Chuyên gia mổ xẻ lý do 4 tàu chiến 'Made in China' của Pakistan hoạt động kém hiệu quả

Hải quân Pakistan đang đối mặt nhiều vấn đề xảy ra với ít nhất 4 tàu hộ vệ đa nhiệm F-22P do Trung Quốc sản xuất. Những tàu này được phát hiện có nhiều lỗi nghiêm trọng làm giảm đáng kể khả năng hoạt động.

Theo phân tích gần đây của trang Geopolitica, Hải quân Pakistan đang đối mặt nhiều vấn đề xảy ra với ít nhất 4 tàu hộ vệ đa nhiệm do Trung Quốc sản xuất. Trước đó, một số báo cáo cho biết Pakistan đang gặp các vấn đề với tàu chiến hải quân và thậm chí là với máy bay chiến đấu JF-17 mà Islamabad đã mua của Trung Quốc.

4 tàu hộ vệ do Trung Quốc sản xuất đem lại ác mộng cho Hải quân Pakistan

“Ít nhất 4 tàu hộ vệ F-22P do Trung Quốc chế tạo, được hạ thủy tháng 7-2009, đang đem lại ác mộng cho các sĩ quan Hải quân Pakistan và những lực lượng có nhiệm vụ duy trì hoạt động của tàu này tại những vùng biển Ả Rập và Ấn Độ Dương nhiều thất thường” - nhà phân tích chính trị Di Valerio Fabbri viết trên Geopolitica.

Tàu hộ vệ F-22P Zulfiquar của Hải quân Pakistan thăm cảng Klang (Malaysia). Ảnh: WIKIPEDIA

Tàu hộ vệ F-22P Zulfiquar của Hải quân Pakistan thăm cảng Klang (Malaysia). Ảnh: WIKIPEDIA

Ông Fabbri cho biết 3 trong 4 tàu hộ vệ F-22P nói trên của Hải quân Pakistan được mua từ Công ty Thương mại Đóng tàu Trung Quốc, còn một chiếc được đóng tại nhà máy đóng tàu Karachi Shipyard and Engineering Works của Pakistan theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ ký với công ty Trung Quốc.

Năm 2005, Pakistan ký với Trung Quốc thỏa thuận trị giá 750 triệu USD để thiết kế và đóng 4 tàu hộ vệ đa nhiệm F-22P. Những tàu này được bàn giao từ tháng 9-2009 đến tháng 4-2013.

Các lỗi trên tàu hộ vệ do Trung Quốc sản xuất

Các khinh hạm F-22P nói trên có vai trò tăng cường khả năng phòng không cho các tàu hoạt động trên biển, ngăn chặn các lực lượng tác chiến mặt nước của đối phương, làm gián đoạn hậu cầu của đối phương, tuần tra, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)…

Sau khi đưa những tàu trên vào hoạt động, Hải quân Pakistan phát hiện ra thiết bị hình ảnh của hệ thống tên lửa FM90 (N) bị lỗi hiển thị. Hệ thống không thể khóa mục tiêu khiến tên lửa hoạt động kém hiệu quả, vì thế không thể thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.

Pháo 76 mm gắn trên tàu hộ vệ F-22P làm pháo chính. Ảnh: WIKIPEDIA

Pháo 76 mm gắn trên tàu hộ vệ F-22P làm pháo chính. Ảnh: WIKIPEDIA

Các tàu hộ vệ F22P được trang bị hệ thống cảm biến tia hồng ngoại (IR17) và radar SR 60 bị lỗi. Các radar tìm kiếm và theo dõi này bị phát hiện bị lỗi trong quá trình phát công suất lớn, làm giảm đáng kể khả năng hoạt động. Các cảm biến IR17 trên các tàu hộ vệ bị lỗi và phải bị loại bỏ, theo báo cáo.

Một vấn đề phổ biến khác xảy ra trên các tàu hộ vệ do Trung Quốc chế tạo là động cơ chính của tàu. Theo chuyên gia Fabbri, bốn tàu hộ vệ F-22P được trang bị động cơ diesel. Một lỗi nghiêm trọng ở động cơ là tốc độ động cơ thấp do nhiệt độ khí thải cao, đặc biệt là ở động cơ 3 và 4 trên tất cả tàu hộ vệ.

Cũng theo ông Fabbri, lớp lót và hộp trục khuỷu động cơ đã xuống cấp, điều này làm giảm chất lượng hóa chất làm mát trong tàu. Chất lượng dầu bôi trơn giảm và bộ rung hư hỏng cũng là một số lỗi khác trong động cơ.

Ngoài những lỗi phổ biến kể trên, ông Fabbri còn ghi nhận một số vấn đề cụ thể xảy ra ở từng tàu hộ vệ lớp Zulfiquar, chẳng hạn như hiệu suất kém của radar trên tàu PNS Aslat và lỗi ở pháo 76 mm của tàu PNS Zulfiqar.

Nhiều nước gặp vấn đề với thiết bị quân sự Trung Quốc

Đây không phải lần đầu tiên Pakistan gặp vấn đề với các thiết bị quốc phòng do Trung Quốc sản xuất.

Tháng 2, Lục quân Pakistan được cho gặp những vấn đề về chất lượng và độ tin cậy với xe tăng chiến đấu chủ chủ lực VT4 và pháo kéo hạng nặng 203 mm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các cuộc kiểm tra sau giao hàng và thử nghiệm bắn tại thao trường đã gặp một số vấn đề.

Máy bay không người lái CH-4B của Trung Quốc. Ảnh: THE NATIONAL INTEREST

Máy bay không người lái CH-4B của Trung Quốc. Ảnh: THE NATIONAL INTEREST

Ngoài Pakistan, một số khách hàng khác cũng đối mặt vấn đề tương tự với vũ khí mua từ Trung Quốc.

Chẳng hạn, Không quân Hoàng gia Jordan đã mua sáu máy bay chiến đấu không người lái CH-4B do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc ( CASC ) sản xuất. Tuy nhiên, sau đó Jordan quyết định thanh lý do không hài lòng với hiệu suất hoạt động của những máy bay này.

Một ví dụ khác là Không quân Bangladesh đã mua 23 máy bay huấn luyện cơ bản Nanchang PT-6 từ Tổng công ty xuất nhập khẩu hàng không quốc gia Trung Quốc (CATIC) nhưng những máy bay này đều bị lỗi.

Vũ khí Trung Quốc thua kém ở hai khía cạnh chính

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn đang bắt kịp các nhà cung cấp vũ khí lớn khác như Mỹ và Nga, những nước có công nghệ vượt trội. Tuy vậy, vũ khí của Trung Quốc không được thử nghiệm trong chiến đấu giống như vũ khí của Mỹ và Nga vốn được sử dụng trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới.

“Khí tài quân sự của Trung Quốc nhìn chung tụt hậu so với các nước Mỹ và Nga về động cơ, thiết bị điện tử và vật liệu composite” – GS. Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii (Mỹ) nhận định.

Xe tăng chiến đấu chủ lực VT4 do Trung Quốc sản xuất tại lễ duyệt binh của Pakistan. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Xe tăng chiến đấu chủ lực VT4 do Trung Quốc sản xuất tại lễ duyệt binh của Pakistan. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

“Các loại vũ khí do Trung Quốc chế tạo không chỉ kém về công nghệ mà còn chưa được thử nghiệm trên chiến trường, không như vũ khí của Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ cũng như vũ khí của Nga” – ông Vuving nói với trang The EurAsian Times.

“Vì hai lý do chính này – công nghệ và thử nghiệm thực chiến – các loại vũ khí do Trung Quốc chế tạo vẫn thua kém đáng kể so với vũ khí của Mỹ và Nga” – ông Vuving tiếp tục.

Khi được hỏi tại sao những nước như Pakistan và Bangladesh lại có xu hướng mua thiết bị quân sự của Trung Quốc bất chấp những vấn đề trên, GS Vuving nói rằng chất lượng của vũ khí chỉ là một phần trong quyết định mua.

Theo ông Vuving, đối với nhiều quốc gia trong Thế giới thứ 3, những cân nhắc quan trọng nhất của họ khi mua sắm vũ khí là giá cả và chính trị. Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí với giá rẻ.

“Việc mua vũ khí từ Trung Quốc cũng là một quyết định chính trị để duy trì mối quan hệ tốt với Bắc Kinh” – ông Vuving nói.

“Bên cạnh đó, nhiều quốc gia mua vũ khí không mong đợi sử dụng chúng trên chiến trường vì vậy những cân nhắc về chất lượng thường ít quan trọng hơn những cân nhắc về chính trị, tài chính và các vấn đề khác” – ông Vuving kết luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Chụp ảnh tàu chiến TQ gửi ra nước ngoài, thợ ảnh vướng vòng lao lý

Vụ án của người thợ ảnh được Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc liệt vào 4 trường hợp điển hình về tội gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN