Nhiều thực phẩm chức năng nằm trong “danh sách đen”

Những sản phẩm thực phẩm chức năng bị đưa vào "danh sách đen" sẽ thường xuyên được lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở, cá nhân cố tình tuồn ra thị trường những sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người.

Ngang nhiên sản xuất TPCN không an toàn

Mới đây, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM xử phạt vi phạm hành chính số tiền 114,5 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hotel Students ở quận Tân Bình. Trước đó, đoàn kiểm tra về ATTP đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với trụ sở chính Công ty TNHH Hotel Students và chi nhánh của công ty tại đường Thạnh Lộc 26, phường Thạnh Lộc, quận 12 và phát hiện cơ sở đang sản xuất thực phẩm trong điều kiện không bảo đảm ATTP. Tại thời điểm kiểm tra, kho bảo quản thực phẩm không bảo đảm và có 13 loại sản phẩm được đóng trong hơn 200 thùng giấy. Công ty không xuất trình được: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia dùng để sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng (TPCN).

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, đồng thời yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động ngay và buộc tiêu hủy 404,1 kg nguyên liệu; 669,6 kg hàng hóa sản phẩm không nhãn mác; 808,3 kg bán thành phẩm chưa ép vỉ; 214.320 viên đã được ép vỉ và 13 loại sản phẩm được chứa đựng trong hơn 220 thùng sản phẩm thành phẩm.

Nhiều thực phẩm chức năng nằm trong “danh sách đen” - 1

Cơ quan chức năng đang kiểm tra sản phẩm tại một cơ sở.

Trước đó, Cục ATTP - Bộ Y tế đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp (DN) kinh doanh TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) vi phạm các quy định về quảng cáo và buôn bán sản phẩm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và không phù hợp quy định ATTP với số tiền phạt gần 700 triệu đồng. Trong số này, Công ty TNHH Dược phẩm Tân Đức Minh (TP Hà Nội) kinh doanh sản phẩm hỗ trợ sinh lý nam giới, cải thiện chất lượng sinh hoạt tình dục, bị phạt 35 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm TPCN/TPBVSK Lộc Cường Thần trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. Công ty TNHH Dược phẩm 1110M (Hà Nội) bị phạt 25 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm TPBVSK Thận An Plus trên các website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Cơ quan chức năng cũng phạt Công ty CP Đầu tư Dược phẩm SUM (TP Hà Nội) 75 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm TPBVSK điều trị viêm mũi dị ứng SumHe vi phạm một trong các tài liệu theo quy định.

Ngoài ra, nhiều DN còn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Bịa đặt công dụng sản phẩm làm đẹp, giảm cân

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết về nguyên tắc, đối với TPCN/TPBVSK trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định về mặt an toàn, công dụng sản phẩm. Tuy nhiên, gần đây, bên cạnh các hình thức vi phạm như bán hàng/quảng cáo khi chưa được cấp phép truyền thông đã xuất hiện tình trạng quảng cáo, bán hàng online nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là quảng cáo/lưu hành sản phẩm bất hợp pháp. Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo.

"Qua thanh - kiểm tra và hậu kiểm, chúng tôi phát hiện nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân. Có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Nhiều DN khi bị cơ quan quản lý mời lên làm việc còn không thừa nhận sản phẩm của mình quảng cáo trên các trang web đó. Có DN công bố thực phẩm dạng bột nhưng lại sản xuất dạng viên hoặc ghi công dụng hoàn toàn khác với công bố…" - ông Phong nói.

Mặc dù số tiền xử phạt các DN vi phạm trong lĩnh vực TPCN từ đầu năm 2018 đến nay đã lên đến hàng tỉ đồng nhưng ông Phong nhìn nhận nhiều cơ sở, cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi rẻ sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người.

"Có tình trạng nhiều sản phẩm đã bị rút giấy phép đăng ký nhưng DN vẫn lén lút sản xuất, khi phát hiện, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm và xử phạt với khung cao nhất. Tất cả sản phẩm vi phạm sẽ được đưa vào "danh sách đen". Với những sản phẩm đã bị đưa vào "danh sách đen" thì sẽ bị lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, sẽ bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn và khi phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nặng hơn" - ông Phong khẳng định. 

Công khai sản phẩm vi phạm

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết Cục ATTP đã thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra, đồng thời cục đã có văn bản gửi sở y tế các địa phương, ban quản lý ATTP các tỉnh, thành thanh - kiểm tra trên địa bàn, tập trung vào các nội dung như: bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm, quảng cáo sản phẩm...

Cơ quan quản lý công khai thông tin các sản phẩm vi phạm cũng như xử lý các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên các trang web đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Anh ([Tên nguồn])
Thực phẩm chức năng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN