Vì sao Saudi Arabia đẩy mạnh mua vũ khí Trung Quốc?

Trước đây, Saudi Arabia chủ yếu nhập khẩu vũ khí từ Mỹ nhưng nay đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu.

Vũ khí nào của Trung Quốc đắt hàng với Saudi Arabia?

Thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin Saudi Arabia đã mua số vũ khí trị giá 4 tỷ USD của Trung Quốc sau Triển lãm Hàng không Chu Hải vào tháng 11. Một số nhà quan sát cho biết đây là thương vụ có giá trị lớn hơn đáng kể so với các thỏa thuận mua bán vũ khí trước đó của Trung Quốc và Saudi Arabia.

Hai quốc gia bắt đầu mua bán vũ khí vào cuối những năm 1980, nhưng từ đó đến nay, số thương vụ được hai bên công bố không nhiều và chủ yếu là hợp đồng mua bán máy bay không người lái (UAV) - loại phương tiện có danh tiếng khá tốt trên thế giới của Trung Quốc nhờ chất lượng khá tốt trong khi mức giá hợp lý.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, thỏa thuận mua bán vũ khí đầu tiên được công bố của Saudi Arabia và Trung Quốc là lô tên lửa hạt nhân tầm trung DF-3 Riyadh mua năm 1986. Theo thống kê của viện nghiên cứu, Riyadh đã mua 50 tên lửa DF-3 với đầu đạn truyền thống.

UAV CH-4B của Trung Quốc. Ảnh - SCMP

UAV CH-4B của Trung Quốc. Ảnh - SCMP

Từ đó tới nay, Riyadh đã mua 54 lựu pháo tự hành PLZ-45 vào năm 2007, 5 UAV CH-4B năm 2014 và hơn 30 UAV chiến đấu Wing Loong-1, Wing Loong-2 vào năm 2014 và 2017. Wing Loong là loại UAV chiến đấu có khả năng mang theo tên lửa. Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc đã ra mắt UAV Wing Loong thế hệ 3 có tầm bay “xuyên lục địa” 10.000km.

Một số thông tin cho hay Trung Quốc đã chốt hợp đồng bán 300 UAV CH-4B đa năng tích hợp năng lực trinh sát - tiến công cho Saudi Arabia trong Triển lãm Hàng không Chu Hải. Bắc Kinh và Riyadh chưa xác nhận thỏa thuận này.

Truyền thông đưa tin thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Trung Quốc - Saudi Arabia tại Triển lãm Hàng không Chu Hải còn bao gồm dây chuyền sản xuất UAV chiến đấu TB001 - loại phương tiện Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu sử dụng trong năm nay để tuần tra gần Eo biển Đài Loan, tên lửa siêu vượt âm chống hạm YJ-21 có tầm bắn hơn 2.000km và hệ thống vũ khí laser chống UAV có tên Silent Hunter.

Ngoài những loại vũ khí bán trong các thương vụ được công khai, Trung Quốc được cho là đã bí mật bán tên lửa DF-21 được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” cho Riyadh vào năm 2007.

Theo một số nguồn tin, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) không phản đối thương vụ trên sau khi xác minh rằng tên lửa không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Năm ngoái, tình báo Mỹ còn nghi ngờ Trung Quốc đang hỗ trợ Saudi Arabia phát triển tên lửa đạn đạo tại một địa điểm ở phía tây Riyadh.

Tại sao Saudi Arabia tìm đến Trung Quốc sau nhiều năm là "bạn hàng thân" của Mỹ?

Là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng, Saudi Arabia đã tìm mua vũ khí từ nhiều quốc gia và chủ yếu nhập khẩu vũ khí từ Mỹ trong những năm trước đây. Các loại vũ khí Mỹ cung cấp cho Saudi Arabia bao gồm vũ khí tấn công và phòng thủ, vũ khí hạng nặng như trực thăng chiến đấu, tên lửa, tàu hộ tống, bom dẫn đường.

Tuy nhiên, theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), quan hệ giữa Washington và Riyadh đã gia tăng căng thẳng trong những năm gần đây sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát năm 2018 và việc Tổng thống Mỹ Joe Biden không đạt được thỏa thuận về tăng sản lượng dầu mỏ với Saudi Arabia để giúp giảm giá xăng dầu giữa bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng cao vào tháng 7.

Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia lại gia tăng khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (Opec+) quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 2 triệu thùng/ngày. Washington đánh giá hành động này có thể ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ. Tổng thống Biden đã cảnh báo hậu quả đối với Saudi Arabia sau quyết định trên của Opec+ đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ ngừng bán vũ khí cho Riyadh trong một năm.

Theo SCMP, căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia đã khiến Saudi Arabia tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trong đó Trung Quốc được coi là sự thay thế hàng đầu.

Tuy nhiên, theo SCMP, ông Biden đã phê duyệt thương vụ bán hệ thống tên lửa Patriot trị giá 3 tỷ USD cho Saudi Arabia vào tháng 8. Năm ngoái, Mỹ cũng bán 280 tên lửa không đối không trị giá 650 triệu USD cho Riyadh.

UAV Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không Chu Hải. Ảnh - Xinhua

UAV Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không Chu Hải. Ảnh - Xinhua

Dù Mỹ ngừng bán vũ khí tấn công cho Saudi Arabia vì cáo buộc việc liên minh quân sự do quốc gia này đứng đầu hậu thuẫn Chính phủ Yemen trong cuộc chiến đấu chống lực lượng Houthi tại Yemen từ năm 2015 nhưng Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí phòng thủ cho Saudi Arabia.

Ông Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự tại tổ chức về công nghệ và khoa học quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng Saudi Arabia có thể quan tâm tới một số loại phương tiện, vũ khí khác của Trung Quốc như xe tăng, xe bọc thép, đạn pháo, tên lửa pháo binh tầm xa…

Đề cập tới thông tin Trung Quốc có thể đã bán tiêm kích J-10 cho Saudi Arabia, ông Zhou cho biết điều này có thể không xảy ra trong vài năm tới bởi Lực lượng Không quân Saudi Arabia đã được trang bị máy bay F-15 và F-16 của Mỹ. Ông Zhou cũng cho rằng Mỹ có thể can thiệp để chặn hợp đồng mua bán tiêm kích giữa Trung Quốc - Saudi Arabia.

Ngoài ra, cũng có thông tin Trung Quốc đang cân nhắc bán tiêm kích tàng hình động cơ đôi FC-31 cho Saudi Arabia. Đây là tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc, thường được so sánh với máy bay F-35 của Mỹ.

Ông Tuvia Gering, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Israel - Trung Quốc, cho biết Riyadh có thể lưỡng lự trước việc mua một số loại vũ khí của Trung Quốc như trực thăng chiến đấu, tiêm kích, hệ thống phòng không nhưng có thể quan tâm tới một số hệ thống vũ khí hiện đại của Bắc Kinh như UAV hoạt động dưới nước, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động, vệ tinh, công nghệ trinh sát, laser, công nghệ siêu vượt âm, siêu thanh.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau chọc giận Mỹ, Ả-rập Xê-út ký 34 thỏa thuận với Trung Quốc

Ngày 7/12, các công ty Trung Quốc và Ả-rập Xê-út ký 34 thỏa thuận đầu tư, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Theo SCMP) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN