Lượng trái phiếu sắp đáo hạn “khủng” nhiều doanh nghiệp gặp khó

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, trong giai đoạn nguồn tiền khó, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn.

Hàng trăm tỉ đồng trái phiếu sắp đáo hạn

Theo thống kê, trong số 540.000 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành sắp đáo hạn, doanh nghiệp bất động sản chiếm lượng lớn nhất.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thông tin, nếu như năm 2018, các doanh nghiệp chỉ phát hành 224 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thì năm 2019 phát hành đạt 312 nghìn tỷ đồng, năm 2020 tăng lên đến 436 nghìn tỷ đồng và đã tăng vọt lên tới 722.700 tỷ đồng vào năm 2021.

Nếu nói về quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã tăng từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó trái phiếu phát hành riêng lẻ là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng số trái phiếu đã phát hành.

Theo SSI, đến năm 2021 có khoảng 1,39 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được lưu hành trên thị trường tài chính, góp phần đẩy quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp từ mức tương đương 68% tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế hồi năm 2020 lên mức 88% năm 2021.

Mới nhất, để đảm bảo ổn định thị trường, Bộ Tài chính đề nghị những doanh nghiệp phát hành trái phiếu bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư; ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính doanh nghiệp để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư và trên toàn thị trường.

Lượng trái phiếu sắp đáo hạn “khủng” nhiều doanh nghiệp gặp khó - 1

Hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn, doanh nghiệp sẽ xoay sở thế nào

"Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, doanh nghiệp chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; không gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ Tài chính nêu.

Trước những khoản nợ trái phiếu đến hạn rất lớn, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xoay sở nguồn tiền để chi trả cho trái chủ đúng hạn.

Thị trường trái phiếu mất niềm tin

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, hiện tình trạng mất niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến những vụ án bị khởi tố, điều tra.

Vị chuyên gia này cho rằng, quyền lợi của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có liên quan đến các vụ án hiện nay chưa được xác định rõ, và quyền lợi của nhà đầu tư sẽ như thế nào, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang mất niềm tin, rất nhiều trái chủ đòi thanh toán trái phiếu khi đến hạn, sắp đáo hạn, và thậm chí chưa đến hạn họ cũng đòi thanh toán. Đây là một trong những vấn đề cần phải xử lý sớm.

Theo ông này, cần phải xác định rõ trách nhiệm của những ngân hàng, công ty chứng khoán đã phân phối trái phiếu riêng lẻ. Cần tránh những tình trạng trái chủ đi đòi nợ người bán trái phiếu chứ không đòi nợ các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Mới đây, một số chuyên gia đã đề nghị cần xây dựng cơ chế để tổ chức phát hành tái cơ cấu lại những khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp như cho phép đàm phán, thương thảo các điều kiện và mua lại trái phiếu đã phát hành hoặc hoán đổi lấy cổ phần, lấy tài sản, cũng như các hạng mục đầu tư khác.

Thậm chí họ đã có khuyến nghị Thủ tướng nên cho phép các tổ chức phát hành trái phiếu hoạt động có lãi, đáp ứng những điều kiện nhất định được tiếp tục phát hành trái phiếu để hoán đổi trái phiếu đã phát hành.

Với những trái chủ không đồng ý hoán đổi thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tiếp tục thực hiện những điều khoản với các lô trái phiếu đã phát hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà đầu tư kiệt sức vì ''gồng lãi'', chuyên gia dự báo buồn về thị trường

Nhiều nhà đầu tư đang kiệt sức vì "gồng lãi" ngân hàng do sử dụng đòn bẩy tài chính. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng xu hướng giảm giá, chiết khấu sản phẩm vẫn tiếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Hà Phan ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN