Diễn biến đáng ngại vụ Nhật xả nước thải phóng xạ

Căng thẳng quanh vụ Nhật xả nước thải phóng xạ từ Nhà máy hạt nhân Fukushima vẫn chưa dừng lại, với hàng loạt động thái đáng ngại từ nhiều nước.

Căng thẳng bắt đầu từ tuần trước giữa Nhật và các nước láng giềng Trung Quốc (TQ), Hàn Quốc, Triều Tiên liên quan việc công ty điện lực Tokyo (TEPCO - Nhật) xả nước dùng để làm mát các lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.

Nhiều nước phản ứng mạnh

Ngay sau khi có thông tin Nhật xả nước thải phóng xạ ngày 24-8, TQ tuyên bố “hành động cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm” của Nhật đặt thế giới vào rủi ro, kêu gọi Nhật “chấm dứt hành vi sai trái” và hủy bỏ kế hoạch xả thải, đồng thời cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ Nhật.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Hiroyuki Namazu, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật, ngày 27-8 rằng liên tục nhiều ngày nay các doanh nghiệp và tập đoàn Nhật ở cả Nhật lẫn TQ nhận hàng loạt cuộc gọi từ người nói tiếng TQ vặn hỏi về chuyện này. Tần suất nhận cuộc gọi dày đến nỗi hoạt động các doanh nghiệp Nhật bị ảnh hưởng.

Hình ảnh nhìn từ trên không cho thấy các bể chứa nước thải phóng xạ đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Fukushima (miền Bắc nước Nhật) vào ngày 24-8.Ảnh: KYODO NEWS/AP

Hình ảnh nhìn từ trên không cho thấy các bể chứa nước thải phóng xạ đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Fukushima (miền Bắc nước Nhật) vào ngày 24-8.Ảnh: KYODO NEWS/AP

Reuters dẫn lời Chánh Văn phòng nội các Nhật Hirokazu Matsuno ngày 28-8 cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Masataka Okano đã triệu tập Đại sứ TQ tại Tokyo Ngô Giang Hạo. Văn phòng đại sứ TQ nói không biết việc các doanh nghiệp Nhật bị làm phiền nhưng có chuyện Đại sứ quán TQ bị gọi điện thoại quấy rối.

Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh kêu gọi công dân tại TQ hạn chế nói to bằng tiếng Nhật, khuyến cáo công dân “chú ý đến khu vực xung quanh đại sứ quán” nếu có kế hoạch đến trụ sở này. Nhật kêu gọi Bắc Kinh có biện pháp “đảm bảo an toàn cho người dân Nhật ở TQ”.

Tại Hong Kong cũng diễn ra tuần hành phản đối hành động của Nhật. Lãnh sự quán Nhật tại đặc khu này cũng cảnh báo công dân cẩn thận.

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đánh giá không thấy vấn đề gì về các khía cạnh khoa học và kỹ thuật của việc xả nước thải phóng xạ. Thậm chí ngày 28-8, Tổng thống Yoon Suk-yeol có buổi làm việc, ăn trưa cùng Thủ tướng Han Duck-soo mà thực đơn là hải sản. Ngày 27-8, Bộ Đại dương Hàn Quốc thông báo đã xét nghiệm phóng xạ nước ở vùng biển gần Hàn Quốc và cho kết quả an toàn để sinh hoạt, tuy nhiên vẫn tăng cường hệ thống quản lý phóng xạ với hải sản.

Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng tất cả tác động có thể xảy ra vẫn chưa được nghiên cứu. Từ ngày 25-8 hàng chục ngàn người biểu tình ở Seoul yêu cầu chính phủ có bước đi tránh nguy cơ từ việc Nhật xả nước thải phóng xạ. Cảnh sát bắt 16 người tìm cách vào Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Đại sứ quán Nhật tại Seoul khuyến cáo công dân “cư xử thận trọng” và tránh “những rắc rối không cần thiết”.

Triều Tiên ngày 24-8 chỉ trích hành động của Nhật gây nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng an ninh và tương lai nhân loại, yêu cầu Tokyo ngừng xả thải, theo hãng thông tấn KCNA.

Một số nước khác như Malaysia, Nga giám sát chặt việc nhập khẩu thực phẩm có nguy cơ cao từ Nhật. Interfax cho biết Nga thắt chặt kiểm soát phóng xạ đối với hải sản đánh bắt ở vùng biển của Nga, tương đối gần với Fukushima, sẽ kiểm tra các mẫu được chọn để xác định mức độ phóng xạ.

Để ngăn chặn những tác động xấu đến danh tiếng, chúng tôi kiên quyết duy trì hoạt động giám sát với mức độ khách quan, minh bạch và độ tin cậy cao.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật AKIHIRO NISHIMURA

Nhật hy vọng dữ liệu minh bạch sẽ thuyết phục các nước

TEPCO có kế hoạch sẽ xả dần trong nhiều thập niên lượng nước khoảng 1,3 triệu tấn, tương đương 500 bể bơi cỡ Olympic, vốn được dùng để làm mát ba lò phản ứng của Fukushima bị hư hỏng sau thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3-2011.

Các chất phóng xạ trong nước đã được xử lý bằng quy trình tinh chế có tên hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến, loại bỏ 62 hạt nhân phóng xạ đến mức phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, ngoại trừ tritium. Nước này được pha loãng thêm với nước biển nhằm đảm bảo mức tritium đạt 1/40 tiêu chuẩn của chính phủ trước khi thải ra ngoài. Việc xả nước thải là một bước quan trọng trong quá trình ngừng hoạt động nhà máy vốn được đánh giá là lâu dài và khó khăn.

Việc xả nước thải này đã nhận được sự chấp thuận của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào tháng 7. IAEA khẳng định tác động đối với con người và môi trường là “không đáng kể”.

Chưa biết vụ việc sẽ được giải quyết thế nào, khi trước sự phản ứng của các nước thì hiện Nhật vẫn khẳng định rằng hoạt động xả thải là an toàn.

Japan Times ngày 27-8 dẫn thông báo Bộ Môi trường Nhật rằng các mẫu được lấy vào sáng 25-8 tại tất cả 11 điểm được khảo sát trong phạm vi khoảng 40 km quanh Nhà máy Fukushima đều nằm dưới giới hạn, thấp hơn 7-8 becquerels (Bq) mỗi lít và “sẽ không có tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường”. Công tác kiểm tra nước sẽ được duy trì hằng tuần.

Trong ngày 27-8, tỉnh Fukushima công bố nồng độ tritium nằm dưới giới hạn 3,7-4,1 Bq/lít tại tất cả chín địa điểm giám sát mà tỉnh này đã thử nghiệm trong phạm vi 5 km tính từ Nhà máy Fukushima.

Một ngày trước, cơ quan thủy sản Nhật cho biết các cuộc kiểm tra cá ở vùng nước xung quanh Nhà máy Fukushima không phát hiện ra tritium. Ngày 25-8, TEPCO - nhà điều hành nhà máy cho biết các cuộc thử nghiệm ở vùng nước gần đó có hàm lượng tritium dưới 10 Bq/lít, dưới mức giới hạn tự áp đặt là 700 Bq.

Nhật hy vọng việc nước này công bố dữ liệu một cách minh bạch sẽ bác bỏ lo ngại của các nước. Phía Nhật yêu cầu TQ “hành động dựa trên bằng chứng khoa học”, ngay lập tức dỡ bỏ lệnh cấm đối với sản phẩm hải sản của Nhật, theo Japan Times. Theo cơ quan thủy sản Nhật, năm ngoái, 22,5% xuất khẩu thủy sản của Nhật có điểm đến là TQ đại lục, tiếp theo là Hong Kong với 19,5%. Dữ liệu của chính phủ Nhật cho thấy xuất khẩu thủy sản của Nhật sang TQ đạt khoảng 160 tỉ yen (1 tỉ USD) vào năm 2022, chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu.

Quan hệ Trung - Nhật bị ảnh hưởng

Japan Times đánh giá quan hệ ngoại giao Trung - Nhật dường như cũng bị ảnh hưởng sau vụ Nhật xả nước thải phóng xạ Nhà máy Fukushima. Ngày 26-8, đảng Komeito trong liên minh cầm quyền cho biết lãnh đạo đảng là ông Matsuo Yamaguchi sẽ hoãn chuyến thăm dự kiến tới TQ, theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Ông Yamaguchi đã lên kế hoạch thăm TQ từ ngày 28 đến 30-8 và dự kiến sẽ chuyển một lá thư cá nhân của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tới Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Tuy nhiên, phía TQ hôm 26-8 đã thông báo với Komeito rằng “thời điểm này không phù hợp, xét đến tình hình hiện tại của quan hệ Nhật - Trung”.

Komeito từ lâu duy trì mối quan hệ tốt đẹp với TQ và đóng vai trò then chốt trong quan hệ Trung - Nhật trong gần 50 năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Nhật lên tiếng vụ xả nước thải phóng xạ Fukushima

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida bày tỏ sự đáng tiếc về việc nhiều trường học của Nhật và đại sứ quán Nhật tại Trung Quốc bị ném đá, sau khi Nhật xả nước thải phóng xạ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN