Vì sao Hong Kong áp Zero Covid nhưng lại đứng trước nguy cơ "vỡ trận"?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Từng xử lý khá tốt 4 đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng nay hệ thống y tế Hong Kong hiện lâm vào cảnh quá tải do biến chủng Omicron.

Các trung tâm y tế công quá tải vì đợt dịch thứ 5

Ngày 18/2, phóng viên SCMP ghi nhận nhiều trường hợp nghi nhiễm Covid-19 buộc phải đứng chờ bên ngoài các bệnh viện công tại Hong Kong hàng giờ đồng hồ trong tiết trời giá lạnh khoảng hơn 11 độ C.

Những hình ảnh này đã khiến dư luận trong thành phố và trên thế giới vô cùng kinh ngạc vì Hong Kong vốn là nơi áp dụng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt suốt trong hai năm 2020 và 2021.

Trong 4 đợt dịch trước, các quy định phòng và kiểm soát dịch Covid-19 của chính quyền Hong Kong đã phát huy tác dụng khi giữ tổng số ca nhiễm dưới 15.000.

Tình hình có vẻ khá khả quan cho tới khi đợt dịch thứ 5 do siêu biến chủng Omicron bùng phát. Bác sĩ Sarah Ho tại bệnh viện Authority mô tả tình hình dịch Covid-19 tại thành phố là “khủng hoảng” khi ghi nhận 6.100 ca trong ngày 17/2.

Bệnh nhân Covid-19 nằm bên ngoài Trung tâm Y tế Caritas chờ đến lượt nhập viện. Ảnh - AP

Bệnh nhân Covid-19 nằm bên ngoài Trung tâm Y tế Caritas chờ đến lượt nhập viện. Ảnh - AP

Trước nhưng hình ảnh trên, trong cuộc họp báo ngày 18/2, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam thừa nhận tình trạng để người bệnh chờ đợi trong thời gian dài vẫn không được nhập viện là "không thể chấp nhận" và yêu cầu các bệnh viện phải tìm cách để đưa tất cả bệnh nhân được vào trong.

Sau chỉ đạo, người bệnh đã được sắp xếp đưa vào trong nhưng theo ghi nhận của SCMP nhiều người vẫn buộc phải đợi ngoài hành lang hoặc thậm chí nhà vệ sinh cho tới khi có giường bệnh trống.

Nhiều nhân viên y tế cho biết họ đã kiệt quệ về sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng vẫn tất tả cố gắng tìm và sắp xếp các giường bệnh trống để nhận thêm bệnh nhân.

Bệnh nhân chờ được tiếp nhận bên ngoài Trung tâm Y tế Caritas, Hong Kong.

Bệnh nhân chờ được tiếp nhận bên ngoài Trung tâm Y tế Caritas, Hong Kong.

Tại bệnh viện North Lantau, Hong Kong, một bác sĩ giấu tên công tác ở khoa cấp cứu cho biết các nhân viên y tế tại đây hiện không đủ để đáp ứng trước khối lượng công việc khổng lồ.

Mỗi ngày, lại có thêm hàng nghìn người được đưa thêm vào danh sách trên còn các khu vực giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid-19 hiện đã kín chỗ. “Điều mỉa mai nhất chúng tôi từng gặp là một cụ bà 90 tuổi phải nằm bên ngoài 3 ngày mà vẫn chưa được nhập viện”, báo Guardian dẫn lời vị bác sĩ cho hay.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Hong Kong ghi nhận hơn 16.600 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron, vượt quá tổng số ca nhiễm của hai năm 2020 và 2021. Hiện khoảng 5.000 người đang cách ly hoặc điều trị tại bệnh viện, dù số trường hợp nặng hoặc nguy cấp khá ít.

Các bệnh viện công tại Hong Kong hiện đã hoạt động ở mức 90% công suất trong khi bệnh viện tư không tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19.

Nguyên nhân do đâu?

Báo Guardian dẫn lời các chuyên gia lý giải một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải hệ thống y tế tại Hong Kong là các ca dương tính Covid-19 dù có hay không có triệu chứng, nặng hay nhẹ đều được đưa tới bệnh viện.

Các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh đều phải cách ly tại các cơ sở của chính quyền thành phố, dẫn tới tình trạng quá tải ở cả bệnh viện và các cơ sở cách ly.

Bên cạnh đó, tờ SCMP lại có cách lý giải khác cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh viện quá tải là do hiện nay có tới 27.000 người dương tính với Covid-19 chờ nhập viện công và nhiều người đã vội vàng tới cơ sở y tế bất chấp giới chức kêu gọi hãy ở nhà cho đến khi được liên lạc.

Giáo sư Gabriel Leung, cố vấn chính quyền thành phố Hong Kong, nhận định hệ thống y tế của thành phố không được thiết kế đủ khả năng ứng phó trước số lượng ca nhiễm và cần cách ly nhiều như vậy. Vị chuyên gia dự báo tình hình có thể tồi tệ hơn do Hong Kong vẫn chưa tới đỉnh dịch.

Bác sĩ Siddharth Sridhar, chuyên gia về virus, người đã có kinh nghiệm công tác trong hệ thống y tế Hong Kong suốt một thập kỷ qua, cho biết trước nay các bệnh viện công của thành phố luôn đứng trước nguy cơ quá tải và thậm chí chịu áp lực mỗi khi có đợt bùng phát dịch cảm cúm.

Tình trạng quá tải, bệnh nhân phải chờ đợi ngoài trời tại một bệnh viện Hong Kong.

Tình trạng quá tải, bệnh nhân phải chờ đợi ngoài trời tại một bệnh viện Hong Kong.

Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch Covid-19 tại Hong Kong. Dù thành phố có nhiều nguồn tiếp cận với vaccine và triển khai tiêm vaccine cho người dân từ rất sớm nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi lại khá thấp. Theo bác sĩ Leung, tỷ lệ này ở các nhà dưỡng lão chỉ là 20%.

Ông Leung lý giải nguyên nhân là do thông tin sai lệch vào đầu đại dịch khiến một bộ phận người dân ngần ngại tiêm vaccine, dẫn đến một bộ phận người cao tuổi cho rằng họ có thể phải chịu ảnh hưởng từ tác dụng phụ của vaccine nhiều hơn so với nhiễm bệnh.

Chuyên gia đề xuất giải pháp

Bác sĩ Leung dự đoán số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày tại Hong Kong có thể vượt quá con số dự báo ban đầu là 30.000 ca. Theo ông Leung, chính quyền thành phố cần làm tốt công tác hạn chế tiếp xúc giữa người dân để làm chậm lại tốc độ lây truyền dịch, tránh đổ vỡ hệ thống y tế.

Còn theo Giáo sư Ben Cowling, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Hong Kong, các trường hợp mắc Covid-19 ở thể nhẹ nên được cho điều trị tại nhà để giảm áp lực lên hệ thống y tế và tập trung điều trị cho các ca nặng và nguy cấp.

Nguồn: [Link nguồn]

Mặt trái của phương châm giữ số ca nhiễm Covid-19 ở mức 0 bằng mọi giá ở Hồng Kông (Trung Quốc)

Phải thực hiện phương châm giữ số ca nhiễm Covid-19 ở mức 0 bằng mọi giá, đó là áp lực đối với chính quyền đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) hiện tại trong khi số ca lây nhiễm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (Theo Guardian, SCMP) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN