"Hà mã cocaine" của trùm ma túy gây họa: Chính phủ Colombia từng cố giết sạch không xong

Trong khi đàn “hà mã cocaine” của Pablo Escobar – trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới – không ngừng sinh sản và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, giới chức Colombia vẫn đang phân vân giữa việc nên giết sạch hay thiến chúng, CNN đưa tin.

Ảnh chụp 2 con “hà mã cocaine” của trùm ma túy Pablo Escobar (ảnh: CNN)

Ảnh chụp 2 con “hà mã cocaine” của trùm ma túy Pablo Escobar (ảnh: CNN)

Quay trở lại những năm 1980, Escobar đã nhập khẩu trái phép vào Colombia một con hà mã đực và 3 con hà mã cái. Sau khi trùm ma túy được mệnh danh “vua cocaine" của Colombia chết, các động vật trong sở thú tư nhân của hắn được chuyển đi.

Tuy nhiên, riêng đám hà mã bị bỏ lại và trốn thoát ra môi trường tự nhiên. Nguyên nhân có thể là do chúng quá to lớn, khó bắt giữ và vận chuyển.

Đám hà mã sau đó được truyền thông Colombia gọi là “hà mã cocaine” do gắn liền với tên tuổi của trùm ma túy.

Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Mexico và Colombia, đàn “hà mã cocaine” của Escobar đang sinh sản thành công một cách “ngoạn mục”.

Có khoảng 80 – 100 con “hà mã cocaine” sống trong phạm vi 250 km vuông dọc sông Magdalena, thành phố Medellin và gây ô nhiễm nguồn nước bởi phân, nước tiểu của chúng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phải tiêu diệt toàn bộ đàn hã mã ngoại lai để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học khác lại kêu gọi chính phủ có biện pháp xử lý nhân đạo hơn – thiến sinh học.

Năm 2010, chính phủ Colombia đã quyết định bắn chết toàn bộ đàn “hà mã cocaine”. Tuy nhiên, quyết định sau đó bị thu hồi vì vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt của dân địa phương.

Nhiều người dân Medellin cho rằng, đàn hà mã đem lại may mắn và là “linh vật thành phố”. Nhiều cửa hàng lưu niệm ở Medellin còn làm thú nhồi bông, móc chìa khóa hà mã, áo phông in hình hà mã để bán cho khách du lịch.

Vì ở Colombia không có hà mã bản địa nên nhiều người muốn tới Medellin du lịch để xem hà mã của trùm ma túy khét tiếng một thời.

Không thể giải quyết vấn nạn hà mã bằng súng, Colombia quyết định bắt từng con hà mã để triệt sản. Tuy nhiên, phương pháp này tỏ ra kém hiệu quả.

Từ năm 2011 – 2019, giới chức chỉ bắt được 4 con hà mã đực và 2 con hà mã cái. Chúng đều bị triệt sản, nhưng số lượng hà mã vẫn không ngừng tăng lên.

Chỉ vài năm nữa, đàn “hà mã cocaine” sẽ tăng số lượng lên 400 – 500 con, theo chuyên gia (ảnh: CNN)

Chỉ vài năm nữa, đàn “hà mã cocaine” sẽ tăng số lượng lên 400 – 500 con, theo chuyên gia (ảnh: CNN)

Các nhà khoa học cảnh báo, hà mã sẽ “phủ khắp” Colombia nếu không có biện pháp mạnh tay được thực hiện.

Nghiên cứu cho thấy nhiều loài cá trên sông Magdalena có nguy cơ bị tuyệt chủng do chất thải từ hà mã. Con người cũng có thể gặp nguy hiểm do hà mã tấn công. Phân của chúng còn chứa vi khuẩn gây hại.

Một số người dân Medellin giờ tỏ ra hối hận vì trước đây từng ngăn chính phủ tiêu diệt đàn hà mã. Sinh kế và an ninh của thành phố đang bị ảnh hưởng khi “hà mã cocaine” tỏ ra ngày càng hung hăng và phá phách mùa màng.

Tháng 5.2020, một người đàn ông 45 tuổi ở Medellin bị thương nặng do hà mã tấn công.

“Giết hà mã là lựa chọn dễ dàng nhưng điều đó có thể ảnh hưởng đến số lượng của một loài đang bị đe dọa ở châu Phi. Thiến số lượng lớn là giải pháp tốt hơn cả. Chúng ta cần làm nhanh. Vài năm nữa sẽ có 400 – 500 con hà mã xuất hiện. Môi trường địa phương sẽ hoàn toàn bị biến đổi”, Enrique Zerda – chuyên gia tại Đại học Quốc gia Colombia – nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới chết hơn 30 năm vẫn gây họa bằng ”hà mã cocaine”

Pablo Escobar – kẻ được mệnh danh là “vua cocaine” của Colombia và "trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới" – đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN