Reuters: Liên Hợp Quốc báo cáo nhiều nhân viên bị Taliban đánh đập, đe doạ

Cả Liên Hợp Quốc và Taliban đều từ chối bình luận về tài liệu bị rò rỉ liên quan các vụ đánh đập, đe dọa nhân viên Liên Hợp Quốc tại Afghanistan.

Một tài liệu an ninh nội bộ của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho thấy nhiều nhân viên của tổ chức này tại Afghanistan đã bị lực lượng Taliban truy tìm, đe dọa và thậm chí là đánh đập, hãng tin Reuters hôm 25-8 cho hay.

Theo tài liệu mà Reuters tiếp cận được, hàng chục nhân viên LHQ tại Afghanistan đã bị đe dọa, lạm dụng thể chất kể từ ngày 10-8 - chưa đầy một tuần trước khi Taliban tuyên bố chiến thắng ở thủ đô Kabul.

Ngay trong ngày 15-8, nhiều nhân viên LHQ đã bị Taliban chặn lại khi những người này cố gắng tìm cách tới sân bay Kabul. Những trường hợp này bị Taliban lục soát xe và bị đánh đập. 

Trụ sở Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA). Ảnh: LHQ

Trụ sở Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA). Ảnh: LHQ

Taliban bị cho là đã chiếm một số văn phòng thuộc LHQ, lục soát văn phòng và đòi hỏi lực lượng bảo vệ phải cung cấp thức ăn. Một số nơi còn báo cáo tình trạng cướp bóc.

Tài liệu còn nhắc tới chuyện một nhân viên LHQ đang làm việc tại văn phòng của LHQ thì bị lực lượng Taliban tìm đến nhà và để lại lời cảnh báo cho gia đình người này. Vụ việc xảy ra hôm 16-8, tức trong vòng 24 giờ kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul.

Cả LHQ và Taliban đều từ chối bình luận về thông tin bị rò rỉ này. Taliban tuyên bố lực lượng này sẽ điều tra các báo cáo về những hành vi bất lương.

Trong khi đó, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng ở Kabul chịu trách nhiệm về sự an toàn và an ninh của nhân viên và tài sản của LHQ. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với họ về vấn đề đó”.

LHQ đã điều chuyển 1/3 trong số khoảng 300 nhân viên người nước ngoài tại Afghanistan tới quốc gia láng giềng Kazakhstan. Hiện nay, khoảng 3.000 nhân viên LHQ vẫn còn ở Afghanistan.

LHQ nhấn mạnh rằng tổ chức này mong muốn duy trì sự hiện diện tại Afghanistan để giúp đỡ người dân quốc gia này. Tuy nhiên, LHQ cũng đang liên hệ với các nước khác để cấp thị thực cho các nhân viên còn lại được rời khỏi Afghanistan.

Taliban thì kêu gọi các tổ chức nhân đạo tiếp tục công việc của mình tại Afghanistan, miễn là không sử dụng các hoạt động viện trợ để gây áp lực chính trị lên lực lượng này.

Gần hai tuần qua, hàng ngàn người đã rời khỏi Afghanistan trên các chuyến bay - kể cả dân dụng và quân sự - cất cánh từ sân bay Kabul. Tình trạng giẫm đạp và bạo lực tại sân bay Kabul đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.

Sự hoảng loạn ở sân bay Kabul là do nhiều người Afghanistan lo sợ bị Taliban trả thù vì những người này từng làm việc cho chính quyền đã sụp đổ hôm 15-8 hoặc cho phương Tây. Tuy nhiên, Taliban đã tuyên bố “không tìm cách trả thù”.

Nhiều người cũng lo ngại Taliban sẽ tái áp đặt luật Hồi giáo với các quy định hà khắc như cấm phụ nữ làm việc bên ngoài gia đình và cấm trẻ em gái đi học. Tuy nhiên, các trường học dành cho trẻ em gái tại một số địa phương ở Afghanistan vẫn hoạt động sau khi Taliban tiếp quản.

Taliban đang đàm phán với các quan chức chính quyền Afghanistan còn ở lại trong nước để lập ra một chính phủ với đầy đủ các lực lượng chính trị. Nhiều lãnh đạo của Taliban đã được lực lượng này đề cử vào một số vị trí quan trọng trong nội các mới. 

Nguồn: [Link nguồn]

Liên Hợp Quốc kiểm tra ba lô khẩn cấp của lính mũ nồi xanh Việt Nam

Ngày 12/8, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam tại Nam Sudan cho biết, đơn vị này đã vượt qua đợt kiểm tra toàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀN ĐỨC ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN