Hệ thống tên lửa tấn công uy lực của Mỹ xuất hiện ở Philippines, Trung Quốc phản ứng gắt

Quân đội Mỹ lần đầu tiên đưa một hệ thống tên lửa tấn công tầm trung tới Philippines trong bối cảnh hai quốc gia khởi động một loạt các cuộc tập trận quân sự thường niên trong tháng này.

Bệ phóng tên lửa Typhon được Mỹ đưa tới Philippines bằng máy bay vận tải C-17.

Bệ phóng tên lửa Typhon được Mỹ đưa tới Philippines bằng máy bay vận tải C-17.

Trong tháng 4, quân đội Mỹ đã đưa một hệ thống tên lửa tấn công tầm trung (MRC) Typhon tới Philippines. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai một hệ thống Typhoon tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hệ thống tên lửa Typhon đã và đang tham gia một loạt các cuộc tập trận có sự tham gia của Philippines và các đồng minh khác của Mỹ. Hôm 22/4, cuộc tập trận thường niên Balikatan chính thức được khởi động với sự tham gia của 16.700 quân nhân đến từ lực lượng phòng vệ Úc, hải quân Pháp và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.

Quân đội Mỹ không cho biết hệ thống tên lửa Typhon sẽ ở lại Philippines trong bao lâu. Nhưng theo CNN, đây được coi là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể đưa vũ khí tấn công tới khu vực với tầm bắn bao phủ các mục tiêu của Trung Quốc.

Nếu được đặt ở phía bắc đảo Luzon của Philippines, hệ thống Typhon có tầm bắn bao phủ khu vực phía đông nam Trung Quốc đại lục, cũng như đảo Hải Nam - nơi Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự quan trọng.

Theo CNN, Typhoon là hệ thống vũ khí thế hệ mới của Mỹ với khả năng phóng tên lửa SM-6. Đây là tên lửa vừa đóng vai trò đánh chặn tên lửa đạn đạo, vừa có khả năng tấn công mục tiêu trên biển ở khoảng cách 370km. Ngoài ra, hệ thống Typhon cũng có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.600km.

Một hệ thống Typhon hoàn chỉnh với 4 bệ phóng và xe chỉ huy.

Một hệ thống Typhon hoàn chỉnh với 4 bệ phóng và xe chỉ huy.

Theo thông tin mà quân đội Mỹ đã công bố trước đó, một hệ thống Typhon hoàn chỉnh bao gồm 4 bệ phóng, một trạm chỉ huy di động và các phương tiện, thiết bị phụ trợ. Cần nhiều máy bay vận tải C-17 để vận chuyển một hệ thống Typhon hoàn chỉnh.

Hệ thống Typhon được phát triển từ năm 2019, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga. Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump viện dẫn "sự không tuân thủ của Nga" và "mối lo ngại về kho tên lửa tầm trung của Trung Quốc”.

Lục quân Mỹ gọi việc triển khai hệ thống tên lửa Typhon ở Philippines là một "bước ngoặt" trong việc củng cố năng lực quân sự của Mỹ trongkhu vực. Ngoài cuộc tập trận Balikatan đang diễn ra, hệ thống Typhon đã tham gia cuộc tập trận Salaknib từ ngày 11/4.

Theo các chuyên gia, điểm nhấn đáng chú ý của hệ thống Typhoon là khả năng cơ động và điều này mang đến thông điệp răn đe.

Theo thông báo của quân đội Mỹ, máy bay vận tải C-17 bay liên tục hơn 12.000km trong 15 giờ để đưa hệ thống Typhoon từ bang Washington tới Philippines. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể nhanh chóng đưa hệ thống Typhon tới các điểm nóng xung đột trên thế giới nhằm hỗ trợ hoạt động chiến đấu của quân đội và đồng minh.

Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói "đây là hoạt động khảo sát" của Mỹ trong trường hợp thực sự cần triển khai hệ thống Typhon tới Philippines.

Sự xuất hiện của một hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ ở Philppines đã khiến Trung Quốc quan ngại. Bắc Kinh coi việc Washington triển khai vũ khí tầm xa tới khu vực làm tăng nguy cơ xảy ra những "tính toán sai lầm".

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ vào tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cáo buộc Mỹ tìm kiếm “lợi ích quân sự đơn phương” và nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ.

"Chúng tôi hối thúc Mỹ tôn trọng mối quan ngại an ninh của các nước khác, ngừng gây ra đối đầu quân sự, ngừng phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời thực hiện các hành động cụ thể để giảm thiểu rủi ro chiến lược”, ông Lin nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Hôm nay (18/4), Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng quyết định tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh gần đây là "sự lựa chủ quyền" của Manila. Phát biểu được đưa ra để đáp trả bình luận của Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN