Nghiên cứu: Số ca COVID-19 Trung Quốc có thể cao gấp 4 lần

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Các chuyên gia Hong Kong cho rằng nếu Trung Quốc sớm áp dụng phương pháp chẩn đoán lâm sàng, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này có thể lên tới 232.000 trường hợp.

Các bác sĩ ở Bệnh viện số 1 Vũ Hán điều trị cho một ca nhiễm COVID-19 trong phòng chăm sóc tích cực hôm 22-2. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Các bác sĩ ở Bệnh viện số 1 Vũ Hán điều trị cho một ca nhiễm COVID-19 trong phòng chăm sóc tích cực hôm 22-2. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Các chuyên gia Hong Kong dự báo số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đại lục có thể cao gấp 4 lần số liệu được thống kê, báo South China Morning Post ngày 23-4 đưa tin.

Nhóm chuyên gia do nhà dịch tễ học Peng Wu (thuộc Trường Y tế công, Đại học Hong Kong) dẫn đầu đã nghiên cứu hệ thống các tiêu chí của Trung Quốc dùng trong xác định các ca nhiễm COVID-19.

Kết quả nghiên cứu cho thấy đến ngày 20-2, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc có thể lên tới ít nhất là 232.000 ca "nếu tính đến khả năng phát hiện không đúng mức sự lây nhiễm, đặc biệt là những ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng bệnh". 

Ngày 21-4, nhóm nghiên cứu đã đăng tải kết quả nghiên cứu lên tạp chí thẩm định khoa học The Lancet.

Hệ thống tiêu chí xác định ca nhiễm COVID-19 của Trung Quốc

Theo mô tả trong báo cáo nghiên cứu, dựa vào những kiến thức khoa học được cập nhật về COVID-19, Trung Quốc đã công bố bảy phiên bản hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó một số phiên bản đã thay đổi các tiêu chí xác định ca nhiễm.

Ban đầu, Trung Quốc xác định một người nhiễm bệnh khi họ có triệu chứng lâm sàng và được xét nghiệm xác nhận.

Tuy nhiên, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị số 5 (áp dụng từ ngày 4-2 đến ngày 17-2) cho phép các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc xác nhận ca nhiễm qua chẩn đoán lâm sàng trước khi những người này được xét nghiệm xác nhận nhiễm COVID-19. Trung Quốc cho biết thay đổi này là do còn tồn đọng nhiều trường hợp chờ xét nghiệm.

Từ ngày 18-2, Trung Quốc áp dụng hướng dẫn số 6, loại bỏ số liệu thống kê qua chẩn đoán lâm sàng với lý do số người chờ xét nghiệm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vì phạm vi thời gian của nghiên cứu chỉ tính tới ngày 20-2, các nhà khoa học đã không nhận xét về hệ quả của sự thay đổi này.

Tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc có thể lên tới 232.000 người

Các tính toán trên được thực hiện dựa trên biểu đồ dịch bệnh do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hôm 28-2, sau khi đến khảo sát tại Vũ Hán. Biểu đồ này thể hiện cả ngày khởi phát triệu chứng và ngày được công bố nhiễm bệnh của các bệnh nhân.

Nhóm chuyên gia Hong Kong nhận thấy nếu việc cập nhật hướng dẫn này có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc.

Nghiên cứu ước tính số ca nhiễm ở Trung Quốc đã tăng 7,1 lần khi chuyến từ phiên bản hướng dẫn số 1 sang hướng dẫn số 2, tăng 2,8 lần khi chuyển từ hướng dẫn số 2 sang hướng dẫn số 4 và tăng 4,2 lần khi chuyển từ hướng dẫn số 4 sang hướng dẫn số 5. 

Năng lực xét nghiệm là yếu tố quan trọng trong phân tích biểu đồ dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Năng lực xét nghiệm là yếu tố quan trọng trong phân tích biểu đồ dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo đó, nếu Trung Quốc áp dụng hướng dẫn số 5 ngay từ dịch bệnh vừa bùng phát và năng lực xét nghiệm đáp ứng nhu cầu thực tế, số ca nhiễm tính tới ngày 20-2 có thể lên tới 232.000 người.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy số ca nhiễm ước tính này cao gấp hơn 4 lần số liệu thống kê riêng của Đại học Hong Kong là 55.508 ca nhiễm.

Nghiên cứu không đề cập đến các số liệu nêu trong tài liệu đánh giá được WHO công bố hôm 28-2. Theo WHO, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc tính đến hết ngày 20-2 là 75.465 trường hợp, trong đó 55.924 trường hợp đã được khẳng định bằng xét nghiệm.

Các nước có thể áp dụng các tiêu chí chẩn đoán lâm sàng

Nhóm chuyên gia Hong Kong đề xuất các quốc gia nên áp dụng phương pháp xác định ca nhiễm qua chẩn đoán lâm sàng tương tự Trung Quốc khi không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19.

Đồng thời, nguyên cứu cho thấy nếu không tính tới sự thay đổi do cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, tốc độ tăng ca nhiễm trên thực tế ở Trung Quốc có thể thấp hơn những gì được thể hiện trong biểu đồ dịch bệnh được công bố.

Do đó, nhóm này đề xuất các nghiên cứu phân tích biểu đồ dịch bệnh ở các nước khác cũng nên xem xét tới sự thay đổi tiêu chí xác định ca nhiễm và năng lực xét nghiệm của nước đó trong từng giai đoạn khác nhau.

Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc công bố ngày 23-4, nước này có 82.798 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.632 trường hợp đã tử vong. Số ca bệnh được chữa khỏi là 77.207 trường hợp.

Theo chuyên trang thống kê Worldometer, tính tới 1 giờ 30 phút chiều 23-4, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 2.639.122 trường hợp. Trong đó, 184.265 người đã tử vong và ít nhất 722.290 người đã được chữa khỏi. 

Nguồn: [Link nguồn]

Gửi kit thử mới thay lô cũ kém chất lượng, công ty TQ vẫn bị Tây Ban Nha trả lại

Tây Ban Nha lần thứ 2 trả lại lô kit thử Covid-19 tới từ Trung Quốc và yêu cầu hoàn tiền của 640.000 kit thử nước này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĂN KIẾM ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN