Thu giữ được nhiều xe tăng Nga có giúp Ukraine giành lợi thế?

Dù thu giữ được nhiều xe tăng Nga nhưng Ukraine vẫn thiếu số lượng xe tăng, xe bọc thép cần thiết để phản công.

Ukraine đã thu được rất nhiều “chiến lợi phẩm” từ Nga, đặc biệt là số lượng lớn xe tăng, xe chiến đấu bộ binh. Việc thu giữ những “chiến lợi phẩm này” có vẻ đã giúp Ukraine tăng cường năng lực chiến đấu trên bộ nhưng chưa hẳn điều này giúp Ukraine có thể lật ngược thế cờ.

Nhiều xe tăng, xe bọc thép Nga…thuộc về tay Ukraine

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh thông tin trên Twitter rằng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào hồi tháng 2, quân Ukraine đã thu giữ ít nhất 400 xe tăng chiến đấu chủ lực và 650 xe chiến đấu bộ binh của Nga.

Số lượng xe tăng Nga mà Ukraine thu giữ mà Bộ Quốc phòng Anh đưa gần như khớp với số liệu từ trang web Oryx chuyên theo dõi việc sử dụng và tổn thất trang thiết bị quân sự. Trang này cho biết tính đến ngày 8-10, 453 xe tăng Nga đã bị quân Ukraine thu giữ.

Chia sẻ với tạp chí Newsweek, ông Zev Faintuch - nhà phân tích tình báo cấp cao của công ty an ninh Global Guardian (công ty hiện có các nhóm tình báo tại Ukraine) cho biết lực lượng Kiev cũng đã phá hủy khoảng 700 xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga, nghĩa là quân Nga đã mất khoảng 40% xe tăng của cả lực lượng.

Lính Ukraine chuẩn bị vận chuyển chiếc xe tăng thu giữ được của Nga vào ngày 11-9 ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: REUTERS

Lính Ukraine chuẩn bị vận chuyển chiếc xe tăng thu giữ được của Nga vào ngày 11-9 ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: REUTERS

Ông nói rằng trước chiến tranh, Ukraine có khoảng 850 xe tăng chiến đấu nhưng trong cuộc chiến, 300 xe trong số này đã bị phá hủy, bị thu giữ, bị bỏ rơi hoặc bị hư hỏng nặng.

Ông Faintuch kết luận: “Với một phép toán đơn giản, quý vị có thể thấy rằng Ukraine hiện có nhiều xe tăng hơn so với trước chiến tranh”.

Theo ông, các xe tăng Nga bị Ukraine thu giữ đã giúp nước này cải thiện chất lượng của quân đoàn thiết giáp bởi kho xe tăng của Ukraine vốn chủ yếu gồm các xe tăng thế hệ thứ 2 đã được sửa đổi, trong khi hiện giờ xe tăng đã có thế hệ thứ 4.

…nhưng không hẳn giành được lợi thế

Dù vậy, không hẳn tất cả xe tăng, xe bọc thép Nga mà Ukraine thu được cũng được đưa vào chiến đấu ngay vì vấp phải những vấn đề kỹ thuật, vận hành, theo ông Faintuch.

Theo ông Faintuch, Ukraine có đủ lính để tác chiến nhưng vẫn thiếu số lượng xe tăng, xe chiến đấu bộ binh để thọc sâu vào các vùng lãnh thổ của Ukraine hiện do Nga kiểm soát.

"Ngay cả sở hữu những chiếc xe tăng Nga bị thu giữ, nguồn cung xe tăng thế hệ thứ ba của Ukraine vẫn rất thấp và thấp hơn nhiều so với Nga” - tờ Newsweek dẫn lời ông Faintuch.

Phương Tây đã viện trợ cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại kể từ đầu cuộc chiến nhưng Mỹ và Đức hiện vẫn từ chối hỗ trợ xe tăng tối tân như M-1 Abrams (Mỹ) và Leopard (Đức) cho Ukraine, dù Kiev liên tục yêu cầu viện trợ.

Một số chuyên gia cho rằng việc phương Tây chần chừ gửi xe tăng là do lo ngại các vấn đề kỹ thuật, hậu cần,...mà xe gặp phải trên chiến trường và lo ngại chiến tranh sẽ mở rộng thành xung đột Nga - NATO, theo tờ Politico.

Ông Faintuch cho rằng hiện Ukraine đang trên đà phản công và rất cần được hỗ trợ thêm các phương tiện như xe tăng, xe thiết giáp,...để phát huy lợi thế của mình trước khi quân tiếp viện của Nga đến.

Lính Ukraine lái xe tăng Nga bị bỏ lại trong cuộc chiến vào hồi tháng 3 ở tỉnh Kiev. Ảnh: REUTERS

Lính Ukraine lái xe tăng Nga bị bỏ lại trong cuộc chiến vào hồi tháng 3 ở tỉnh Kiev. Ảnh: REUTERS

Theo ông, trong bối cảnh Nga đang cố gắng duy trì quyền kiểm soát tỉnh Kherson - một trong những tỉnh Ukraine mà Nga vừa mới sáp nhập vào lãnh thổ sau cuộc trưng cầu dân ý, Ukraine cần nhiều xe tăng hơn nữa để có được những bước tiến ở khu vực này.

Ông phân tích: “Địa hình Kherson và phần lớn tỉnh Zaporizhia bằng phẳng và thuận lợi cho việc tiến hành chiến tranh cơ giới hóa. Một khi Ukraine vượt qua được sông Dnipro ở Kherson, lực lượng nước này sẽ cần xe thiết giáp để tiến lên”.

Yếu tố then chốt không nằm ở xe tăng, xe bọc thép

Thời gian gần đây, lực lượng Ukraine đã có được những thắng lợi trên chiến trường như giải phóng được nhiều thị trấn, làng mạc ở 4 tỉnh vừa mới sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên ông Michael Desch - Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế Notre Dame (Mỹ) cho rằng thành công của Ukraine gần đây, đặc biệt là ở Kharkiv, không phải do lực lượng xe tăng hay xe bọc thép tạo ra, theo Newsweek.

Ông chia sẻ với Newsweek rằng yếu tố then chốt là Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp. Các hệ thống này đã giúp quân đội Ukraine có khả năng tấn công các điểm hậu cần và kho đạn của Nga, làm giảm lượng pháo binh mà quân Nga có thể sử dụng.

Ông nói: "Ở phía nam, Ukraine vẫn đang duy trì một lượng lớn hỏa lực. Tôi có thể khẳng định rằng pháo binh và đặc biệt là tên lửa tầm xa với độ chính xác cao là yếu tố quyết định cho sự thay đổi lớn dạo gần đây chứ không phải xe tăng hay xe bọc thép”.

Ông cũng nói thêm rằng Nga có thể mất một số lượng xe tăng lớn và vẫn còn phải trang bị nhiều hơn nữa. Đó thực sự là vấn đề của binh lính và pháo binh Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

VIDEO: Chỉ huy Ukraine lái xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga

Bộ Quốc phòng Ukraine đăng tải video 1 chỉ huy lữ đoàn bộ binh cơ giới Ukraine lái xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A của Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN