"Gã khổng lồ vũ khí” tiết lộ hệ thống phòng không Mỹ sẽ lắp đặt ở Ukraine

Greg Hayes – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn vũ khí Raytheon – cho hay, tập đoàn đã chuyển 2 hệ thống phòng không NASAMS cho chính phủ Mỹ và chúng sẽ sớm được lắp đặt ở Ukraine.

Tập đoàn vũ khí Raytheon có thế mạnh về sản xuất tên lửa và vũ khí phòng không (ảnh: Reuters)

Tập đoàn vũ khí Raytheon có thế mạnh về sản xuất tên lửa và vũ khí phòng không (ảnh: Reuters)

“Chúng tôi bàn giao 2 hệ thống NASAMS cho chính phủ Mỹ cách đây vài tuần. Chúng sẽ được lắp đặt sớm ở Ukraine”, ông Greg Hayes tiết lộ trong cuộc phỏng vấn hôm 25/10.

NASAMS là viết tắt của Tổ hợp Phòng không Tiên tiến do Tập đoàn Raytheon phối hợp cùng công ty quốc phòng Kongsberg (Na Uy) phát triển.

Theo ông Greg Hayes, hệ thống phòng không tầm gần NASAMS sử dụng tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM và có thể bắn hạ mọi thứ, từ máy bay không người lái đến tên lửa đạn đạo, tiêm kích.

Giới chức Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Hôm 17/10, bà Sabrina Singh, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho hay, Mỹ đang có kế hoạch gửi 8 hệ thống NASAMS cho Ukraine.

“Chúng tôi có 2 hệ thống NASAMS được chuyển giao cho Ukraine trong tương lai gần”, bà Singh nói, không tiết lộ thời điểm cụ thể.

Bà Singh cho biết, ngoài 2 hệ thống trên, Mỹ “đang làm việc để gửi thêm 6 hệ thống NASAMS khác tới Ukraine”.

Theo CNBC, tên lửa AIM-120 AMRAAM mà hệ thống NASAMS sử dụng có tầm xa 25 – 30km với độ chính xác cao. Hệ thống này được đánh giá là hiện đại hơn đáng kể so với các loại tên lửa vác vai như Stinger mà Mỹ gửi cho Ukraine hồi đầu tháng 3. NASAMS được coi là sự bổ sung đáng kể trong bối cảnh Ukraine đã mất ít nhất hàng chục bệ phóng tên lửa S-300 trong xung đột với Nga.

Hệ thống phòng không NASAMS (ảnh: CNBC)

Hệ thống phòng không NASAMS (ảnh: CNBC)

Trong bài phát biểu hôm 25/10, ông Greg Hayes cho biết, doanh thu quý 3 năm nay của Raytheon đã tăng 5% (tương đương hàng tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh an ninh châu Âu trở nên bất ổn do xung đột ở Ukraine.

“Chúng tôi ghi nhận nhu cầu mua các hệ thống phòng không tiên tiến tăng đáng kể trên toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực Đông Âu”, ông Hayes nói.

Ông Hayes tiết lộ, Raytheon nhận được nhiều hợp đồng mua tên lửa, vũ khí phòng không từ chính phủ Mỹ nhằm viện trợ cho Ukraine. Các nước châu Âu cũng tăng cường mua vũ khí từ Raytheon.

Raytheon là tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Mỹ với trụ sở chính đặt tại thành phố Waltham (bang Massachusetts). Raytheon là một trong số những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và sản xuất vũ khí.

Các sản phẩm vũ khí tiêu biểu của Raytheon bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và TOW, tên lửa Stinger, hệ thống tên lửa hành trình siêu âm HACM, tên lửa Tomahawk, hệ thống tên lửa phòng không NASAMS.

Theo Reuters, từ ngày 24/2, Mỹ đang cung cấp cho Ukraine hơn 17 tỷ USD viện trợ quân sự. Mỹ là nước dẫn đầu phương Tây trong viện trợ Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ: Nga thông báo tập trận hạt nhân

Quân đội Mỹ cho biết, họ đã nhận được thông báo từ phía Nga về kế hoạch tập trận thường niên của lực lượng hạt nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – CNBC ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN