Nên làm gì khi giá vàng trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Giá vàng trong nước đang được giữ neo cao hơn giá vàng thế giới từ 6-7 triệu đồng/lượng, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/3, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào ở mức 55,20 triệu đồng/lượng; bán ra là 55,60 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 23/3.

Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra là 55,15 và 55,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/3. 

Đêm 23/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.727 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.730 USD/ounce. Giá vàng thế giới đêm 23/3 cao hơn khoảng 13,6% (207 USD/ounce) so với đầu năm 2020. 

Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank (1 USD = 23.170 VND) thì giá vàng thế giới tương đương 49 triệu đồng/lượng, thấp hơn 6,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm.

Tình trạng chênh lệch này đã kéo dài trong nhiều ngày gần đây. Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật, chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Giá vàng trong nước cao hơn thế giới có thể dẫn đến khó khăn cho nhà quản lý và rủi ro cho giới đầu tư.

Theo đó, tuy giá vàng ở Việt Nam và thế giới không liên thông nhưng về lâu dài vẫn phải có sự quân bình nhất định. Nếu giá vàng trong nước cứ cao thế này thì đến một lúc nào đó, Nhà nước buộc phải can thiệp bằng cách điều chỉnh đi xuống để tiệm cận giá vàng thế giới. Như vậy là bất lợi cho người đang găm giữ vàng để đầu tư.

Mặt khác, nếu Nhà nước không điều chỉnh thì sẽ dẫn đến tình trạng người ta nhập lậu vàng thế giới về bán trong nước cho đến khi cung cầu quân bình với nhau.

Vậy theo ông, tại thời điểm này, nhà đầu tư vàng nên làm gì?

Nhà đầu tư cần thận trọng, đừng đầu tư mạnh tay, chỉ nên chi khoảng 1/3  đến 1/4 số tiền tiết kiệm để đầu tư vàng. Đừng mua kiểu ăn xổi vì giá vàng đang biến động bất thường rất khó đoán định. Ngoài ra, phải theo dõi giá vàng trên thị trường thế giới thường xuyên để điều chỉnh quyết định đầu tư. 

Tại sao lại là con số 1/3 hay 1/4, thưa ông?

Thông thường tiền nhàn rỗi thường được người ta đầu tư vào 3-4 kênh phổ biến là tiền gửi ngân hàng, mua vàng, đầu tư bất động sản và chơi chứng khoán. Khi một kênh đầu tư đang có dấu hiệu rủi ro thì nên phân bổ ngân sách đầu tư ra, tránh đổ nhiều tiền vào chỗ rủi ro đó.

Ông có thể phân tích rõ hơn về sự chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới không?

Giá vàng trên thế giới giảm do một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt hơn trên toàn cầu và sự xuất hiện của vắc-xin phòng Covid-19 đã đem đến tín hiệu lạc quan cho các nền kinh tế. Khi kinh tế khởi sắc, tâm lý coi vàng là nơi trú ẩn an toàn nhất sẽ thay đổi và giá vàng giảm.

Thứ hai, nước Mỹ vừa nhận được gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD sau khi đề xuất của Tổng thống Joe Biden được Hạ viện Mỹ phê chuẩn. Khi kinh tế Mỹ mạnh lên sẽ kéo theo sự tăng giá của đồng USD và đẩy giá vàng hạ xuống.

Thứ ba, hiện tại nhiều nền kinh tế đang phục hồi, ngoài vàng, một số kênh đầu tư khác cũng đang có tín hiệu lạc quan như bất động sản, trái phiếu Chính phủ, chứng khoán... Hiện giờ thị trường chứng khoán đang tăng điểm ở Mỹ, giá dầu rục rịch tăng lên, vàng không còn là nơi trú ẩn an toàn nên người ta bán vàng khiến vàng hạ giá.

Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu, người từng là công dân Việt Nam đầu tiên thành lập ngân hàng trên đất Mỹ (ảnh: M.M)

Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu, người từng là công dân Việt Nam đầu tiên thành lập ngân hàng trên đất Mỹ (ảnh: M.M)

Thưa ông, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng này còn xuất phát từ một nguyên nhân nội tại là Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2012 quy định chỉ Ngân hàng Nhà nước mới được kinh doanh vàng miếng nên đã dẫn đến khan hiếm nguồn cung vàng trong nước. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Cá nhân tôi thì không ủng hộ việc Nhà nước can thiệp vào giá vàng. Cứ để thị trường tự điều chỉnh. Tôi đã từng nêu đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng uy tín được tham gia thị trường vàng để giảm bớt sức ép lên nguồn cung.

Ngoài ra, để tránh khan hiếm vàng thì điều quan trọng là phải huy động được số vàng trong dân. Người dân mình vẫn có thói quen găm giữ vàng. Tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách huy động vàng trong dân và cấp cho họ chứng chỉ vàng.

Theo nhận định của ông thì tình trạng chênh lệch giá vàng này sẽ đi đến đâu?

Trong tương lai, giá vàng thế giới có thể tăng trở lại và làm rút ngắn khoảng cách với giá vàng trong nước. Lý do vì khủng hoảng vẫn đang đe doạ nhiều quốc gia. Một số tranh chấp vẫn còn căng thẳng hay biến động quân sự giữa Nga và Belarus...

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, đặc biệt sự xuất hiện của các biến thể vẫn đang đe doạ nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Xung đột chính trị quân sự và dịch bệnh là những vấn đề khó đoán định, có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trở thành nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng cao.

Xin cảm ơn ông.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 24/3: Nỗ lực hồi phục bất thành, vàng tiếp tục giảm sâu

Giá vàng giảm sâu xuống đáy khi đà tăng của đồng USD lên mức đỉnh 2 tuần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN