Liên minh Mỹ-Philippines nhìn từ cuộc tập trận thường niên lớn nhất

Cuộc tập trận thường niên Balikatan giữa Mỹ-Philippines là diễn biến mới nhất trong nỗ lực thắt chặt quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Ngày 22-4, Mỹ và Philippines khởi động cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan, tức "vai kề vai". Cuộc tập trận, kéo dài trong ba tuần và sẽ kết thúc vào ngày 10-5, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang và các cuộc chạm trán trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng những tháng gần đây, theo hãng tin Reuters.

Những điểm nổi bật của cuộc tập trận

Cuộc tập trận Balikatan năm nay quy tụ hơn 16.000 binh sĩ Mỹ và Philippines. Pháp và Úc cũng gửi quân tới tham gia tập trận. Theo hãng tin AFP, Pháp lần đầu sẽ triển khai một tàu chiến tham gia tập trận chung với các tàu Philippines và Mỹ. Bên cạnh đó, 14 quốc gia ở châu Á và châu Âu cũng sẽ tham dự với tư cách quan sát viên.

Đại diện quân đội Mỹ và Philippines tại lễ khai mạc cuộc tập trận thường niên Balikatan hôm 22-4 tại Manila (Philippines). Ảnh: X

Đại diện quân đội Mỹ và Philippines tại lễ khai mạc cuộc tập trận thường niên Balikatan hôm 22-4 tại Manila (Philippines). Ảnh: X

Cuộc tập trận năm nay diễn ra chủ yếu ở phía bắc và phía tây của Philippines, gần với các điểm "nóng” Biển Đông và Đài Loan. Ngoài ra, cuộc tập trận Balikatan lần đầu tiên diễn ra ngoài lãnh hải Philippines, theo Đại tá Michael Logico - người đại diện cho quân đội Philippines trong cuộc tập trận.

Năm nay, cuộc tập trận chung sẽ bao gồm mô phỏng hoạt động tái chiếm vũ trang một hòn đảo ở tỉnh Palawan (phía tây Philippines). Cuộc tập trận tương tự sẽ được tổ chức ở các tỉnh Cagayan và Batanes (phía bắc Philippines). Tương tự năm ngoái, cuộc tập trận năm nay cũng sẽ bao gồm nội dung đánh chìm tàu ở ngoài khơi tỉnh Ilocos Norte (phía bắc Philippines). Ngoài ra, các hoạt động khác sẽ liên quan nội dung chiến tranh thông tin, an ninh hàng hải, phòng thủ tên lửa và tích hợp phòng không.

Cuộc tập trận năm nay cũng chứng kiến lần đầu tiên có sự tham gia của sáu tàu thuộc Lực lượng tuần duyên Philippines. Một điểm đáng chú ý nữa là sự tham gia của hệ thống tên lửa chiến lược tầm trung của Mỹ, hay còn được gọi là Typhon, có tầm bắn lên tới 2.500 km. Quân đội Mỹ đã vận chuyển hệ thống này tới Philippines trong tháng 4 này và đây là lần triển khai đầu tiên như vậy ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo tờ Financial Times.

Hãng thông tấn Philippines PNA dẫn lời người đứng đầu lực lượng vũ trang của Philippines - ông Romeo Brawner rằng "Balikatan", nghĩa đen là "vai kề vai", là bằng chứng cho thấy nỗ lực của Philippines và Mỹ nhằm tăng cường sự hợp tác, tận tâm và ý định chung nhằm tăng cường năng lực tương tác của lực lượng quân sự hai nước.

Các quan chức Mỹ và Philippines cho biết trong cuộc tập trận Balikatan lực lượng hai nước sẽ chỉ thực hiện các cuộc tập trận hậu cần với Typhon, chẳng hạn di chuyển nhanh hệ thống phóng khi bị đe dọa, nhưng sẽ không có vụ phóng nào.

Mỹ và Philippines đều cho biết cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào mà mục đích chính là cải thiện năng lực tương tác giữa quân đội hai nước. “Các cuộc tập trận ở những địa điểm đó diễn ra dựa trên trật tự quốc tế và luật pháp quốc tế… Chúng tôi đang tiến hành các cuộc tập trận bình thường” - Trung tướng Mỹ William Jurney cho hay.

Quân đội Philippines cho biết trọng tâm chính của cuộc tập trận năm nay là bảo vệ lãnh thổ. “Chúng tôi cực kỳ nghiêm túc trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình - đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện các cuộc tập trận Balikatan này” - Đại tá Logico nói với hãng tin AP.

Mỹ-Philippines liên kết chặt hơn về hàng hải

Cuộc tập trận Balikatan năm nay nhận được sự chú ý to lớn bởi tính chất, quy mô và vị trí địa lý, đặc biệt diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Philippines ngày càng liên kết với nhau chặt chẽ hơn trong vấn đề an ninh hàng hải. Kể từ khi Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. lên lãnh đạo Philippines vào năm 2022, quốc gia Đông Nam Á này đã tìm cách thắt chặt quan hệ đồng minh hiệp ước với Mỹ.

Những diễn biến đáng chú ý trong quan hệ Washington-Manila gần đây bao gồm hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines lần đầu tiên vào ngày 11-4 tại Nhà Trắng, trong đó Washington tái cam kết liên minh vững chắc của Mỹ với cả Nhật và Philippines. Mỹ cũng thường xuyên tuyên bố sẽ giữ vững “cam kết chắc chắn” của Washington về việc bảo vệ Manila trong trường hợp lực lượng của nước này bị tấn công vũ trang.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng (Mỹ) hôm 11-4. Ảnh: INQUIRER

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng (Mỹ) hôm 11-4. Ảnh: INQUIRER

Vào đầu tháng 4 này, Mỹ, Philippines cùng với Nhật và Úc đã tập trận đa phương tại khu vực mà các nước này gọi là “vùng đặc quyền kinh tế của Philippines". Năm 2023, Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) giữa hai nước, nâng tổng số căn cứ mà Mỹ hiện được phép tiếp cận lên 9. Cũng vào năm ngoái hai nước nhất trí nối lại các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông.

Về cuộc tập trận Balikatan năm nay, giới quan sát nhận định động thái này nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh leo thang đối đầu trên Biển Đông trong những tháng gần đây, theo tờ South China Morning Post. Tuần duyên Philippines cáo buộc Hải cảnh Trung Quốc nhiều lần chặn các tàu tiếp tế của Philippines và bắn vòi rồng vào chúng, đặc biệt là ở ngoài khơi bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Trong khi đó, chuyên gia Joshua Espeña - Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế (Philippines) cho rằng cuộc tập trận Balikatan mang lại nhiều cơ hội cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Philippines, theo tờ USNI News. Còn ông Collin Koh - chuyên gia phân tích an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng điểm mấu chốt rút ra từ cuộc tập trận Balikatan đối với quân đội Philippines là “sự đánh giá cao nhu cầu về khả năng chiến đấu hiện đại, ” không giới hạn ở thiết bị. Theo ông Koh, các cuộc tập trận như vậy cho phép xây dựng năng lực tương tác giữa quân đội Philippines và Mỹ.

Dù vậy, một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận trên nhằm gửi tín hiệu tới Bắc Kinh, theo South China Morning Post. Chuyên gia Trần Tương Miễu thuộc Viện quốc gia Nghiên cứu về Biển Đông (Trung Quốc) nói rằng địa điểm diễn ra cuộc tập trận “cho thấy các cuộc tập trận Mỹ-Philippines đang ngày càng nhắm vào Trung Quốc” và thông qua cuộc tập trận này Mỹ đang gửi tín hiệu răn đe tới Bắc Kinh.

Trung Quốc chỉ trích mạnh cuộc tập trận Mỹ-Philippines

Cuộc tập trận thường niên Balikatan giữa Mỹ-Philippines vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 17-4, bình luận về cuộc tập trận được lên kế hoạch này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho hay Bắc Kinh bày tỏ sự quan ngại về động thái đó của Mỹ và Philippines, theo nội dung cuộc họp báo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Lâm nhấn mạnh Philippines “cần nhận thức đầy đủ rằng khi đưa các nước ngoài khu vực vào Biển Đông để phô trương sức mạnh và gây ra đối đầu, căng thẳng có thể trở nên tồi tệ hơn và khu vực sẽ chỉ trở nên kém ổn định hơn".

Trong cuộc họp báo hôm sau, phản ứng việc Mỹ đưa hệ thống tên lửa Typhon tới Philippines, ông Lâm bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của Bắc Kinh về việc triển khai hệ thống tên lửa “ngay trước cửa Trung Quốc”.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng một cách nghiêm túc những lo ngại về an ninh của các nước khác, ngừng gây ra sự đối đầu quân sự, ngừng phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực, thực hiện các hành động cụ thể để giảm thiểu rủi ro chiến lược” - ông Lâm tuyên bố.

Nguồn: [Link nguồn]

Quân đội Mỹ lần đầu tiên đưa một hệ thống tên lửa tấn công tầm trung tới Philippines trong bối cảnh hai quốc gia khởi động một loạt các cuộc tập trận quân sự thường niên trong tháng này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN