Giá mía rớt thê thảm, người trồng mía ở ĐBSCL khóc ròng

Sự kiện: Kinh Doanh

Những ngày này, người trồng mía ở Sóc Trăng và Trà Vinh đang vào cao điểm thu hoạch niên vụ 2018 - 2019 nhưng “tan nát cõi lòng” vì giá mía rớt thê thảm.

Càng trồng càng lỗ

Ông Nguyễn Văn Tính ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Hiện nay nông dân ở địa phương đang thu hoạch mía nhưng giá thu mua tại ruộng của thương lái chỉ được từ 260-300 đồng/kg, thậm chí có nhà ruộng ở xa thương lái họ không mua. Tính ra, chi phí đầu tư cho mỗi công mía khoảng 7 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ bán được khoảng trên dưới 3 triệu đồng, người nông dân lỗ nặng. Cứ đà này chắc bà con sẽ bỏ mía luôn chứ không dám trồng nữa vì càng trồng càng lỗ”.

Ở xã An Thạnh 3, một hộ nông dân đang chuyển mía lên xe chuyển đến nhà máy đường Sóc Trăng bán, than thở: “Nhà máy thu mua giá 800 đồng/kg với điều kiện trữ đường trong mía phải đạt 10 trữ, giảm 1 trữ trừ 50 đồng/kg và nhà nông phải chở mía trực tiếp đến nhà máy. Chúng tôi thuê xe chở từ nhà đến nhà máy đường mỗi chuyến xe như vậy là 200.000 đồng, tính ra cũng lỗ nặng nhưng đành phải bán nếu không muốn mía phơi khô làm củi”. Theo phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, năm nay diện tích mía của huyện trên 5.100 ha, hiện nay mới thu hoạch được khoảng 40%, dự kiến đến tháng 5/2019 mới thu hoạch xong.

Tại huyện Trà Cú (Trà Vinh) cũng trong cảnh tương tự khi hầu như nông dân trồng mía đang “khóc ròng” vì giá xuống thấp. Trưa 19/3, trời nắng như đổ lửa, gần chục nông dân hì hục chở từng bó mía trên xe đạp dắt bộ từ ruộng vào nơi tập kết đến hơn cây số để chờ lên xe tải. Chủ ruộng mía là ông Bi không có mặt nhưng công nhân ở đây nói rằng: “Lỗ là cái chắc. Không chỉ chủ ruộng này mà hầu như ai trồng mía trong vùng này cũng đều thua lỗ, ít gì mỗi công cũng 2 - 3 triệu". 

Ông Tăng Văn Tha ở ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn đang chở mía thuê cho biết, gia đình ông có 0,5 ha, thu hoạch được 45 tấn, trong khi năm rồi năng suất đạt 60 tấn, còn giá cũng rẻ hơn khoảng 200 đồng/kg. Ông cho biết, chi phí đầu tư gần 7,5 triệu mỗi công nhưng bán ra chỉ 3 triệu đồng. Còn anh Trì Do Ra có hơn 10 công cũng chung hoàn cảnh. “Trồng cả năm trời nhưng mỗi công lỗ mấy triệu, nếu bỏ đất trống thì uổng còn trồng thì lỗ, giờ khó sống lắm”, anh Do Ra lắc đầu ngao ngán. 

Đối với những người chủ ruộng thua lỗ đã khổ còn những người thuê đất trồng còn khổ hơn khi không có tiền trả phân bón và chủ ruộng. Điển hình như bà Tì Thị Quân ở cùng xã Kim Sơn. Bà thuê 5 công, mỗi công 2 triệu đồng/năm nhưng bán ra lỗ mỗi công gần 3 triệu. “Tiền đầu tư còn không lấy lại được, giờ không biết lấy đâu trả tiền thuê đất cho người ta”, bà Quân buồn bã nói rồi bà cho biết, làm mía thua lỗ riết nhiều người nản đã rời quê đi Bình Dương làm thuê, chỉ còn lại người già, trẻ em là chính. Hiện tại, vợ chồng bà đi đốn mía thuê để kiếm tiền trả nợ, sống qua ngày.

Giá mía rớt thê thảm, người trồng mía ở ĐBSCL khóc ròng - 1

Nông dân vác mía từ ruộng vào ở Trà Vinh  ẢNH: HÒA HỘI

Công ty vẫn cam kết mua hết cho nông dân

Niên vụ mía 2018 - 2019 toàn huyện Trà Cú có trên 3.568 ha, đến thời điểm này thu hoạch được 1.827 ha, đạt 51,2%. Đến nay Cty mía đường Trà Vinh đã tiếp nhận và ép được 139.000 tấn với tổng giá trị khoảng 110 tỷ đồng. Đồng thời Cty đã thanh toán 2 lần được 56 tỷ đồng tương ứng 70.000 tấn mía.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Cú cho biết, giá mía năm nay thấp, nông dân thua lỗ, tuy nhiên đây là khó khăn chung không chỉ ở Trà Vinh mà trên cả nước. “Giá thấp Cty không bao tiêu nhưng cam kết sẽ thu mua hết cho nông dân”, ông Thảo nói.

Theo ông Thảo, giải pháp trong thời gian tới là đối với nơi nào có điều kiện sản xuất tốt sẽ xây dựng mô hình giảm chi phí để giữ vùng nguyên liệu. Đồng thời đầu tư cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Còn nơi nào khó khăn sẽ mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Còn về vấn đề chi trả cho nông dân, ông Thảo nói rằng, tất cả trả qua tổ thu mua, tuy có chậm nhưng người dân vẫn chấp nhận vì đường làm ra bán chậm nên cùng chia sẻ khó khăn.  

Chi phí đầu tư cho mỗi công mía khoảng 7 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ bán được khoảng trên dưới 3 triệu đồng, người nông dân lỗ nặng. Cứ đà này chắc bà con sẽ bỏ mía luôn chứ không dám trồng nữa vì càng trồng càng lỗ.

Nông dân Nguyễn Văn Tính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Hội - Xuân Lương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN