Giá thịt lợn “trên trời”, dân than, doanh nghiệp cười

Giá thịt lợn tăng mạnh giúp nhiều doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi khởi sắc.

Sau cuộc khủng hoảng thịt lợn vào năm 2017, Quý II năm 2018 đã chứng kiến giá lợn hơi tăng mạnh lên mức cao nhất chưa từng thấy kể từ năm 2016. Theo thống kê cho thấy giá lợn hơi trong Quý I không có nhiều biến động và vẫn duy trì ở mức thấp, trung bình đạt 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, kể từ tuần thứ hai của tháng 4, giá lợn hơi bắt đầu phục hồi và tăng như vũ bão liên tục cho đến nay. 

Nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng mạnh như vậy là do mất cân đối cung cầu trên thị trường. Nguồn cung bị thắt chặt do giai đoạn trước đó người chăn nuôi giảm đàn hoặc bỏ chuồng vì thua lỗ đã khiến giá lợn tăng cao. Thêm vào đó là nhu cầu thu mua lớn trong Qúy II từ các thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan để phục vụ cho Tết cổ truyền của các quốc gia này.

Giá thịt lợn “trên trời”, dân than, doanh nghiệp cười - 1

Người dân đang mua thịt lợn với giá cao ngất ngưởng.

Tại miền Bắc, giá lợn hơi thời điểm hiện tại ở nhiều nơi đã ghi nhận ở mức 55.000 đồng/kg, còn tại miền Nam và miền Trung thì vẫn ghi nhận ở ngưỡng trên 50.000 đồng/kg. Tại các chợ truyền thống, người dân đang “kêu trời” khi phải mua các loại thịt lợn với giá cao chưa từng có, từ đầu tháng 7 đến nay, giá thịt lợn đã tăng mạnh đến 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Trái lại, giá thịt lợn tăng cao lại giúp nhiều doanh nghiệp chăn nuôi và bán thức ăn chăn nuôi lại được hưởng lợi lớn.

Giá thịt lợn “trên trời”, dân than, doanh nghiệp cười - 2

Tập đoàn Dabaco hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng giá thịt lợn.

Điển hình là “ông lớn” chăn nuôi phía Bắc CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, tính riêng quý 2/2018, Dabaco đã ghi nhận lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 82,4 tỷ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lỗ tới 33 tỷ đồng. 

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.629,5 tỷ đồng, tăng 52% so với quý 2 năm ngoái, trong khi chi phí giá vốn bỏ ra chỉ tăng 37% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 256 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ. 

Trong cơ cấu doanh thu của Dabaco, doanh thu từ thức ăn gia súc đạt 1.380 tỷ đồng, đóng góp 44% tổng doanh thu. Doanh thu từ nuôi gia công, chế biến thực phẩm đạt 790 tỷ đồng, chiếm 25% tổng doanh thu. Doanh thu bán con giống đạt trên 339 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu. 

Một doanh nghiệp khác cũng chung niềm vui khi giá thịt lợn tăng cao là Chăn nuôi Mitraco - doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh lợn giống, chăn nuôi lợn siêu nạc.

Công ty này đã có lãi trở lại trong Quý II khi cùng kì 2017 lỗ đậm. Cụ thể, doanh thu thuần của Mitraco đạt 59,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kì; giá vốn hàng bán giảm mạnh 32% xuống còn 53,6 tỷ đồng, nhờ đó lợi nhuận gộp đạt 5,7 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, Quý II, Mitraco có lãi 2,13 tỷ đồng, trong khi đó cùng kì năm ngoái lỗ 30,7 tỷ đồng. 

Về mảng thức ăn chăn nuôi, theo BCTC Quý II của Tập đoàn Masan - Masan Group (MSN) cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty con là Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (MNS) - Công ty mẹ của 2 thương hiệu thức ăn chăn nuôi là Anco và Proconco cũng đã có tiến triển tích cực từ khi giá thịt lợn tăng cao. 

Doanh thu thuần của Masan Nutri-Science (MNS) đã tăng 9% trong quý 2/2018 lên 3,492 tỷ đồng so với mức 3,201 tỷ đồng trong quý 1/2018. Hiện nguồn cung thịt lợn cho thị trường đang thấp hơn nhu cầu và Ban điều hành Masan tin rằng mức giá hiện tại sẽ là mặt bằng giá mới cho toàn thị trường, nhờ đó sẽ giúp MNS cải thiện được doanh thu và tăng trưởng mạnh trở lại.

Mặc dù giá thịt lợn tăng cao đã giúp nhiều hộ chăn nuôi và doanh nghiệp được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, với diễn biến tăng giá bất thường này, nhiều người chăn nuôi lâu năm đang lo ngại về tình trạng sốt thịt lợn, khiến nhiều hộ chăn nuôi tái đàn ồ ạt, bên cạnh đó, nguồn cung từ các công ty chăn nuôi lớn có thể khiến thị trường thịt lợn một lần nữa lặp lại tình trạng trong năm 2017.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN