An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Muôn ngả đường hàng bẩn

Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này lượng hàng hóa, thực phẩm lưu thông trên thị trường tăng đột biến để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Chính vì vậy, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm cần được siết chặt hơn...

Vi phạm ngày càng tinh vi

Dù đã tăng mức xử phạt nhưng có thể thấy, những vi phạm trong kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đơn cử như trưa 6.11.2018, trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ tuần tra kiểm soát giao thông Trạm Cảnh sát giao thông Quảng Xương (Công an tỉnh Thanh Hóa) phát hiện một xe ôtô có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe có nhiều thùng xốp, bao tải dứa bên trong chứa 250kg bì lợn đã bốc mùi, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản thu giữ số hàng trên đem đi tiêu hủy.

An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Muôn ngả đường hàng bẩn - 1

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ hóa chất tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Quảng Nghĩa (Móng Cái). Ảnh: C.A.Q.N

Thực tế, những vụ vi phạm như thế này vẫn diễn ra hàng ngày, ở nhiều địa phương. Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 10.2018, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện, thu giữ tới 20 tấn thực phẩm bẩn nhập lậu, chủ yếu là nầm lợn, mỡ lợn, vịt gà thịt sẵn, số lượng này tăng tới 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Hay như trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an tỉnh và lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện, xử lý 60 vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP), với các hành vi vi phạm chủ yếu như: giết mổ không đảm bảo vệ sinh; vận chuyển, kinh doanh gia súc không có kiểm soát… Điển hình như cơ sở giết mổ của ông Lã Văn Công (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất), bà Nguyễn Thị Xê (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã bị phát hiện giết mổ, tiêu thụ lợn chết.

Mới đây nhất, ngày 29.11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp Công an TP.Móng Cái và UBND xã Quảng Nghĩa bắt quả tang cơ sở của bà Nguyễn Thị Xuân (địa chỉ thôn 5, xã Quảng Nghĩa) thu gom, chế biến 20 tấn lòng lợn bẩn tại TP.Móng Cái.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 6 công nhân đang sơ chế, ướp tẩm khoảng 20 tấn lòng lợn cấp đông. Tại kho chế biến còn có chứa 4 loại chất phụ gia, trọng lượng 1,3 tấn dùng để chế biến thực phẩm, nhưng không có tem nhãn mác, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Hình phạt chưa đủ răn đe

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, điều đáng lo ngại là, các vụ kinh doanh thực phẩm bẩn (chủ yếu là nội tạng động vật) chủ yếu bị phát hiện khi đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi. Nếu được vận chuyển trót lọt vào nội địa, những sản phẩm này không chỉ là mầm mống phát tán các loại dịch bệnh trên gia súc gia cầm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Được biết, trong 10 tháng năm 2018, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã xử phạt các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục ra quyết định thu hồi hàng trăm giấy phép của các cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những sai phạm nghiêm trọng.

Một trong những lý do khiến tình hình vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn chưa có dấu hiệu giảm là hình phạt chưa đủ răn đe. Ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng thừa nhận, việc xử lý các hành vi vi phạm chỉ dừng lại ở mức tịch thu, tiêu hủy tang vật và xử phạt hành chính là nguyên nhân chính khiến tình trạng này không giảm, do lợi nhuận cao nên nhiều người bất chấp tất cả, cố tình làm trái. Đại diện PC05 (Công an tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết, mức phạt chưa đủ răn đe, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính khiến các đối tượng không e ngại.

Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng là 3 nguyên nhân chính khiến số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, các sở, ngành và địa phương cần tập trung kiểm tra, kiểm soát tuyến vận tải biển, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp với cơ quan chức năng nhanh chóng khởi tố, xét xử các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hà Nội sẽ xóa các điểm giết mổ nhỏ lẻ

TP. Hà Nội vừa công bố kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố trong quý III.2018.

An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Muôn ngả đường hàng bẩn - 2

Hà Nội sẽ xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Ảnh: T.L

Đáng chú ý, trong quý III.2018, cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức 725 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP tại 24.125 cơ sở; số cơ sở đạt yêu cầu về điều kiện ATTP là 20.215. Các đoàn thanh, kiểm tra đã xử phạt 2.024 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 9,53 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 184 cơ sở.

Riêng Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức thanh kiểm tra 131 cơ sở, phát hiện 17 cơ sở vi phạm, lý do vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa, không đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp liên ngành kiểm tra ATTP dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm tại 142 cơ sở. Qua đó, xử lý vi phạm hành chính 20 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 140,3 triệu đồng.

Sở Công Thương thanh tra, kiểm tra tại 8 doanh nghiệp, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp hơn 19,7 triệu đồng; kiểm tra xử lý 363 vụ vi phạm về ATTP, phạt hành chính gần 1,75 tỷ đồng…

Theo UBND TP.Hà Nội, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các cấp, các ngành chủ động và phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP.

Đồng thời, cơ quan chức năng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP tại các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố; tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; xử lý vi phạm đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết xử lý các vi phạm ATTP tại các chợ, siêu thị trên địa bàn, đặc biệt tại các chợ cóc, chợ tạm.

P.V

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Nguyên ([Tên nguồn])
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN