Căng thẳng tăng vụ Nhật xả nước thải phóng xạ ra biển

Nhật cho biết có nhiều cuộc gọi quấy rối, được cho là từ Trung Quốc, đến Bộ Ngoại giao Nhật và nhiều doanh nghiệp nước này sau khi Tokyo xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.

Ngày 27-8, Nhật cho biết đã nhận được hàng loạt cuộc gọi đến Bộ Ngoại giao Nhật và nhiều doanh nghiệp nước này để phàn nàn về việc Tokyo xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương, theo hãng tin Reuters.

Các doanh nghiệp Nhật nói rằng từ ngày 24-8 (ngày Nhật bắt đầu xả thải), họ đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ những người nói tiếng TQ đến mức gây khó khăn cho “các hoạt động bình thường của doanh nghiệp”.

Bộ Ngoại giao Nhật ngày 27-8 cho biết đã liên hệ với Đại sứ quán TQ ở Tokyo về vấn đề này.

“Chúng tôi đặc biệt kêu gọi chính phủ TQ thực hiện các biện pháp thích hợp, như kêu gọi công dân bình tĩnh và thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo an toàn cho người Nhật và các cơ quan ngoại giao Nhật tại TQ” - theo ông Namazu Hiroyuki, vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật.

Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tỉnh Fukushima (Nhật) ngày 25-8, một ngày sau khi Nhật bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương. Ảnh: REUTERS

Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tỉnh Fukushima (Nhật) ngày 25-8, một ngày sau khi Nhật bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương. Ảnh: REUTERS

Đại sứ quán Nhật tại thủ đô Bắc Kinh (TQ) cũng kêu gọi công dân Nhật ở Bắc Kinh hạn chế nói to bằng tiếng Nhật.

Bên cạnh TQ, những nước trong khu vực như Hàn Quốc và Triều Tiên cũng phản ứng về hành vi xả thải của Nhật.

Kể từ ngày 24-8, nhiều người dân Hàn Quốc đã biểu tình phản đối hành động của phía Nhật, theo hãng tin Yonhap.

Ngày 27-8, Bộ Đại dương Hàn Quốc đã xét nghiệm phóng xạ nước ở vùng biển gần Hàn Quốc và cho kết quả an toàn để sinh hoạt. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc vẫn tăng cường hệ thống quản lý phóng xạ đối với hải sản.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 24-8 đã chỉ trích hành động trên của Nhật, cho rằng nó gây nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng an ninh và tương lai nhân loại và yêu cầu Tokyo ngừng xả thải, theo hãng thông tấn KCNA.

Đáp lại, Bộ Môi trường Nhật ngày 27-8 cho biết các cuộc kiểm tra nước biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima không phát hiện bất kỳ chất phóng xạ nào.

Nhật cho rằng nước mà họ thải ra Thái Bình Dương an toàn vì đã được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ tritium (một đồng vị phóng xạ của hydro). Vì tritium khó tách nước nên nước từ Fukushima đã được pha loãng cho đến khi nồng độ tritium giảm xuống dưới mức quy định.

Theo Bộ Môi trường Nhật, các cuộc kiểm tra mẫu từ 11 điểm gần nhà máy Fukushima cho thấy nồng độ tritium tại toàn bộ địa điểm đều thấp hơn 10 becquerel/lít nên “sẽ không có tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giới hạn nồng độ tritium với nước uống là 10.000 becquerel.

Bộ trưởng Môi trường Nhật Akihiro Nishimura nói rằng việc giám sát được thực hiện “với mức độ khách quan, minh bạch và độ tin cậy cao” để ngăn chặn những tác động tiêu cực đến danh tiếng của Nhật.

Một quan chức cho biết Bộ này sẽ công bố kết quả xét nghiệm hàng tuần trong ít nhất 3 tháng tới.

Cơ quan thủy sản Nhật tuyên bố các cuộc kiểm tra cá ở gần nhà máy không cho thấy bất kỳ điều gì bất thường. Theo bộ này, cuộc kiểm tra hôm 26-7 không phát hiện tritium trong cá.

Nhật dự kiến xả tổng cộng 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ ra biển. Việc giải phóng 7.800 m3 nước đầu tiên mất khoảng 17 ngày. Ước tính sẽ mất khoảng 30 năm để giải phóng hết lượng nước thải.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhật Bản khuyên công dân ở Trung Quốc ‘nói khẽ’ sau khi xả nước nhiễm xạ

Ngày 25/8, Nhật Bản khuyến cáo công dân của họ ở Trung Quốc sống lặng lẽ, kể cả nói nhỏ tiếng ở nơi công cộng, sau khi Bắc Kinh chỉ trích Tokyo xả nước phóng xạ đã qua...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN