Kinh tế Ukraine thiệt hại nặng sau 7 tháng chiến sự

Xung đột với Nga đang đặt áp lực rất lớn lên nền kinh tế Ukraine vốn đã gặp nhiều vấn đề từ trước khi chiến tranh xảy ra.

Ngày 28-9, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cập nhật báo cáo mới nhất về sự suy giảm của nền kinh tế Ukraine trước tình hình chiến sự leo thang trong xung đột với Nga. Quy mô kinh tế Ukraine bị cảnh báo sẽ giảm 30% trong năm nay.

Thiệt hại nặng nề

Báo cáo của EBRD đánh giá nền kinh tế Ukraine đang bị xung đột đẩy vào một giai đoạn không xác định. Dù các hoạt động quân sự trong những tháng gần đây đã trở nên cục bộ hơn, chỉ diễn ra ở khu vực trọng điểm chiếm khoảng 20% GDP kinh tế Ukraine, song sự tàn phá với thị trường vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất vẫn rất lớn.

Binh sĩ Ukraine tiến hành thu dụng xe cơ giới của Nga tại tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 20-9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Binh sĩ Ukraine tiến hành thu dụng xe cơ giới của Nga tại tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 20-9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Khoảng 15% dân số Ukraine đã rời khỏi đất nước từ giữa tháng 8, trong khi 15% khác phải liên tục di tản qua các vùng khác nhau trong nước theo tình hình chiến sự. Hoạt động kinh tế bị gián đoạn nghiêm trọng, ngay cả ở những vùng không có giao tranh, do tắc nghẽn nguồn cung, thách thức về hậu cần, khó khăn tài chính và thiếu lao động thích hợp.

Việc Nga phong tỏa các cảng, cản trở xuất khẩu nông sản và việc nhiều cơ sở sản xuất thép ở phía đông Ukraine bị hư hại do chiến sự đã làm suy giảm hai mặt hàng xuất khẩu chính này của Ukraine - vốn chiếm gần một nửa tổng doanh thu xuất khẩu trước chiến tranh.

GDP Ukraine trong quý I-2022 giảm 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm 37,2% trong quý II khi các cuộc giao tranh bị đẩy lên tình trạng khốc liệt nhất. Lạm phát tăng lên 23,8% vào tháng 8 (so với tháng 8-2021) do nguồn cung bị gián đoạn và thâm hụt tài khóa tăng vọt.

Chính quyền Ukraine hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cân bằng giữa phục hồi với các nhu cầu trước mắt của đất nước, bao gồm các dịch vụ công cốt lõi như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, vốn rất quan trọng để ngăn chặn sự suy giảm thêm về điều kiện sống và tình trạng nghèo đói ở Ukraine. Chúng tôi sẽ giúp Kiev xác định các ưu tiên phục hồi trong khi chúng tôi tiếp tục hỗ trợ việc tiếp tục các dịch vụ cốt lõi thiết yếu.

Ông ARUP BANERJI, Giám đốc quốc gia khu vực Đông Âu của Ngân hàng Thế giới

Bên cạnh đó, việc Ukraine đang phải phụ thuộc nhiều vào tài trợ tiền tệ do thâm hụt tài chính và trượt giá đồng hryvnia đáng kể đã làm cạn 20% dự trữ ngoại hối tính đến tháng 7, dù Ukraine đã và đang thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn. Điều đó đã thúc đẩy Ngân hàng trung ương Ukraine tăng lãi suất từ 10% lên 25% vào tháng 6 và hạ tỉ giá hối đoái của đồng hryvnia so với đồng USD thêm 20% vào tháng 7.

Tình hình lúc này theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là đang có dấu hiệu cải thiện, một phần là nhờ dòng viện trợ từ phương Tây đổ vào nhiều hơn trong tháng 8 và tháng 9. Do đó, dự trữ ngoại hối đã bù đắp được một nửa khoản lỗ vào cuối tháng 8. Việc nối lại các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ một số cảng gần đây cũng có thể là những yếu tố tích cực cho hoạt động kinh tế Ukraine trong thời gian còn lại của năm 2022. Tuy nhiên, ECB cho rằng rủi ro kinh tế vẫn còn rất cao, tùy thuộc vào thời gian và cường độ của cuộc xung đột.

Sẽ cần bao nhiêu tiền để tái thiết Ukraine?

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) được chính quyền Ukraine và Ủy ban châu Âu công bố mới đây, việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã gây thiệt hại trực tiếp ước tính hơn 97 tỉ USD cho Ukraine và sẽ cần tới 350 tỉ USD để tái thiết. Con số này tương đương khoảng 1,6 lần GDP 200 tỉ USD của nước này vào năm ngoái. Việc 1/3 dân số Ukraine phải liên tục di tản do chiến sự cũng sẽ làm tăng tỉ lệ nghèo đói của nước này lên 21%, so với mức 2% trước chiến tranh.

Trong 350 tỉ USD ước tính cần để tái thiết, Ukraine sẽ cần 105 tỉ USD ưu tiên giải quyết các hạng mục cấp bách, như xây dựng lại hàng ngàn trường học và hơn 500 bệnh viện bị hư hại hoặc bị phá hủy. Ukraine cũng phải gấp rút sửa chữa nhà cửa, khôi phục hệ thống sưởi và mua khí đốt để người dân đối phó với mùa đông.

Báo cáo của WB lưu ý những con số nêu trên có thể sẽ tăng lên nếu chiến sự kéo dài. Ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết Kiev cần cam kết từ các nước tài trợ rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp 5 tỉ USD mỗi tháng cho tới năm sau.

Giám đốc quốc gia khu vực Đông Âu của WB Arup Banerji đồng ý với nhận định Ukraine sẽ cần bên ngoài giúp đỡ cho đến năm 2023. Theo ông, tốc độ tái thiết phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của cuộc chiến và khả năng của Ukraine trong việc tận dụng nguồn viện trợ nước ngoài.

Kinh tế Nga cũng gặp khó khăn

Cuối tháng 8, tờ The Conversation dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov rằng tỉ lệ lạm phát của Nga trong năm 2022 sẽ ở mức 12%-13%.

Nguyên nhân dẫn tới lạm phát ở Nga là do nhập khẩu và mức sản xuất thấp dẫn đến thiếu hàng hóa. Cụ thể, doanh số bán ô tô hồi tháng 3-2022 thấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2021; đồng thời trong tháng 9, lượng ô tô sản xuất ở Nga đã giảm 3/4 so với cùng kỳ năm 2021. Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot tuyên bố nhiều máy bay ngừng hoạt động do thiếu linh kiện. Những hiện tượng trên cho thấy lệnh trừng phạt khiến kinh tế Nga rơi vào khó khăn.

Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov nói tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm nay sẽ giảm 2,9%, dù trước đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo con số này tới 6%, theo hãng thông tấn Interfax.

Nguồn: [Link nguồn]

Nền kinh tế Ukraine tê liệt sau 6 tháng xung đột, Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề

Đã có những hậu quả nặng nề xảy ra với nền kinh tế Ukraine bởi cuộc xung đột với Nga và sẽ rất khó để khắc phục trong tương lai gần. Về phía Nga, kinh tế nước này cũng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩ cường ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN