Trung Quốc điều J-20 tuần tra Biển Đông: Thế giới thấy gì?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu J-20 tuần tra Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm "bảo vệ tốt hơn an ninh không phận và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc".

Ngày 13-4, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của họ, J-20, để tuần tra Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 16-4, tờ báo này trích lời các chuyên gia quân sự rằng việc triển khai nhằm mục đích "bảo vệ tốt hơn an ninh không phận và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc".

Ông Ren Yukun, đại diện nhà sản xuất J-20, cho biết Trung Quốc đã bắt đầu triển khai hoạt động tuần tra bằng những chiếc J-20 mới, được trang bị động cơ sản xuất trong nước.

Thông báo này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tướng Kenneth Wilsbach - Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ - cho biết các máy bay F-35 của Mỹ và máy bay J-20 của Trung Quốc chạm mặt nhau trên biển Hoa Đông.

Hai tiêm kích J-20 của Trung Quốc trình điên trong sự kiện Airshow China 2021. Ảnh: CNN

Hai tiêm kích J-20 của Trung Quốc trình điên trong sự kiện Airshow China 2021. Ảnh: CNN

Thông điệp cho các bên liên quan

Theo đài CNN, các chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh triển khai J-20 cho thấy hai điều: Trung Quốc ngày càng tự tin vào năng lực quân sự của mình và lời cảnh báo đối với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo ông Peter Layton - chuyên gia tại Viện Châu Á Griffith (Úc), với khoảng 200 chiếc J-20 đang được đưa vào phục vụ, Không quân Trung Quốc "hiện có trong biên chế thường xuyên một đội máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến sánh ngang Mỹ". Ông nói thêm rằng thông điệp của Trung Quốc với thế giới là: "Bất kỳ máy bay quân sự nước ngoài nào xâm nhập vào không phận mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông đều có thể bị các máy bay J-20 đánh chặn."

Ông Layton nhấn mạnh rằng bán kính hoạt động của J-20 rất rộng, đồng nghĩa với việc chúng có thể tuần tra xa hơn hoặc ở lại lâu hơn ở các khu vực như biển Hoa Đông. Các đội hình nhỏ, chẳng hạn như một số ít máy bay phản lực, cũng có thể tiến hành các cuộc tuần tra sâu không thường xuyên vào Biển Đông, hạ cánh để tiếp nhiên liệu tại một trong những căn cứ không quân trên đảo mà Trung Quốc kiểm soát, sau đó quay trở lại đất liền. Theo ông, quân đội Bắc Kinh còn có thể có thể thực hiện các nhiệm vụ ngăn bất kỳ nhóm tác chiến tàu sân bay nào của Mỹ tiến vào Biển Đông.

Máy bay Trung Quốc hiện đã vượt Nga

Theo ông Layton, việc chuyển đổi từ động cơ Nga sang Trung Quốc cũng cho thấy sự độc lập ngày càng tăng của Bắc Kinh trong lĩnh vực sản xuất quân sự. "Không chỉ là Trung Quốc không cần sự giúp đỡ của Nga nữa, mà là các máy bay do Trung Quốc chế tạo hiện nay đã vượt trội so với Nga" - ông nhận định.

Ông Layton cho biết thực tế là các máy bay J-20 hiện có động cơ đôi tốt hơn so với máy bay của Ng, khiến những chiếc máy bay tuần tra này trở thành "lựa chọn hợp lý hơn nhiều".

J-20 từ lâu đã được coi là dòng tiêm kích đối trọng lại tiêm kích F-22, vốn được coi là máy bay chiến đấu tàng hình hàng đầu thế giới, và tiêm kích F-35 của Mỹ.

Một báo cáo năm 2017 của Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho biết các động cơ mới của Trung Quốc sẽ cung cấp cho J-20 khả năng bay với tốc độ âm thanh trong thời gian dài.

Theo CNN, từ lâu các quan chức Mỹ đã nhận định rằng J-20 không thể xếp ngang hàng với các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ, thế nhưng Tướng Wilsbach - Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ - cho biết chiến cơ này đã gây ấn tượng mạnh khi chạm mặt F-35 của Mỹ trên biển Hoa Đông vừa qua.

Ông cho biết rằng lực lượng Mỹ đã quan sát thấy "lối bay tương đối chuyên nghiệp" của các phi công Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng Washington không rõ Bắc Kinh sẽ sử dụng J-20 như thế nào.

Ông Layton cho biết Mỹ, Nhật và các quốc gia khác sẽ "tích cực thu thập dữ liệu tình báo điện tử" trên bất kỳ chiếc J-20 nào trong các chuyến tuần tra ven biển, với hy vọng thu thập thêm thông tin về đặc điểm tàng hình, cũng như các đường truyền liên kết dữ liệu vô tuyến của nó.

Nguồn: [Link nguồn]

Úc lo ngại việc Trung Quốc có 20 điểm hiện diện quân sự tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết Trung Quốc hiện có 20 điểm hiện diện quân sự tại Biển Đông, theo đó cảnh báo về nguy cơ xung đột trong "vài năm tới".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Khang ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN