Đua xe F1, Canadian GP: “Bữa tiệc” Bắc Mỹ khởi đầu mùa hè sôi động

(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) Chia tay Công quốc Monaco, F1 sẽ tạm rời khỏi châu Âu và đến với Bắc Mỹ, nơi sẽ diễn ra chặng đua duy nhất ở Tây bán cầu trong mùa hè này. Như thường lệ, điểm đến thứ 7 trong năm chính là thành phố Montreal xinh đẹp và trường đua Gilles Villeneuve nổi tiếng với tốc độ cao và bức tường ‘Wall of Champions’ trong lịch sử F1.

Montreal – một thành phố hiện đại và năng động

 

Khách du lịch không chỉ đổ về đây để theo dõi các sự kiện văn hóa – thể thao đáng chú ý mà còn bởi vẻ đẹp tuyệt vời của thành phố này. Montreal là thành phố đông đúc nhất thuộc tỉnh bờ Đông Quebec của Canada. Đây là thành phố đông dân thứ 2 của đất nước có biểu tượng “lá phong” với khoảng gần 2 triệu người sinh sống, chỉ thua Toronto thuộc tỉnh tiếp giáp về phía Tây, Ontario. Montreal nổi tiếng với dòng sông Saint Lawrence, kết nối Great Lakes của Bắc Mĩ (nằm ở biên giới giữa Mỹ và Canada) và Đại Tây Dương.

Trên con sông này, nằm gần khu vực trung tâm của Montreal là đảo nhân tạo Ile Notre-Dame, chính là vị trị của trường đua Gilles Villeneuve.

Đua xe F1, Canadian GP: “Bữa tiệc” Bắc Mỹ khởi đầu mùa hè sôi động - 1

Vẻ đẹp choáng ngợp bên trong Nhà thờ Đức Bà ở Montreal

Ngoài ra nếu du khách yêu thích sự cổ kính, Montreal cũng có thể mang lại những trải nghiệm thú vị ở khu phố cổ với những con đường sỏi đá, các quán bar và café ấm cúng, nhà hàng sang trọng và những kiến trúc ấn tượng như nhà thờ Notre-Dame Basilica (tạm dịch là nhà thờ Đức Bà La Mã hoàng cung).

Không chỉ có vậy, thành phố còn có những khu phố buôn bán nhộn nhịp, đặc biệt là cuộc sống về đêm sôi động, có thể được nhìn thấy toàn cảnh khi bạn leo lên đỉnh đồi Royal, một ngọn núi nhỏ trong thành phố có độ cao 233m.

Về trường đua Gilles Villeneuve, nó có chiều dài 4,361km, chạy theo hướng chiều kim đồng hồ và gồm 6 cua trái và 8 cua phải trong tổng số 14 khúc cua. Các tay đua sẽ phải hoàn thành 70 vòng đua, tương đương với quãng đường 305,27km.

Kỷ lục 1 vòng đua tại đây vẫn tồn tại kể từ năm 2004 khi Rubens Barrichello (Ferrari) thiết lập mốc thời gian 1 phút 13,622s, nhưng nhiều khả năng sẽ bị xô đổ trong chặng đua tới bởi thành tích năm ngoái của Max Verstappen chỉ chậm hơn 0,242s mà thôi. Kỷ lục pole lại thuộc về một chiếc Ferrari khác vào năm ngoái, đó là Sebastian Vettel với thành tích 1 phút 10,764s.

Trường đua được tạo ra để vượt mặt

Gilles Villeneuve là một trong số ít các trường đua có tới 3 khu vực cho phép sử dụng hệ thống giảm lực kéo – DRS. Khu vực DRS thứ 1 nằm ở đoạn giữa cua 7 và 8 với điểm xác định ở trước cua 6, điểm xác định thứ 2 nằm ở sau cua 9, được sử dụng cho cả 2 khu vực tiếp theo bởi chúng nằm sát nhau, đầu tiên là đoạn thẳng từ cua 11 đến 13 và đoạn thẳng đi qua vạch xuất phát/đích. Có thể nói rằng cấu trúc này được thiết kế là để cho những cú vượt mặt xuất hiện liên tiếp ở trong cuộc đua chính.

Đua xe F1, Canadian GP: “Bữa tiệc” Bắc Mỹ khởi đầu mùa hè sôi động - 2

Cấu trúc trường đua Gilles Villeneuve

Về cơ bản, trường đua này là sự kết hợp của những đoạn thẳng, chicane (cua chữ S) cộng thêm hairpin (cua chữ U) cua 10, vì thế có nhiều cơ hội chạy núp gió và cũng có những điểm phanh lớn. Thời cơ vượt lớn nhất nằm ở chicane cuối cùng, sau khi thoát cua từ hairpin, chạy núp gió xe phía trước ở đoạn thẳng, sử dụng DRS để vượt qua.

Và nếu vẫn chưa thành công, họ vẫn còn một cơ hội ở đoạn thẳng tiếp theo tiến tới cua 1. Tuy nhiên chính vì việc chiếc xe luôn chạy tốc độ cao, rất dễ để các tay đua mắc sai lầm, và các bức tường bê tông dọc 2 bên đường đua luôn “chờ đợi” sẵn để “đón chào” những nạn nhân không may mắn. Và trong đó có một bức tường nổi tiếng hơn cả, đã đi vào lịch sử F1 với nhiều sự kiện thú vị trong quá khứ.

Mối nguy hiểm mang tên “Wall of Champions”

Chicane cuối cùng là hai cua khó bởi các tay đua phải xử lý phanh xe từ tốc độ trên 300 km/h rồi cua phải-trái liên tiếp và mỗi cua đều có một gờ kerb lớn ở apex (góc cua). Nếu tay đua chỉ làm sai một chút thôi cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường.

Để có thể đạt tốc độ tốt ở đoạn thẳng cuối vòng chạy, chiếc xe buộc phải chạy càng sát rào chắn bên phải đường càng tốt nên xác suất thành công có thể nói là 50/50. Cho dù bạn có thực hiện hoàn hảo ở 90% vòng chạy mọi thứ sẽ bị hủy hoại chỉ với 1 thao tác sai ở “Bức tường của nhà vô địch” này.

Năm 1999 có tới 3 nhà vô địch F1 cùng đâm vào tường chắn này trong chặng đua năm đó, bao gồm tay lái chủ nhà Jacques Villeneuve, Michael Schumacher và Damon Hill. Thậm chí đó là lần thứ 2 Villeneuve mắc sai lầm trên quê nhà, lần đầu là vào năm 1997. Sau đó, Vettel và Jenson Button là hai nhà vô địch khác đã phải nếm trải “Wall of Champions” trong thế kỷ 21. Ngoài ra, một số gương mặt khác là “nạn nhân” của bức tường này, gồm Rubens Barrichello, Juan Pablo Montoya, Ralf Schumacher và Pastor Maldonado.

Chiếc xe luôn bị đẩy tới giới hạn

Với cấu trúc tốc độ cao, không chỉ các tay đua gặp khó khi xử lý ở mỗi khúc cua, đoạn thẳng mà những chiếc xe cũng sẽ không thể đảm bảo hoạt động ở mức 100% trong quãng đường hơn 300km. Đặc tình đường đua khiến cho sức mạnh của power unit và hệ thống phanh được để cao nhất trong số các bộ phận trên xe. Càng về cuối cuộc đua, phanh trở thành một mối lo luôn hiện hữu khi các tay đua gặp khó trong việc giảm tốc độ xe trong khi những bức tường bê tông luôn trong tâm thế “sẵn sàng chào đón” họ.

Đua xe F1, Canadian GP: “Bữa tiệc” Bắc Mỹ khởi đầu mùa hè sôi động - 3

Những bức tường chắn bê tông luôn nằm rất gần đường đua

Không chỉ có vậy, do tay đua giành phần lớn thời gian của mỗi vòng đạp hết ga, nên các đội đua cũng chú trọng vào nâng cấp sức mạnh PU. Vì thế, Montreal thường là nơi các đội mang đến bản nâng cấp động cơ để có thêm tốc độ trên đoạn thẳng. Năm nay, lợi thế này đang thuộc về Ferrari, lợi thế duy nhất họ có vào lúc này.

Khán đài luôn sôi động với sự cổ vũ cuồng nhiệt từ người hâm mộ

Châu Mỹ có 3 chặng đua F1 nhưng Canada là điểm đến duy nhất vào mùa hè, khi Mỹ và Mexico đều tổ chức vào cuối mùa giải. Vì vậy có rất nhiều người đam mê tốc độ ở Bắc Mỹ đến Montreal để theo dõi trực tiếp cuộc đua và chính họ tạo ra một trong những bầu không khí sôi động nhất trong năm. Những khán đài luôn chật kín ở cua 2 hay hairpin cua 10 giúp cho khán giả có tầm nhìn rõ nét những diễn biến xảy ra trên đường đua. Và chặng đua cuối tuần này sẽ lại mở ra một lễ hội đầy màu sắc nữa tại đảo Ile Notre-Dame và Montreal.

Đua xe F1, Canadian GP: “Bữa tiệc” Bắc Mỹ khởi đầu mùa hè sôi động - 4

Sự lựa chọn lốp tại Canadian GP 2019

Tương tự như Monaco, Pirelli lại mang tới Montreal ba loại lốp mềm nhất, C3, C4 và C5. Nhưng không giống chặng đua trước, số lượng lốp mềm nhất Soft viền đỏ mà các đội lựa chọn chỉ từ 7-9 bộ, đồng nghĩa với số bộ Medium viền vàng lên tới 2-4 bộ, thậm chí “ngựa chiến” Ferrari còn chọn tới 5 bộ. Lốp Hard viền trắng chỉ có 1-2 bộ mỗi tay đua, ngoại trừ George Russell với 3 bộ.

Với lợi thế tốc độ trên đoạn thẳng, Ferrari được kỳ vọng sẽ đánh bại được Mercedes vẫn đang bất bại trong năm 2019. Hơn nữa với một gói nâng cấp tại Montreal, họ đang hướng tới “thiên đường thứ 7” ở mùa này. Honda không được kỳ vọng quá nhiều nhưng chắc chắn họ vẫn muốn tạo ra điều thú vị ở Canadian GP 2019.

Chặng đua thứ 7 Canadian GP 2019 diễn ra từ 08 đến 11/06 (giờ VN), bắt đầu từ phiên chạy thử đầu tiên lúc 21h thứ 6, lượt chạy phân hạng và cuộc đua chính lần lượt diễn ra vào 1h sáng ngày Chủ nhật và thứ 2 trên hệ thống FOX Sports Asia.

Đua xe F1: Sự ra đi của huyền thoại ‘mũ đỏ’, tấm gương phi thường

Tuần vừa qua, làng F1 phải nhận thêm một tin buồn, đó là huyền thoại Niki Lauda.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN