Chuyện Israel bắn hạ 5 tiêm kích MiG chỉ trong 3 phút

Cách đây 48 năm, không quân Israel bắn hạ 5 tiêm kích MiG-21 của Liên Xô ngay trên bầu trời, tất cả chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 3 phút

Chuyện Israel bắn hạ 5 tiêm kích MiG chỉ trong 3 phút - 1

Chiến đấu cơ McDonnell Douglas F-4 Phantom II.

Theo National Interest, giống như kịch bản đối đầu Mỹ, Nga, Israel ở Syria ngày nay, câu chuyện xảy ra cách đây 48 năm cũng khá tương đồng.

Ai Cập khi đó là quốc gia đồng minh với Liên Xô. Sau khi thất bại trong cuộc chiến 6 ngày trước Israel năm 1967, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quyết định mở cuộc chiến tranh tiêu hao, không ngừng dùng pháo kích và đặc công tấn công các vị trí phòng thủ của Israel.

Israel biết mình không thể phát động chiến tranh quy mô lớn với liên minh các nước Ả Rập, nên cũng đáp trả bằng các loại vũ khí riêng. Đó là sự xuất hiện của các chiến đấu cơ F-4 do Mỹ sản xuất, không ngừng giáng đòn không kích vào các vị trí của Ai Cập.

Đáp trả hành động này, ông Nasser quyết định trang bị hàng loạt tên lửa phòng không (SAM) dọc theo kênh đào Suez. Các tổ hợp phòng không SA-2, SA-3 tạo ra mối đe dọa không nhỏ với các chiến đấu cơ Israel hoạt động trong khu vực.

Không chỉ dằn mặt Israel bằng tên lửa phòng không, Liên Xô tiếp tục hỗ trợ đồng minh bằng phi đội tiêm kích MiG-21 tuần tra trên bầu trời Ai Cập.

Ban đầu, cả Liên Xô và Israel đều tránh đụng độ nhau, giống như các chiến đấu cơ Mỹ tránh đụng độ Nga trên bầu trời Syria. Nhưng trong một đợt không kích của Israel, Liên Xô can thiệp, làm hư hại một chiếc A-4 Skyhawk bằng tên lửa không-đối-không vào ngày 25.7.1970.

Chuyện Israel bắn hạ 5 tiêm kích MiG chỉ trong 3 phút - 2

MiG-21 là một trong những mẫu tiêm kích nổi tiếng nhất trên thế giới.

Đó là lúc Israel cảm thấy cần phải có hành động trả đũa. Chiến dịch Rimon 20 được coi là một cái bẫy Israel nhằm vào Liên Xô.

“Chiến dịch này hết sức đơn giản”, nhà sử học Shlomo Aloni nói. “4 chiếc Mirage bay theo đội hình trinh sát tại nơi các tiêm kích MiG của Liên Xô thường hoạt động. Cứ hai chiếc bay sát với nhau giả vờ như đang tuần tra khu vực”.

Trong khi đó, các chiến đấu cơ Phantom và Mirage trang bị vũ khí sẽ bay ở tầm thấp từ bán đảo Sinai, né tránh radar Ai Cập và chờ cơ hội nếu các tiêm kích MiG của Liên Xô sập bẫy, khi đuổi theo những chiếc Mirage không mang vũ khí.

Vì tính chất nghiêm trọng của chiến dịch, các phi công lái chiến đấu cơ Phantom và Mirage đều được Israel lựa chọn theo hàng ngũ dày dạn kinh nghiệm nhất.

“Chúng tôi không hề sợ hãi, nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy ra, vì họ cũng có nhiều loại vũ khí hiện đại”, một phi công Israel tham gia chiến dịch nhớ lại. “Chúng tôi nhận lệnh rằng cần phải dạy cho người Nga một bài học”.

Và như vậy, trong buổi chiều ngày 30.7, các tiêm kích Liên Xô rơi vào bẫy. Từ nhiều sân bay ở Ai Cập, 24 chiếc MiG-21 cất cánh đuổi theo 4 chiếc Mirage của Israel, vốn đang giả vờ thực hiện nhiệm vụ trinh sát.

Chuyện Israel bắn hạ 5 tiêm kích MiG chỉ trong 3 phút - 3

Phi đội chiến đấu cơ Dassault Mirage III.

Chỉ chờ đến khi tiêm kích Liên Xô bay sát không phận Israel, 16 chiến đấu cơ Phantom và Mirage bất ngờ đánh úp. Chỉ trong vòng 3 phút. 5 chiếc MiG-21 bị bắn hạ. Hai chiếc bị bắn hạ bởi Phantom, hai chiếc bởi Mirage và chiếc còn lại trúng đạn từ cả hai.

Ít nhất một chiếc bị bắn hạ bởi tên lửa dẫn đường AIM-7 Sparrow ở “tầm rất thấp”. Cuộc truy đuổi kéo dài từ độ cao 4.500 mét cho đến chỉ 600 mét, trước khi tiêm kích MiG-21 bị bắn hạ bằng tên lửa AIM-99D Sidewinder.

Các phi công Israel khi đó không chỉ dày dạn kinh nghiệm, mà còn khá may mắn. Bởi một chiếc MiG-21 Liên Xô vòng ra sau đuôi chiếc Phantom và phóng tên lửa tầm nhiệt Atoll, nhưng tên lửa không phát nổ.

Sự kiện này giáng đòn mạnh mẽ vào liên minh Liên Xô-Ai Cập. Các phi công và cố vấn quân sự Liên Xô buộc phải rời khỏi quốc gia này vào năm 1972.

Nhưng Liên Xô cũng gỡ lại được phần nào khi các tổ hợp phòng không mà nước này cấp cho Ai Cập và Syria bắn hạ không ít chiến đấu cơ Israel ở kênh đào Suez vào năm 1973.

Ngày nay, Israel, Mỹ và Nga đang cố gắng né tránh xung đột trực tiếp ở Syria. Nhưng bài học năm 1970 vẫn còn đó, khi Mỹ đã chứng minh rằng nước này không ngần ngại không kích Syria, còn Israel đe dọa sẽ phá hủy các tổ hợp phòng không S-300.

Một khi bị tấn công, Israel chắc chắn sẽ đánh trả và đó là điều đã từng xảy ra trong quá khứ.

Israel dùng mỹ nhân bắt tiêm kích MiG-21 bay từ Iraq sang ”nộp mạng”

Vụ việc thành công của Israel được cho là giúp Không quân Mỹ tìm ra cách đối phó với tiêm kích MiG-21 trong những cuộc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN