Cản bước tiến của Nga, Ukraine dùng chiến thuật từng làm khó hoàng đế Napoleon

Khi nước lũ tràn ngập các ngôi nhà và con đường ở làng Demydiv (khu vực ngoại ô phía bắc Kiev), người dân ở đây biết rằng, đó không phải một thảm họa tự nhiên.

Vị trí làng Demydiv ở phía bắc Kiev (ảnh: NY Times)

Vị trí làng Demydiv ở phía bắc Kiev (ảnh: NY Times)

Sau khi lực lượng Nga rút dần khỏi miền tây Ukraine, người dân Demydiv quay về ngôi làng của mình để tát nước ra khỏi nhà và tầng hầm. Trong hoàn cảnh bình thường, việc bị ngập lụt đối với họ là bất hạnh lớn. Tuy nhiên, dân làng Demydiv nói rằng, họ thấy đó là việc cần làm để giúp cản bước tiến về Kiev của quân đội Nga.

Hôm 25.2 (một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự), lực lượng Ukraine đã phá con đập gần làng Demydiv, theo New York Times.

Nước sông Dnepr nhanh chóng tràn xuống và nhấn chìm ngôi làng Demydiv cùng những cánh đồng rộng lớn xung quanh. Demydiv – ngôi làng án ngữ tuyến đường P02 hướng về Kiev – trở thành một đầm lầy khổng lồ khiến các phương tiện quân sự cỡ lớn của Nga không thể đi qua.

“Mọi người đều hiểu quyết định đó và không ai cảm thấy tiếc nuối. Chúng tôi đã cứu Kiev”, Antonina Kostuchenko – cư dân làng Demydiv – nói trong khi đang dọn dẹp ngôi nhà bị ngập nước.

Theo New York Times, từ hôm 24.2, lực lượng Ukraine đã tự phá hủy nhiều cơ sơ hạ tầng, cầu, đường, sân bay, đường sắt và các con đập. Mục tiêu của họ là tạo ra địa hình kém thuận lợi đối với phương tiện quân sự của Nga và ngăn cản quân đội Nga kiểm soát những vị trí chiến lược.

Oleksandr Kubrakov – Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine – cho biết, ít nhất 300 cây cầu đã bị phá hủy ở Ukraine trong “giai đoạn 1” của chiến dịch quân sự do Nga phá động. Hôm 24.2, quân đội Ukraine đã nã pháo vào đường băng một sân bay quân sự ở ngoại ô Kiev, tạo ra nhiều hố sâu, khiến máy bay chở lính Nga không thể hạ cánh. Những gì Ukraine cố gắng thực hiện được giới chuyên gia quân sự gọi là chiến thuật “tiêu thổ”.

Chiến thuật này thường được áp dụng khi một lực lượng nhỏ cần giữ thế thủ trước đối phương có sức tấn công áp đảo. Những người lính có thể tự phá hủy nhà cửa, cầu đường, kho tàng… để ngăn cản bước tiến của quân địch.

Năm 1812, quân đội Pháp do hoàng đế Napoleon chỉ huy đã đại bại trước Nga khi Nga áp dụng triệt để chiến thuật tiêu thổ. Mặc dù chiếm được Moscow, nhưng quân đội Nga không tìm được thức ăn, nơi trú ẩn giữa mùa đông lạnh giá. Napoleon ra lệnh rút quân nhưng bị quân đội Nga đổ ra truy kích và gây thương vong nặng nề.

Làng Demydiv nhìn từ trên cao (ảnh: NY Times)

Làng Demydiv nhìn từ trên cao (ảnh: NY Times)

“Người Ukraine đã rất sáng tạo khi biết cách gây khó khăn cho quân đội Nga. Nỗ lực làm chậm đà tiến của đối phương đã cho thấy hiệu quả”, Rob Lee – chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) – nhận xét.

Hôm 22.2, khu vực xung quanh sông Irpin – một nhánh của sông Dnipro – cũng xảy ra trận lũ nghiêm trọng.

Ngày 25.2, quân đội Nga nhiều lần tìm cách vượt qua sông Irpin nhưng không thành công. Quân đội Nga phải bắc cầu phao và lái xe băng qua khu vực đầm lầy ở sông Irpin. Ngoài việc di chuyển qua vị trí không thuận lợi, họ phải chịu thêm hỏa lực từ pháo binh Ukraine.

Tuy nhiên, chiến thuật tiêu thổ cũng khiến Ukraine trả giá lớn về kinh tế. Chính phủ Ukraine cho biết, tổng thiệt hại về cơ sở hạ tầng giao thông sau 2 tháng giao tranh ở nước này là khoảng 85 tỷ USD. Ukraine đang nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây để khôi phục lại cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng.

Dân làng Demydiv đi trên con đường ngập nước (ảnh: NY Times)

Dân làng Demydiv đi trên con đường ngập nước (ảnh: NY Times)

“Tất cả đều đáng giá”, Roman Bykhovchenko, 60 tuổi – cư dân làng Demydiv – nói khi đang phơi giày.

Việc bị ngập nặng cũng góp phần bảo vệ làng Demydiv. Ngôi làng chưa bao giờ trở thành địa điểm giao tranh khi quân đội Nga cố gắng tiến vào Kiev.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Cận cảnh quân đội Nga giao chiến ở nhà máy thép Azovstal

Giao tranh ở nhà máy thép Azovstal (thành phố Mariupol) tái diễn hôm 2.5 ngay sau khi những chuyến xe sơ tán dân thường rời khỏi. Truyền thông Nga và Ukraine cho hay, Azovstal đang hứng chịu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – New York Times ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN