Ùn ứ nông sản tại Lạng Sơn: Xe nằm bãi, doanh nghiệp khóc

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mỗi ngày, từng đoàn ô tô chở nông sản hối hả đổ dồn về biên giới Lạng Sơn. Trong khi đó, Trung Quốc siết chặt việc thông thương với lý do phòng chống dịch.

Trên quốc lộ 1A từ thành phố Lạng Sơn đến khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), Tân Thanh (huyện Văn Lãng), từ ngày 11/12 đến nay xuất hiện từng đoàn xe container đỗ dọc dài. Điều này chứng tỏ các bãi đỗ xe đã quá tải, chật chỗ.

Khóc ròng

Có mặt tại bãi trung chuyển hàng xuất nhập khẩu ở Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 3 km, phóng viên Tiền Phong chứng kiến trên 2.000 xe tải trọng lớn đỗ ken cứng. Các xe đều nổ máy, giữ nhiệt cho hàng hoa quả, tạo lên những âm thanh hỗn độn, inh tai.

Anh Trịnh Thanh Tùng, một chủ bãi trong khu trung chuyển, đèo phóng viên trên mô tô cũ đi quan sát một vòng. Tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng, mở rộng nơi trung chuyển rộng tới 150ha nên bụi đất mù trời.

Ðoàn xe ô tô chở nông sản đỗ dài trên tuyến quốc lộ 1A. Ảnh: Bích Hợp

Ðoàn xe ô tô chở nông sản đỗ dài trên tuyến quốc lộ 1A. Ảnh: Bích Hợp

“Các lái xe lưu trú ở đây đã trên dưới chục ngày để chờ đến “nốt” đưa hàng xuất khẩu. Chúng tôi cũng sốt ruột thay cho họ vì chuyện ăn nghỉ ở đây vất vả lẫn hàng hóa sẽ hỏng, thối vì thời gian chờ đợi quá lâu”, anh Tùng nói.

Với khuôn mặt rầu rĩ, bà Nguyễn Thị Bộ, một thương gia người Lạng Sơn chuyên buôn bán hoa quả qua biên giới Việt- Trung, cho biết, bà có mối làm ăn với doanh nghiệp Long Công ở thị trấn Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc) đã nhiều năm nay với các mặt hàng trái cây chủ lực như mít, sầu riêng... Thế nhưng, khoảng tháng nay xảy ra tình trạng ùn ứ hàng ở cửa khẩu Lạng Sơn khiến cho thời gian xuất hàng qua biên giới rất lâu.

Theo bà Bộ, hiện tại có gần 30 xe container của gia đình bà nằm chết dí ở khu chung chuyển này hơn chục ngày trời. Hôm nào bà cũng yêu cầu lái xe báo cáo hai lần (sáng - tối) về nhiệt độ trong khoang chứa trái cây.

“Dù tốn kém, nhiêu khê nhưng vẫn phải làm vì phía đối tác Trung Quốc rất khắt khe, đòi hỏi. Trong khi đó, hàng hoa quả khi xanh thì nhiệt độ thấp (ở mức 8-9 độ C), lúc chín sẽ nóng, lên men tới 12-13 độ C. Nếu nhiệt độ cao, họ sẽ bắt lỗi, đánh vào kinh tế, nghĩa là phạt tiền, trừ cước xe vì cho rằng, nhiệt độ trong thùng cao quá sẽ làm hỏng hàng. Có bận, tôi bị phạt đến gần 100 triệu đồng”, bà Bộ kể.

Nói đoạn, bà Bộ tất tả đi về dãy ô tô đang đỗ, thúc giục lái xe kiểm tra hiện trạng xe và thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, chất lượng hàng. Bỗng nghe chuông điện thoại reo vang, bà Bộ bắt máy. Xong cuộc đàm thoại, bà Bộ bảo: “Chủ Trung Quốc hỏi xem hàng đã đi được ngày hôm nay chưa. Khi biết hàng mít, sầu riêng của tôi chưa được thông quan, họ kêu trời”.

Bà Kim Dung, chuyên xuất hàng qua cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, cho biết, cận Tết nên nhu cầu hàng nông sản, nhất là trái cây ngon của Việt Nam được người dân nước bạn ưa chuộng, tiêu thụ nhiều. Thế nhưng, gặp rào cản bởi các quy định của Trung Quốc trong việc phòng, chống dịch COVID-19 nên bà đã tính đến chuyện chuyển hàng qua cửa khẩu các tỉnh bạn như Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang. Đường xa, cước vận chuyển phát sinh nhiều, song đôi lúc ở nơi đó cũng rơi vào tình trạng ách tắc hàng hóa, vậy nên bà rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Lái xe và chủ doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi ùn ứ hàng hóa với PV Tiền Phong. Ảnh: Bích Hợp

Lái xe và chủ doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi ùn ứ hàng hóa với PV Tiền Phong. Ảnh: Bích Hợp

Nan giải

Lý giải về vấn đề “nóng” ở cửa khẩu Lạng Sơn, ông Vi Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho biết, trung bình mỗi ngày, tại hai cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), Tân Thanh (huyện Văn Lãng) xuất khẩu được khoảng 300 xe (chỉ bằng 1/3 thời gian trước). Đến nay, trên địa bàn còn tồn gần 5.000 xe các loại.

Nguyên nhân chính là gần đây, phía Trung Quốc tăng cường chính sách “Zero COVID-19”, phong tỏa, xét nghiệm diện rộng dù chỉ ghi nhận một hoặc vài ca nhiễm, đồng thời kiểm soát rất chặt từng xe hàng ra vào biên giới. Đặc biệt trong một tháng trở lại đây, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở một số tỉnh biên giới như Cao Bằng, Quảng Ninh cũng bị kiểm soát rất nghiêm ngặt. Hàng hóa không đi được nên đổ dồn lên các cửa khẩu chính ngạch tại Lạng Sơn.

Theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, phía Trung Quốc thông báo sẽ kiểm soát ngày càng chặt hơn, do đó tình hình thông quan chậm như hiện nay có thể sẽ kéo dài đến hết Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhất là khoảng thời gian trước và sau Tết hai tuần, hoạt động thông quan bị hạn chế mạnh nhất.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Hải quan, Biên phòng Tân Thanh, Hữu Nghị cho biết, trước việc ô tô chở hàng chờ thông quan đỗ, dừng tràn ở các bến bãi, kiểm hóa biên giới, các đơn vị nỗ lực chung tay, giúp sức điều tiết xe hợp lý, tránh ùn tắc trên đường và khu vực ra, vào cửa khẩu.

Ngành y tế địa phương cắt cử các tổ công tác đến tuyên truyền vận động chủ hàng, lái xe đường dài tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để miền biên cương xứ Lạng giữ được “vùng xanh” an toàn.

Nguồn: [Link nguồn]

Mít Thái đổ bộ Hà Nội với giá chỉ 8.000 đồng/kg, cửa hàng bán ngày 2 tấn

Hiện tại giá mít Thái bán lẻ tại một số chợ dân sinh và chợ online chỉ vào khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg, nếu đổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Duy Chiến ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN