Ông Zelensky muốn NATO bắn hạ tên lửa Nga, liệu có xảy ra?

Trước đà tấn công mạnh từ Nga, ông Zelensky đề nghị Washington cho phép sử dụng tên lửa của Mỹ bắn các mục tiêu quân sự bên trong Nga và muốn NATO bắn tên lửa Nga bay vào Ukraine. Liệu NATO có đáp ứng?

Chiến sự Nga-Ukraine những ngày gần đây đỏ lửa khắp mọi mặt trận song đáng chú ý nhất là tại tỉnh Kharkiv - nơi Moscow mở cuộc tiến công mới từ hôm 10-5 và chiếm thêm nhiều khu định cư tại đây.

Để đối phó Nga, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky những ngày qua tiếp tục nỗ lực dài hơi kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí và thậm chí tạo bước đột phá trên chiến trường.

Giằng co quyết liệt ở Kharkiv

Quân Nga hoạt động rất ráo riết ở mặt trận Kharkiv. Hôm 21-5, ông Vitaly Ganchev - lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự-dân sự tỉnh Kharkiv do Nga bổ nhiệm - nói rằng quân Nga đã tiến khá sâu vào tuyến phòng thủ của Ukraine. Lực lượng Nga đang thắng thế ở tiền tuyến tỉnh Kharkiv và giành được 40% TP Vovchansk là điểm giao tranh nóng ở tỉnh này. Phần phía bắc của Vovchansk đã hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của quân Nga và cuộc tấn công vào thành phố này đang diễn ra chậm nhưng ổn định, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Ganchev.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị máy bay không người lái khi chiến đấu ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: GETTY IMAGES

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị máy bay không người lái khi chiến đấu ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: GETTY IMAGES

Phía Ukraine thừa nhận tình hình rất gian nan, song về cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng Kiev. Hãng thông tấn Ukrinform dẫn lời ông Oleh Syniehubov - người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kharkiv rằng các lực lượng Ukraine đang "cố gắng giành lại từng ngôi nhà, từng con phố".

Trận đánh ở Kharkiv diễn ra giữa thời điểm Ukraine đang thiếu hụt vũ khí và nhân lực nghiêm trọng, trong khi đó Nga lại áp đảo quân số và khí tài gấp mười lần trên chiến tuyến. Theo các nhà phân tích phương Tây, đơn cử ở TP Chasiv Yar (tỉnh Donetsk), tỉ lệ chênh lệch quân số giữa Nga và Ukraine khoảng 10:1, chưa kể Kiev phải chịu tình trạng mất cân bằng kinh niên về đạn pháo và hoàn toàn thiếu lực lượng yểm trợ trên không.

Trước tình hình trên, chia sẻ với tờ The New York Times ngày 21-5, Tổng thống Zelensky kêu gọi Mỹ và châu Âu thực hiện “những bước đi táo bạo hơn” để bảo vệ Kiev. Trong đó, ông Zelensky đề nghị Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa và các loại vũ khí khác của Mỹ bắn các mục tiêu quân sự bên trong Nga và đề xuất Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đánh chặn tên lửa Nga xâm nhập không phận Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng đây sẽ chỉ là một chiến thuật phòng thủ thuần túy và sẽ không tạo ra nguy cơ giao tranh trực tiếp giữa Mỹ và NATO với quân đội Nga.

“Tại sao chúng ta không thể bắn hạ chúng? Đây có phải là phòng thủ không: Có. Đây có phải là một cuộc tấn công vào Nga: Không. [NATO] có giết chết phi công Nga không: Không. Vậy thì việc này có thể coi là lôi kéo các nước NATO vào cuộc chiến với Nga không: Hoàn toàn không” - ông Zelensky nêu quan điểm.

Ông Zelensky cũng kêu gọi liên minh NATO cung cấp thêm máy bay chiến đấu F-16, hệ thống phòng không Patriot. “Bắn hạ những gì đang bay trên bầu trời Ukraine và cung cấp cho chúng tôi vũ khí mà chúng tôi có thể sử dụng để chống lại lực lượng Nga ở biên giới" - tổng thống Ukraine nói tờ The New York Times.

Tiếp tục lập trường của ông Zelensky, Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba kêu gọi các nước phương Tây ủng hộ Ukraine và đừng coi một bước đi như vậy là "leo thang".

“Không có lý lẽ pháp lý, an ninh hay đạo đức nào cản trở các đối tác của chúng tôi bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine. Nếu quý vị không muốn làm điều đó, thì chỉ cần cung cấp cho chúng tôi tất cả các khí tài cần thiết. Chúng tôi sẽ triển khai chúng trên lãnh thổ Ukraine và tự mình đánh chặn những tên lửa Nga” - ông Kuleba nói.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP

Mỹ và NATO có đáp ứng mong muốn của ông Zelensky?

Về đề nghị từ ông Zelensky muốn Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa và các loại vũ khí khác của Mỹ bắn các mục tiêu quân sự bên trong Nga, Washington đã bác bỏ, theo The New York Times.

Về đề nghị NATO giúp đánh chặn tên lửa Nga xâm nhập không phận Ukraine, theo trang Breaking Defense, đây không phải lần đầu tiên ông Zelensky kêu gọi như vậy. Hồi tháng 4, ông Zelensky đã kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga lao về phía Ukraine. Tổng thống Ukraine cho rằng hành động này đơn giản là tương tự với những gì phương Tây đã thực hiện với Israel, khi hỗ trợ Tel Aviv bắn hạ các tên lửa và máy bay không người lái của Iran trong đòn trả đũa qua lại của hai nhà nước Trung Đông.

Khi đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh - ông Josep Borrell nhấn mạnh hai tình huống này là “hoàn toàn khác nhau và không thể so sánh được”.

“Các cuộc tấn công của Iran nhằm vào các căn cứ không quân của quân đội Pháp, Mỹ, Anh và Jordan. Các căn cứ của họ bị tấn công và họ đã hành động để tự vệ. Không có căn cứ không quân nào của Anh, Mỹ hay Jordan trên lãnh thổ Ukraine, hay lãnh thổ mà tên lửa Nga bay qua. Vì vậy, không thể đưa ra câu trả lời giống nhau vì hoàn cảnh không giống nhau" - ông Borrell giải thích.

Lên tiếng liên quan lời kêu gọi mới nhất của ông Zelensky và ông Kuleba, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock không đề cập liệu NATO có bắn hạ tên lửa Nga hay không, song thừa nhận tầm quan trọng của việc cung cấp hệ thống phòng không, cho rằng sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine không chỉ tổn hại cho an ninh Kiev mà còn cho cả an ninh phương Tây.

“Rõ ràng là sự do dự và chậm trễ trong việc hỗ trợ Ukraine đều phải trả giá bằng mạng sống của những người dân vô tội. Và mọi sự do dự trong việc hỗ trợ Ukraine cũng gây nguy hiểm cho an ninh của chính chúng ta” - tờ Independent dẫn lời bà Baerbock.

Các nhà lập pháp Đức cũng quan ngại sâu sắc về việc sử dụng sức mạnh của NATO để bảo vệ không phận Ukraine. Theo phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit, điều này sẽ vượt quá giới hạn và khiến NATO trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa Kiev và Moscow.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, Ba Lan cho biết NATO đang thảo luận về việc bắn hạ các tên lửa Nga bay quá gần các quốc gia NATO song chưa thống nhất.

Trong bài bình luận đăng trên đài RT, nhà phân tích chính trị và quân sự Nga Sergey Poletaev cho rằng việc phương Tây chần chừ trước những lời kêu gọi của ông Zelensky là vì họ không muốn bị kéo vào cuộc xung đột Nga-Ukraine và ngại đối đầu quân sự trực tiếp với Moscow.

Theo ông Poletaev, việc NATO bắn hạ tên lửa và máy bay của Nga sẽ gây rủi ro cao và có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân, hãng Sputnik đưa tin.

Phương Tây cũng nhiều lần cảnh báo nếu một nước NATO trở thành bên tham chiến, toàn bộ khối buộc phải kích hoạt Điều 5 Hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể, làm tăng khả năng bùng nổ xung đột quân sự giữa NATO và Nga.

Nhìn chung, giới quan sát cho rằng phương Tây vẫn khá e dè về lời kêu gọi của ông Zelensky, do đó có thể thấy rõ khả năng NATO “động tay” với tên lửa Nga vẫn là một viễn cảnh khó xảy ra.

Giới chức Washington bàn cho Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công vào Nga?

Tờ The New York Times ngày 22-5 đưa tin rằng giới chức Mỹ đang thảo luận về khả năng cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công các địa điểm quân sự trên đất Nga - những nơi Nga phóng tên lửa và lựu pháo đi tấn công Ukraine.

Đề xuất do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra sau chuyến thăm Ukraine hồi tuần trước. Đề xuất hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và không rõ có bao nhiêu quan chức Mỹ tán thành.

Các quan chức thạo tin cho biết đề xuất vẫn chưa được chính thức trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden - người luôn giữ lập trường thận trọng và cho rằng việc cho phép này sẽ có nguy cơ bùng phát “Thế chiến thứ ba”.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller từ chối bình luận về các cuộc thảo luận nội bộ liên quan chính sách đối với Ukraine.

Trước đó, ngày 21-5, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng việc Ukraine yêu cầu phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga cho thấy Kiev đã rơi vào trạng thái “hoảng loạn hoàn toàn” khi quân đội Nga tiếp tục tiến lên đặc biệt ở Kharkiv, theo đài RT.

Theo ông Peskov, Tổng thống Zelensky đang rơi vào tình thế “khó khăn nhất” trên tiền tuyến do cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng vấn đề của quân đội Ukraine là do phương Tây cung cấp vũ khí không ổn định.

“Tốc độ ổn định [của các lô hàng từ phương Tây] là không có. Và quan trọng nhất là ngay cả khi tốc độ chuyển giao quân sự ổn định được khôi phục cũng sẽ không cho phép quân đội Ukraine lật ngược tình thế” - ông Peskov nói thêm.

Phía Ukraine chưa lên tiếng về bình luận của ông Peskov.

Nguồn: [Link nguồn]

Ukraine đang muốn thực hiện các hành động mang tính khiêu khích nhằm lôi kéo Mỹ và NATO can dự trực tiếp vào xung đột, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói, theo hãng thông tấn TASS hôm 23/5.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN