Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines: Bước ngoại giao mới của Mỹ?

Mỹ đang thúc đẩy các hình thức hợp tác tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy lợi ích của nước này và đối phó hiệu quả hơn các thách thức chung.

Với những hoạt động ngoại giao gần đây, nổi bật là thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines (hôm 11-4), có thể thấy, Mỹ đang có sự điều chỉnh về chiến thuật ngoại giao của mình trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực.

Từ “đa phương” đến “tiểu đa phương”

Ngoại giao đa phương được xem là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại Mỹ. Bên cạnh cơ chế đồng minh hiệp ước truyền thống, Mỹ được xem là giữ vai trò tiên phong và tích cực trong việc thành lập và xúc tiến các sáng kiến đa phương kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tại thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines ở Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 11-4. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tại thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines ở Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 11-4. Ảnh: REUTERS

Dưới nhiệm kỳ Tổng thống Barrack Obama (2008-2016), các hoạt động ngoại giao đa phương của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn dựa trên các thiết chế đa phương truyền thống nổi bật như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),….

Việc hợp tác với các thể chế đa phương trong khu vực trở thành một phần quan trọng của Mỹ trong chiến lược “Tái cân bằng châu Á” của Tổng thống Obama.

Tuy vậy, khi đối mặt các thách thức mới trong khu vực và các hạn chế của các cơ chế đa phương truyền thống, Mỹ đang có sự chuyển dịch trong mô hình ngoại giao đa phương của mình. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump (2017-2021) và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, các cơ chế hợp tác theo hướng các “bộ ba” dường như trở thành phương thức hợp tác đa phương “kiểu mới" chủ đạo của Mỹ.

Theo đó, Mỹ đang theo đuổi các cơ chế theo hướng “tiểu đa phương” tập trung vào các vấn đề cụ thể với một số quốc gia cụ thể. Mô hình này được xem là sự bổ sung đối với mô hình đa phương truyền thống và được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ đối phó hiệu quả hơn với các thách thức trong khu vực.

Một số cơ chế “tiểu đa phương” tiêu biểu có thể đề cập như Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ. Mỹ cũng xúc tiến các cơ chế đối thoại với các đồng minh của mình nhằm thảo luận một số vấn đề mà các bên cùng chia sẻ theo hướng các “bộ ba”, như Thỏa thuận An ninh ba bên (AUKUS) gồm Mỹ, Anh và Úc, Đối thoại Chiến lược ba bên Mỹ - Úc- Nhật, thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn Quốc và gần đây nhất là Mỹ - Nhật - Philippines.

Thích ứng mới trong bối cảnh mới

Mô hình hợp tác “tiểu đa phương” được xem là một công cụ mới nhằm giúp Mỹ “tập hợp lực lượng” hiệu quả hơn so với mô hình đa phương truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Khác với mô hình đa phương truyền thống, mô hình tiểu đa phương chỉ gồm một số lượng nhỏ các quốc gia có cùng “chí hướng”, tập trung theo cơ chế mang tính chất “phi thể chế” nhằm giải quyết một số vấn đề cụ thể. Cơ chế tiểu đa phương được xem là mô hình thay thế cho các mô hình đa phương truyền thống vốn đã trở nên kém hiệu quả và “lỗi thời”.

Bên cạnh đó, với tính phi chính thức, các cơ chế tiểu đa phương trở nên linh hoạt, tiết kiệm và không bị ràng buộc về mặt thể chế, qua đó giúp cho tiến trình ra quyết định diễn ra nhanh hơn, do càng ít quốc gia thì sẽ ít cạnh tranh về mặt lợi ích – hạn chế mà các thể chế đa phương lớn đang gặp phải.

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines hôm 11-4 tại Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 11-4. Ảnh: PCO

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines hôm 11-4 tại Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 11-4. Ảnh: PCO

Tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các lợi ích của mô hình tiểu đa phương này mang đến những lợi thế nhất định cho chiến lược của Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng trong khu vực, các cơ chế tiểu đa phương sẽ giúp Mỹ có “một sức dẻo dai” và “linh hoạt hơn” trong việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Thứ nhất, các nhóm "tiểu đa phương" không bị ràng buộc bởi tính thể chế, cùng quy mô hoạt động nhỏ, có thể phản ứng rất linh hoạt và nhanh chóng. Điều này giúp giải quyết vấn đề quy mô cồng kềnh và chương trình nghị sự lan man, thiếu trọng tâm của các cơ chế đa phương truyền thống. Với các cơ chế "tiểu đa phương", Mỹ có thể đối phó hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn với các thách thức cụ thể trong khu vực.

Thứ hai, các cơ chế tiểu đa phương giúp Mỹ tập hợp các quốc gia “cùng chí hướng”, cùng chia sẻ lợi ích và đối phó với các vấn đề chung. Điều này có tránh được sự chi phối bởi những cạnh tranh về mặt lợi ích với Trung Quốc trong các thể chế đa phương lớn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Thứ ba, các cơ chế tiểu đa phương giúp củng cố thêm mạng lưới đồng minh hiệp ước trong khu vực của Mỹ. Thông qua các cơ chế này, Mỹ cũng có thể thúc đẩy hơn nữa các quan hệ song phương với các đồng minh và kết hợp sức mạnh răn đe tổng hợp. Trường hợp của thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc là một điển hình.

Thứ tư, các cơ chế này sẽ giúp Mỹ thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác bên ngoài hệ thống đồng minh của mình hơn. Các cơ chế tiểu đa phương có thể linh hoạt trong chương trình nghị sự và không có ràng buộc về mặt thể chế.

Theo đó, các quốc gia trong khu vực đang cố gắng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể cân nhắc tham gia hơn nếu nhận thấy chương trình nghị sự của nhóm tiểu đa phương mang lại lợi ích và không bao gồm vấn đề nhạy cảm.

Ví dụ như sự hiện diện của Ấn Độ trong khối QUAD. Mô hình phi chính thức của QUAD cùng các chương trình nghị sự cụ thể giúp New Delhi có thể hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, đồng thời cũng không khiến nước này phải từ bỏ chính sách ngoại giao không liên kết truyền thống của mình.

Thách thức vẫn còn đó

Mặc dù mang lại rất nhiều hứa hẹn đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực, các cơ chế "tiểu đa phương" cũng vấp phải nhiều khó khăn. Chính vì tính phi chính thức, sự tồn tại của các cơ chế này hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các quốc gia thành viên. Một ví dụ dễ thấy nhất, các mô hình tiểu đa phương của Mỹ trong khu vực diễn ra mạnh mẽ nhất dưới thời Tổng thống Joe Biden, vốn luôn ưu tiên và thúc đẩy hợp tác với các đồng minh trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu cựu Tổng thống Trump - người vốn hoài nghi với các nỗ lực hợp tác đa phương và các đồng minh của Mỹ - tái cử và quay trở lại Nhà Trắng, sự tồn tại của các cơ chế này là một dấu hỏi rất lớn.

Mặt khác, nhiều quốc gia lo lắng các thể chế này thiếu tính chính danh và lòng tin, hoặc bị cho là có ý đồ chính trị và dễ bị thao túng. Điều này được thể hiện qua sự quan ngại của Indonesia và Malaysia đối với AUKUS, khi cho rằng thỏa thuận này có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang, và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Vì vậy, trong tương lai, Mỹ có thể sẽ nỗ lực rất nhiều nhằm duy trì và phát triển các cơ chế tiểu đa phương để đảm bảo chúng có thể mang lại và duy trì lợi ích của nước này trong khu vực, nhất là trong bối cảnh an ninh khu vực đang vô cùng biến động.

Trên hết, Washington cần phải trấn an các đối tác trong khu vực về mục đích của các hợp tác tiểu đa phương mà nước này đang thúc đẩy.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thống Marcos nhận xét về tác động của việc hợp tác Mỹ-Nhật-Philippines tới khu vực, trong khi tìm cách trấn an Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BẢO LONG - QUỐC ANH (Nhóm Nghiên cứu Khoa QHQT, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM) ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN