Kim Huệ lập kỷ lục 6 lần dự SEA Games

Trong danh sách tham dự SEA Games 2013, phụ công bóng chuyền Phạm Thị Kim Huệ là nhân vật duy nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam còn “sót” lại từ kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á 2001.

Vừa bước qua tuổi 30, chính “Hoa khôi bóng chuyền” này cũng phải ngạc nhiên với thâm niên chơi bóng đã 18 năm của mình. Tính riêng giải vô địch quốc gia, chị đã hoàn thành mùa thứ 15 một cách xuất sắc khi lập công lớn giúp CLB Ngân hàng Công thương Việt Nam đoạt ngôi Á quân sau nhiều năm chờ đợi.  

Nghiệp bóng chuyền của Kim Huệ bắt đầu từ năm 1995 khi cô nữ sinh lớp 6 Trường An Dương (Hà Nội) cùng bạn bè rủ nhau đến tham dự rồi trúng tuyển vào lớp năng khiếu của đội bóng Bộ Tư lệnh Thông tin của Quân đội. Yếu tố quyết định ban đầu để Kim Huệ được “chấm” chính là nhờ chiều cao hiếm có 1m68 khi ấy, nhưng trên thực tế thì đó chỉ là một trong hàng loạt chỉ số lý tưởng khác. 

Chỉ sau 4 năm, khi mới 16 tuổi, phụ công này đã tạo nên một bước đột phá ngoạn mục để giành một suất chính thức tại cả CLB lẫn ĐTQG. Đến SEA Games 2003 trên sân nhà, Kim Huệ đã chính thức được khẳng định với tư cách là mũi đánh nhanh hay nhất Đông Nam Á, đặc biệt với cú đập một chân ở vị trí số 2 đủ hạ gục mọi dàn chắn.

Kim Huệ lập kỷ lục 6 lần dự SEA Games - 1

Kim Huệ đã có thâm niên 18 năm chơi bóng chuyền

Tài năng của Kim Huệ sớm nở, bền bỉ và rực rỡ, cho dù không thể tránh được những thời điểm bị chấn thương. Thậm chí đến giờ, ngoài niềm đam mê còn nguyên vẹn như ngày đầu, Kim Huệ vẫn giữ được đẳng cấp hàng đầu, bất chấp đã bước qua tuổi 30, kể cả khi thi đấu cho một đội hạng dưới như nữ Hà Nội.

Đặc biệt, phẩm chất ngôi sao nơi Kim Huệ thể hiện rõ nhất vào 2012 khi cựu đội trưởng ĐTQG chia tay Bộ Tư lệnh thông tin sau 16 năm gắn bó. Nếu ở lại, Huệ vẫn có thể đứng trên đỉnh cao thêm một vài năm, đoạt thêm những danh hiệu nữa, rồi chuyển sang nghiệp HLV. Tuy nhiên, Huệ đã quyết định dừng lại, mà theo chị là đúng lúc, để chuyển hẳn sang một hướng mới trong sự nghiệp và cuộc đời. 

Nhiều người đoán, sự nghiệp của Kim Huệ sẽ xuống hẳn từ đây, coi nơi đến của chị chỉ có chỗ “dưỡng già” vì gần nhà. Thế nhưng, chị đã khiến tất cả phải ngả mũ bởi sự chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu, kết tinh thành một phong độ chói sáng. Chị đã chơi như thể thời đôi mươi đỉnh cao của mình, đồng thời chứng tỏ được sứ mệnh của một thủ lĩnh tinh thần đích thực, để giúp đội bóng loại trung bình khá Ngân hàng Công thương Việt Nam lọt vào Top 4 mùa trước và mới đây là ngôi Á quân 2013. 

Kim Huệ chơi hay đến mức dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các nhà tuyển trạch vẫn phải triệu tập chị trở lại ĐTQG. Và tại đây, chị tiếp tục cho thấy vai trò không thể thay thế của mình. Thể lực có phần sa sút, nhưng được bù lại bằng bản lĩnh trận mạc, sự nhuần nhuyễn trong các pha tấn công cùng khả năng tổ chức chắn bóng trong phòng ngự.

Năm ngoái, Kim Huệ đã cùng với Ngọc Hoa  tạo thành mũi phụ công “sát thủ” đưa Việt Nam tới chiến tích lịch sử, giành hạng 4 tại giải vô địch châu Á. Giờ đây, Kim Huệ lại sẵn sàng để cùng các đàn em thực hiện mục tiêu bảo vệ tấm HCB tại SEA Games 27. Đây cũng là kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 6 của Kim Huệ, một kỷ lục ở môn bóng chuyền cũng như của cả Đoàn Thể thao Việt Nam sang Myanmar tranh tài cuối năm nay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Tuyến (giaothongvantai.com.vn)
Bóng chuyền SEA Games 30 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN