Mỹ gửi thêm quân tới châu Âu

Mỹ sẽ huy động hơn 10.000 binh sĩ tới châu Âu, dự kiến ​thay thế các lực lượng được triển khai ở khu vực này sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine.

Đài RT dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby xác nhận đợt triển khai quân sự kể trên trong cuộc họp báo hôm 13-5. Ông Kirby lưu ý "môi trường an ninh tại châu Âu đã thay đổi" do cuộc xung đột ở Ukraine.

"Đợt triển khai nhằm thay thế từng đơn vị, khiến lực lượng tổng thể của chúng tôi trong khu vực - khoảng 100.000 quân - không thay đổi. Các đơn vị được thay thế sẽ trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Quân đội Mỹ có thể sớm xem xét để lại hiện diện lâu dài ở châu Âu và đưa ra đánh giá về việc liệu có nên duy trì ở mức độ hiện tại hay không" - ông Kirby nói với các phóng viên.

Lính dù Mỹ huấn luyện với quân đội Ba Lan hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Lính dù Mỹ huấn luyện với quân đội Ba Lan hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Trước khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay, lực lượng Mỹ ở châu Âu lên tới khoảng 80.000 người. Một số binh sĩ đóng thường trực tại các căn cứ, trong khi những người khác luân phiên triển khai huấn luyện với các đối tác NATO.

Vài thành viên của NATO, chẳng hạn như Lithuania, đã thúc giục Mỹ mở rộng sự hiện diện ở châu Âu trong những tháng gần đây. Các quan chức Washington sau đó đề xuất các biện pháp để đáp ứng yêu cầu đó, bao gồm cả việc xây dựng căn cứ mới.

"Lời khuyên của tôi là thiết lập căn cứ lâu dài nhưng không đồn trú vĩnh viễn" - tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết hồi tháng trước.

Trong khi đó, hôm 13-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine khi ông nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời Lầu Năm Góc cho biết ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc. 

Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ cuộc điện đàm do ông Austin yêu cầu, kéo dài khoảng 1 giờ nhưng không giải quyết được bất kỳ vấn đề cụ thể nào hoặc khiến Nga thay đổi hoạt động tại Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận với hãng tin TASS rằng cuộc điện đàm do phía Mỹ đề xuất, thảo luận về an ninh quốc tế, bao gồm cả tình hình ở Ukraine. 

Mỹ và Nga đã thiết lập một đường dây nóng kể từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga để ngăn chặn những tính toán sai lầm và bất kỳ sự leo thang xung đột nào. Đó là một đường dây điện thoại mở đặt tại trụ sở Bộ Tư lệnh châu Âu.

Nguồn: [Link nguồn]

Lầu Năm Góc: Mỹ có thể tạm ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine

Viện trợ quân sự cho Ukraine có thể bị gián đoạn nếu Quốc hội Mỹ không thông qua khoản viện trợ trị giá 40 tỷ USD vào ngày 19.5, Lầu Năm Góc cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Nghĩa ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN