Hà Nội: Bất thường, rau củ quả tăng giá gấp đôi

Sự kiện: Kinh Doanh

Các mặt hàng rau, củ quả tại Thủ đô Hà Nội đang tăng giá mạnh bất thường, với mức tăng từ 3.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí có loại tăng tới 25.000 đồng/kg. Theo lý giải của tiểu thương thì thời tiết mưa nắng thất thường gây dập nát và rau sinh trưởng kém khiến nguồn cung khan hiếm, giá tăng.

Giá rau củ đã tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại chợ đầu mối Dịch vọng cũng như một số chợ lẻ như Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Mĩ Đình, Yên Hoà, Thành Công… giá rau, củ quả đang có xu hướng tăng. So với tuần trước, giá các mặt hàng này tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí một số loại rau tăng gấp đôi.

Một số tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau, củ quả tại các chợ cho biết cách đây khoảng 1 tháng, giá rau củ ở tại các chợ truyền thống ở Thủ đô đã có một đợt tăng giá cao, nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tuy nhiên vài ngày nay, giá rau củ lại tăng bất thường. Trong đó, một số loại rau xanh khan hiếm, giá tăng chóng mặt, trong đó rau xà lách đã tăng giá gấp đôi.

Cụ thể như hiện tại các loại rau muống, cải xanh tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/bó lên 10.000 - 12.000 đồng/bó; bắp cải từ 10.000 - 12.000 đồng/kg đã tăng lên 15.000 – 20.000 đồng/kg, cà chua và cà rốt hiện cũng có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, rau quế, rau mùi tây 5.000 – 6.000 đồng/bó.

Trong khi rau xanh đua nhau tăng giá ở các chợ thì tại các siêu thị, giá rau vẫn ổn định hơn. Tuy nhiên, mức giá ổn định tại các siêu thị lại luôn cao hơn thị trường tự do từ 5.000- 6.000 đồng/kg. Thông tin PV nhận được từ một số siêu thị: BigC, fivimart, Vinmart, Intimex thì những siêu thị này đã bổ sung thêm lương thực, thực phẩm, rau xanh do nắm bắt được tình hình thời tiết. Nhờ chủ động dự trữ hàng hóa nên không xảy ra tình trạng khan hàng, giá tăng cao bất thường. Các loại thực phẩm như thịt, cá vẫn giữ mức giá ổn định.

Khu vực rau, củ, quả chợ Nghĩa Tân đầy ắp các loại rau xanh, củ, quả. Thế nhưng, dạo qua mấy vòng, chị Nguyễn Thuý Nga (37 tuổi, ở đường Tô Hiệu) vẫn chưa mua được món nào. “Chả hiểu sao, rau củ mấy hôm nay cứ tăng liên tục. Mấy hôm trước tôi vừa mua 5.000 đồng/bó rau muống mà bây giờ đã lên 10.000 – 12.000 đồng/bó” - Chị Nga chia sẻ.

Rau, củ quả ở chợ Mỹ Đình cũng “hét” giá trên trời, bó rau cải nhỏ nhưng cũng bị đẩy giá lên tới 10.000 đồng/bó.

Chị Trần Hà Thu, tiểu thương tại chợ Yên Hoà cho biết, nguồn cung mặt hàng rau củ quả khan hiếm hơn so với mấy ngày trước nên giá mặt hàng này bắt đầu tăng đột biến. Hơn nữa, do nhu cầu của người dân chuẩn bị lễ Vu Lan và lễ Quốc Khánh 2/9 khá cao nên chị Thu cho rằng giá sẽ không giảm nhanh. Theo chị Thu, giá rau củ tăng cao là thế nhưng vẫn không có hàng để bán.

Hà Nội: Bất thường, rau củ quả tăng giá gấp đôi - 1

Rau, củ quả tăng giá mà vẫn không đủ hàng để bán. Ảnh: Ngọc Anh

Ngoài yếu tố thời tiết có hiện tượng “đẩy” giá

Lý giải giá một số mặt hàng rau củ quả tăng bất thường, nhiều tiểu thương cho hay do thời tiết dạo này nắng mưa thất thường khiến rau củ hư hỏng nhiều, sinh trưởng kém nên cung không đủ cầu.

“Chúng tôi đều lấy hàng rau ở mối quen tuy nhiên, giá cả nhích hơn mấy ngày trước từ 8.000- 10.000 đồng/kg. Do lấy hàng giá cao nên buộc phải tăng giá bán và hàng rau vẫn bán chạy như trước khi chưa tăng giá”, chị Hồng - tiểu thương chợ Thành Công cho biết.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Hưng, HTX Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội lại cho biết: “Đúng là thời gian vừa qua tại HTX khan hiếm rau hơn do thời tiết không thuận lợi, rau ăn lá bị thối rữa nhiều, sinh trưởng lâu hơn bình thường.

Nhưng tại nhà vườn cũng chỉ điều chỉnh từ 2-3 giá. Chẳng hạn, trước đây rau cải xanh chúng tôi nhập hàng cho các cửa hàng là 12.000- 13.000 đồng/kg (tùy loại) thì hiện nay là từ 15.000- 18.000 đồng/kg nhưng trên thị trường đang bán là 20.000 - 25.000 đồng/kg. Tiểu thương là khâu trung gian nhưng đang ăn lãi quá lớn, nhiều gần gấp đôi nông dân phải bỏ ra 30 - 40 ngày mới có một đợt thu hoặc rau”.

Cũng theo ông Hưng thì nguyên nhân tăng giá rau còn do thời gian gần đây xuất hiện một số tiểu thương chủ động mua rau tại vườn (loại rau ít hư hại do mưa bão như rau muống) nhưng chưa thu hoặc để tích trữ đề phòng, chủ động tăng giá. Bên cạnh đó là nhiều người bán hàng đã lợi dụng thời tiết mưa bão, tự ý tăng giá rau để kiếm lời.

Thiết nghĩ chừng nào các mặt hàng nông sản nếu không được các cơ quan chức năng tổ chức liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thì chất lượng và nhất là giá thành sản phẩm sẽ luôn bị thả nổi: Bội thu thì mất giá, khan hàng thì giá tăng. Nghĩa là dù ở tình cảnh nào thì người nông dân vẫn thiệt.

Để “cứu nguy” cho người nông dân và tiếp sức cho việc tiêu thụ nông sản, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tổ chức liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ðồng thời, bên cạnh việc tăng hiệu quả công tác dự báo thị trường từ các cơ quan chức năng thì chính những người nông dân cũng cần bỏ tâm lý sản xuất theo phong trào, chạy theo số lượng, thay vào đó là tích cực tham gia vào các mô hình liên kết, hợp tác xã để nâng cao chất lượng và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thương Quỳnh - Ngọc Anh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN