó, chúng tôi tin rằng hiệu quả từ việc chuyển giao MiG-29 khá thấp”, ông Kirby nói.

Các quan chức Mỹ cũng chỉ ra những thách thức trong vấn đề hậu cần khi chuyển giao máy bay cho Ukraine và vấn đề tránh bị lôi kéo vào xung đột với Nga. Trong khi, kế hoạch do phía Ba Lan đề xuất chưa giải quyết được hai vấn đề này.

Trước đó, Mỹ nói riêng và NATO nói chung cũng bác bỏ yêu cầu từ phía Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay trên không phận nước này.

Hãng CNN cho rằng việc giới chức Mỹ đưa ra thông báo “bật đèn xanh” cho hỗ trợ Ba Lan chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine rồi sau đó từ chối đề xuất từ phía Ba Lan chỉ trong thời gian ngắn cho thấy những rạn nứt tiềm tàng trong nội bộ NATO liên quan với các biện pháp trừng phạt và đối phó Nga. Đồng thời, điều này cũng cho thấy những giới hạn trong phạm vi Mỹ và đồng minh có thể hỗ trợ Ukraine.

Đặc biệt, qua phát ngôn của ông Kirby, có thể thấy Mỹ và đồng minh quan ngại những biện pháp mang tính trực tiếp sẽ đẩy căng thẳng với Nga tăng cao và có nguy cơ khiến NATO bị lôi kéo vào xung đột, theo CNN.

Tăng cường cung cấp vũ khí và siết trừng phạt

Như vậy, để cân bằng giữa lời thúc giục từ Ukraine và hạn chế nguy cơ thổi bùng căng thẳng với Moscow, Mỹ và các nước đồng minh tập trung vào chuyển vũ khí và trừng phạt về kinh tế để giảm thiểu khả năng đối đầu trực diện về quân sự.

Theo ước tính gần đây, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hầu hết số vũ khí trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 350 triệu USD Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine hồi tháng 2 đã được chuyển giao cho Kiev.

Ngoài ra, một quan chức cấp cao chính quyền Washington cho hay, Mỹ và các thành viên NATO cũng cung cấp cho Ukraine 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không Stinger.

Cùng lúc, Mỹ và phương Tây cũng công bố nhiều lệnh trừng phạt các lĩnh vực kinh tế, tài chính của Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự. Mới nhất là lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga do Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo hôm 8/3, đến mức phía Nga chỉ trích Washington khơi mào "cuộc chiến kinh tế".

Ngày 9/3, Ngoại trưởng Anh Liz Truss một lần nữa nhấn mạnh sẽ không tìm kiếm giải pháp thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine nhưng sẽ cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine.

“Cách tốt nhất để hỗ trợ bảo vệ vùng trời là thông qua vũ khí phòng không và Anh sẽ cung cấp cho Ukraine”, bà Truss cho hay.

Ông Kirby cũng cho biết Lầu Năm Góc nhận định phương án tốt nhất để hỗ trợ Ukraine là viện trợ cho Kiev vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không như các loại tên lửa đất đối không, các hệ thống phòng không đặt trên mặt đất.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì đâu Mỹ ”đóng sập cánh cửa” hỗ trợ chiến cơ cho Ukraine?

Sau những đồn đoán việc Mỹ có thể chung tay hỗ trợ Ukraine chiến cơ, ngày 10/3 (giờ VN), Bộ Quốc phòng Mỹ đã có thông báo về vấn đề này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN