Rơm “cháy hàng”, 1 sào rơm gần bằng 1 tạ lúa, thương lái săn lùng

Sự kiện: Kinh Doanh

Giá rơm ở tỉnh Bình Định đang được nhiều thương lái từ nhiêu nơi săn lùng. Hiện tại, rơm tại các thửa ruộng thu hoạch bằng máy cắt tay được bán với giá 500.000 đồng/sào (500m2), rơm của những ruộng lúa được cắt bằng máy gặt đập liên hợp cũng có giá 200.000 đồng/sào.

Vụ đông xuân 2017-2018, giá rơm của nông dân trên nhiều cánh đồng ở Bình Định bất ngờ tăng đột biến.

Theo ông Đỗ Xuân Cường (trú phường Bình Định, TX An Nhơn), gia đình ông làm 3 sào ruộng và nuôi 2 con bò sinh sản. Để có rơm cho bò ăn, ông phải thu hoạch lúa bằng máy gặt tay, sau đó tuốt bằng máy suốt lúa để cọng rơm còn nguyên vẹn. Thế nhưng, năm nào ông cũng phải mua thêm 10 sào rơm nữa mới đủ cho 2 con bò ăn cả năm.

Rơm “cháy hàng”, 1 sào rơm gần bằng 1 tạ lúa, thương lái săn lùng - 1

Giá rơm tăng cao đang khiến nhiều nông dân ở Bình Định phấn khởi. Ảnh: D.T

Ông Cường cho hay, rơm được thu hoạch bằng máy gặt tay có giá đến 500.000 đồng/sào, bởi loại rơm này còn nguyên cọng, làm thức ăn cho bò rất lợi. Nếu ruộng nằm gần đường giao thông thì giá rơm còn cao hơn vì ít mất phí trung chuyển.

“Lúa trên địa bàn hiện được thương lái thu mua với giá hơn 6.000 đồng/kg, vị chi bán 1 sào rơm bằng bán 80kg lúa. Còn rơm được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì bán được 200.000 đồng/sào, bởi loại rơm này nát bươm, bò ít thích ăn. Vì vậy, chủ yếu được bán dùng để lót dưa hấu hoặc cuộn thành bó bán cho thương lái Tây Nguyên”, ông Cường nói.

Nông dân Nguyễn Đức Ngã (trú xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), cho hay: “Những năm trước, nông dân chỉ gom rơm số ít cho bò, còn lại đốt hết cả đồng. Nhưng năm nay, rơm lại đang khan hiếm, có những cánh đồng thời điểm người ta phải tranh giành nhau để mua. Thương lái ở Tây Nguyên cũng kéo nhau về, mua rơm để trồng nấm, nuôi gia súc, làm phân bón. Sau khi thu hoạch xong, nông dân bán rơm cũng kiếm thêm cả bạc triệu”.

Rơm “cháy hàng”, 1 sào rơm gần bằng 1 tạ lúa, thương lái săn lùng - 2

Nông dân đang thu gom rơm chờ bán cho thương lái. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo nhiều nông dân, khi dùng máy gặt đập liên hợp thì rơm được thả ra từ máy sau khi được gặt đập sẽ nằm rải rác trên bề mặt ruộng lúa, rất lộn xộn. Vì vậy, họ sử dụng máy cuốn rơm để dễ dàng thu gom, rồi cuốn rơm thành từng bó tròn.

“Mỗi bó rơm sau khi được phơi thải, cuốn gói có giá 22.000- 25.000 đồng/bó. Người dân có thể bán theo bó hoặc đo đạc bán theo từng khoảng ruộng. Cách đây khoảng 3-4 năm, rơm rẻ như cho, không có giá trị nhưng hôm nay có thể mang lại bạc triệu rồi. Thương lái ở Tây Nguyên sẽ đem máy móc, phương tiện đến tận ruộng để thu hoạch rơm”, ông Nguyễn Kim Thiền (46 tuổi), thương lái mua rơm tại xã Phước Sơn cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN