Nóng tuần qua: Lý do Bộ Tài chính phải ứng 227 tỉ đồng trả nợ thay cho dự án tàu Cát Linh

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Với khoản cho vay lại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ Tài chính đã ứng Quỹ tích lũy, trả nợ thay cho Bộ Giao thông - Vận tải hơn 9,83 triệu USD.

Bộ Tài chính ứng gần 10 triệu USD cho dự án tàu Cát Linh - Hà Đông

Bộ Tài chính cho biết dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (dự án) sử dụng vốn vay từ 3 Hiệp định vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, tổng giá trị vay là 690,62 triệu USD.

Hiện nay, khoản vay triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là khoản vay của Chính phủ nên khi đến hạn, Bộ Tài chính đã thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.

Ngoài ra, khoản cho Bộ Giao thông vận tải vay lại để thực hiện các hạng mục liên quan tới khai thác, vận hành kinh doanh vận tải của dự án đang gặp vướng mắc về trả nợ nên Bộ Tài chính phải ứng tiền từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả thay cho dự án.

Bộ Tài chính ứng gần 10 triệu USD cho dự án tàu Cát Linh - Hà Đông.

Bộ Tài chính ứng gần 10 triệu USD cho dự án tàu Cát Linh - Hà Đông.

Về trả nợ khoản vay lại của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính cho biết: Bộ GTVT đã bố trí vốn đối ứng để trả nợ lãi theo Hợp đồng cho vay lại đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Hiện việc bố trí vốn để trả nợ gốc của các khoản vay lại đang gặp vướng mắc do từ khi ký Hợp đồng cho vay lại, Bộ Giao thông vận tải không được bố trí vốn để trả nợ gốc.

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn, phần vay lại, chủ dự án phải có trách nhiệm bố trí vốn để hoàn trả Bộ Tài chính.

Thế nhưng, từ khi phát sinh nghĩa vụ trả nợ đối với phần vay lại, Bộ GTVT mới bố trí trả hơn 398 tỷ đồng (tương đương trên 17,3 triệu USD) nợ gốc, phần còn phải hoàn trả Bộ Tài chính là nợ gốc hơn 9,83 triệu USD (tương đương 227,322 tỷ đồng); gốc và lãi quá hạn hơn 1,65 triệu USD (tương đương 38,37 tỷ đồng).

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để trả nợ. Tuy nhiên đến nay Bộ GTVT vẫn chưa được bố trí vốn để trả nợ gốc. Vì vậy Bộ Tài chính đã phải ứng Quỹ tích lũy để trả nợ thay cho Dự án là hơn 9,83 triệu USD (tương đương hơn 227,3 tỷ đồng).

Đầu tư gần 7.000 tỷ đồng xây dựng sân bay Sa Pa

Cảng hàng không Sa Pa (sân bay Sa Pa) dự kiến sử dụng 371 ha đất. Loại hợp đồng dự án PPP sẽ được chia thành 2 phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và tái định cư) thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án thành phần 2 (xây dựng Cảng hàng không) theo hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 4.200 tỷ đồng, giai đoạn 2 gần 2.800 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư của dự án sân bay Sapa là gần 7.000 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư của dự án sân bay Sapa là gần 7.000 tỷ đồng.

Theo Quyết định, địa điểm thực hiện dự án tại xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Thời gian dự kiến thực hiện dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 4 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm).

Quyết định đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa thể hiện mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, cảng hàng không sẽ đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Bắc. Bên cạnh đó, cảng cũng phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.

"Cò đất" tự do sắp bị "cấm cửa"

Trong "Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản" mới, Bộ Xây dựng dựng kiến nghị chỉnh sửa một số nội dung trong chính sách về kinh doanh môi giới bất động sản để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới được chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Cùng với đó, bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới...; phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.

Bộ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS trong nước sau khi thành lập doanh nghiệp phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức mình hoạt động và Cục quản lý nhà và thị trường BĐS để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.

Cá nhân kinh doanh được miễn thuế nửa cuối năm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, Quốc hội đồng ý giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.

Nghị quyết cũng cho biết sẽ miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quyết định.

Bên cạnh đó, giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11 đến hết năm đối với dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; sản phẩm và dịch vụ xuất bản...

Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020.

Đề xuất khách bay chưa tiêm vaccine chỉ cần xét nghiệm âm tính

Cục Hàng không gửi Bộ GTVT dự thảo sửa đổi quy định tạm thời để khai thác các chuyến bay nội địa trong bình thường mới với nhiều đề xuất.

Theo đó, Cục Hàng không đề xuất trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Với những đối tượng hành khách khác sẽ chỉ cần đáp ứng một trong ba điều kiện gồm có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Nguồn: [Link nguồn]

Sóng dịch chuyển, đất ngoại thành Hà Nội 'hét' giá ngang ngửa khu trung tâm

Mặc dù thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội nhưng giá đất một số nơi, vị trí trên địa bàn của huyện Đông Anh đang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thúy Vy (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN