Loài cây quý ra quả đỏ, thơm dưới gốc, mỗi vụ thu cả trăm tấn

Sự kiện: Kinh Doanh

Những năm gần đây, cùng với việc bảo vệ rừng, bà con dân tộc Mông ở bản Pa Cư Sáng (xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) còn trồng xen ghép thảo quả dưới tán rừng. Loại cây ra quả đỏ dưới gốc này đang mang lại hiệu quả kép, giúp người dân thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.

Cây xóa đói giàm nghèo

Thảo quả là loại cây ưa sống nơi có điều kiện khí hậu ẩm ướt, nhất là những cánh rừng nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình từ 13 độ C – 15 độ C, ở độ cao khoảng 1.000m – 2.000 m so với mực nước biển. Thảo quả được coi là dược liệu quý có nhiều công dụng trong ẩm thực và trong đông y, vừa sử dụng làm gia vị cho nhiều món ăn, vừa là vị thuốc chữa bệnh. Với đặc tính thơm, ngọt, vị cay nên thảo quả được sử dụng rộng rãi trong chế biến món ăn và được coi là “nữ hoàng” của các loại gia vị.

Loài cây quý ra quả đỏ, thơm dưới gốc, mỗi vụ thu cả trăm tấn - 1

Việc trồng thảo quả dưới tán rừng không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho bà con mà còn nâng cao ý thức giữ rừng của người dân.

Trò chuyện với ông Giàng A Dơ, Trưởng bản Pa Cư Sáng (Hang Chú) được biết: Bản có 92 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, người dân trong bản chủ yếu trồng ngô, lúa trên các thửa ruộng bậc thang nhưng năng suất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Cách đây gần 20 năm, tận dụng hơn 1.000 ha rừng đầu nguồn của bản, bà con đưa cây thảo quả ở vùng khác về trồng thử nghiệm. Thấy cây phát triển tốt ra nhiều quả, bán được giá cao hơn so với ngô, lúa nên bà con trồng nhân rộng trên các khu rừng quanh bản. Từ đó đến nay, cuộc sống của bà con dần được nâng lên nhờ có thu nhập từ bán thảo quả.

Loài cây quý ra quả đỏ, thơm dưới gốc, mỗi vụ thu cả trăm tấn - 2

Thảo quả là loại dược liệu có nhiều công dụng trong chế biến món ăn và đông y.

Không như nhiều bản vùng cao khác, để phát triển kinh tế thường xâm lấn những cánh rừng lấy đất sản xuất trồng cây lương thực, bà con bản Pa Cư Sáng A chọn cây dược liệu thảo quả để trồng dưới tán rừng, vừa giữ rừng vừa phát triển kinh tế. “So với trồng ngô, lúa, thảo qủa bán được giá cao gấp nhiều lần, dễ bán, thương lái đến tận nhà thu mua. Vụ năm ngoái, cả bản thu được hơn 10 tấn quả tươi”, ông Dơ nói.

Là một trong những hộ trồng nhiều thảo quả, chị Phàng Thị Dụ, ở bản Pa Cư Sáng chia sẻ: Thấy nhiều gia đình trong bản trồng cây thảo quả, gia đình tôi cũng làm theo. Cây này dễ trồng, quả bán được giá cao. Tôi có hơn 1ha thảo quả trồng gần 10 năm nay, năm nào cây cũng cho thu gần 1 tấn quả. Trồng thảo quả không phải phá rừng như trồng ngô, lúa như trước, chỗ nào càng nhiều cây rừng, thảo quả càng phát triển tốt, lớn nhanh cho nhiều quả.

Được biết, xã Hang Chú là một trong những xã vùng cao của huyện Bắc Yên, với độ cao trung bình từ 1.000 – 2.000 m,  có khí hậu ẩm mát quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 13 độ C – 15 độ C rất phù hợp để cây thảo quả phát triển.

Đầu ra loài quả quý chưa ổn định

Tuy thảo quả là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại lợi ích kép cho bà con dân tộc Mông bản Pa Cư Sáng, song đầu ra thảo quả chưa ổn định, chủ yếu do bà con tự liên hệ với thương lái, mua bán với nhau nên thường bị ép giá.

Loài cây quý ra quả đỏ, thơm dưới gốc, mỗi vụ thu cả trăm tấn - 3

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Hang Chú rất thích hợp với quá trình phát triển của thảo quả.

Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú cho biết: Hang chú là xã có diện tích rừng lớn. Tận dụng lợi thế đó người dân trong xã đã trồng thảo quả dưới tán rừng để phát triển kinh tế, vừa giữ rừng vừa có nguồn thu nhập nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên từ khâu trồng đến khi thu hoạch sản phẩm và xuất bán hiện nay đều mang tính chất tự phát, không ổn định, vẫn có tình trạng được mùa mất giá được giá mất mùa. Năm nay, mùa thu hoạch thảo quả đang đến gần nhưng bà con trồng thảo quả đang lo đầu ra.

Loài cây quý ra quả đỏ, thơm dưới gốc, mỗi vụ thu cả trăm tấn - 4

Theo thống kê, huyện Bắc Yên có khoảng 346 ha cây thảo quả, được trồng tâp trung tại các xã vùng cao. Trong đó, Hang Chú là xã chiếm nhiều diện tích hơn cả. Đây là những loại cây sinh trưởng phát triển tốt, có khả năng phát triển kinh tế rừng rất hiệu quả trong việc tận dụng những diện tích rừng hiện có tại các xã vùng cao. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện Bắc Yên đang tích cực mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, phát triển, thu mua sản phẩm cho bà con.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN