Hiểu sao cho đúng về "miếng bánh" đầu tư trái phiếu?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Việc hiểu rõ từng loại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có thể giúp nhà đầu tư tránh được những sự việc đáng tiếc.

Còn nhiều lỗ hổng

Mới đây, nhiều người dân mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã hẹn gặp nhau, cùng làm "đơn cầu cứu" để gửi đến các cơ quan chức năng, với mong muốn Tập đoàn Tân Hoàng Minh sớm hoàn trả tiền cho mình, vì lỡ mua/đầu tư trúng 9 lô trái phiếu đã bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy bỏ, được công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành theo hình thức riêng lẻ trước đó. Tổng giá trị của 9 lô trái phiếu này lên đến 10.030 tỉ đồng.

Nhiều nhà đầu tư cầu cứu cơ quan chức năng, mong muốn Tập đoàn Tân Hoàng Minh sớm hoàn trả tiền

Nhiều nhà đầu tư cầu cứu cơ quan chức năng, mong muốn Tập đoàn Tân Hoàng Minh sớm hoàn trả tiền

Ông T. (Hà Nội) bức xúc cho biết, ông đã dốc toàn bộ 800 triệu đồng bao năm tích góp từ tiền lương hưu, tiền dưỡng già... để mua trái phiếu với mong muốn sau một tháng sẽ nhận 7% tiền lãi. Nhưng khi vụ việc bị vỡ lở, ông T. mới phát hiện mình không phải là trái chủ (chủ nợ của doanh nghiệp) mà là "nhà đầu tư" trái phiếu.

Trong buổi gặp mặt NĐT có sự tham gia của ông Vũ Đình Luyện - phó tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV khách sạn Tân Hoàng Minh - mới đây, một "nhà đầu tư" khác cũng chia sẻ: "Bao nhiêu năm lao động, tôi góp vào đây. Ban lãnh đạo Tân Hoàng Minh phải xác định rằng đây là mồ hôi, nước mắt của những người lao động chân chính"...

Được biết, theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước chỉ riêng năm 2021 lên tới 658.000 tỉ đồng (tăng 42% so với năm trước). Tuy nhiên, tỉ lệ trái phiếu phát hành ra công chúng (chất lượng cao) bị giảm xuống còn chỉ vỏn vẹn gần 5%, tỉ lệ phát hành riêng lẻ (chất lượng lẫn lộn) chiếm hơn 95%. 

Ở ba tháng đầu năm 2022, phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo hơn 78% (gần 31.000 tỉ đồng), còn phát hành ra công chúng chỉ quanh mốc 22% (gần 8.700 tỉ đồng). Trong đó nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành (17.200 tỉ đồng, 43%).

Về độ an toàn, hơn 49% khối lượng trái phiếu phát hành trong năm 2021 là không có tài sản bảo đảm. "Mặc dù tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường", cảnh báo của Bộ Tài chính.

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, hiện có hai loại "chợ" trái phiếu. "Chợ" phổ thông chuyên bán trái phiếu phát hành ra công chúng, chất lượng được sàng lọc kỹ càng nên ai cũng được mua. 

Chợ thứ hai là chợ dành cho dân chuyên, bán trái phiếu phát hành riêng lẻ, hàng hóa thượng vàng hạ cám đủ cả, nên bản thân người mua cũng phải sành sỏi, có năng lực (nhà đầu tư chuyên nghiệp), nhìn vào phải biết đâu là "thịt tươi, rau ngon".

Nhiều nhà đầu tư đã lách luật để được chứng nhận thành nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, trong khi bản thân lại không am hiểu về tài chính, không đủ tiền thuê cá nhân/tổ chức tài chính thẩm định trái phiếu giúp mình, không chỉ dẫn nhiều người đến con đường rủi ro mà còn vi phạm pháp luật. Chưa kể, tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chưa cao.

Với các nhà đầu tư cá nhân, việc hiểu rõ từng loại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có thể giúp nhà đầu tư tránh được những sự việc đáng tiếc.

Mua trái phiếu là cho doanh nghiệp vay tiền

Theo các chuyên gia, trái phiếu có vai trò to lớn, trái phiếu doanh nghiệp cần được khuyến khích, tạo mọi thuận lợi để phát triển. So với các nước, dư địa phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam rõ ràng còn rất lớn.

Theo các chuyên gia, trái phiếu doanh nghiệp thực tế là vẫn kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt

Theo các chuyên gia, trái phiếu doanh nghiệp thực tế là vẫn kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt

Ông Nguyễn Anh Vũ nhận định nguyên tắc của việc mua trái phiếu là cho doanh nghiệp vay tiền nên tài sản đảm bảo chỉ là một trong những giải pháp giảm thiểu rủi ro, không phải là yếu tố quan trọng nhất. Khi cho vay, ai cũng muốn được nhận lãi và gốc đúng hạn, còn bán tài sản để thu hồi nợ là biện pháp cuối cùng. 

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu "ba không" (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không đơn vị bảo lãnh) thậm chí còn không nguy hiểm bằng việc tổ chức phát hành trái phiếu không có năng lực tài chính tốt, không có phương án kinh doanh khả thi, dùng nguồn vốn không đúng mục đích như đã công bố.

"Ở thị trường phát triển vẫn có loại trái phiếu "tả pí lù", không được xếp hạng tín nhiệm, vẫn được phát hành hợp pháp. Họ cam kết trả lãi suất cao nhưng không phải công ty lừa đảo. Đơn giản là họ mới thành lập, nhỏ, chưa có thành tích để chứng minh nhưng họ có phương án sử dụng nguồn tiền huy động được, công bố thông tin đầy đủ, dùng tiền đúng mục đích." - ông Vũ chia sẻ.

Chưa kể doanh nghiệp có thể "phù phép" để có tài sản đảm bảo khác nhằm tăng độ uy tín, chẳng hạn ký hợp đồng góp vốn mua 50% cổ phần của công ty "người anh em" đang giữ mảnh đất có giá trị ngàn tỉ. Chính hợp đồng góp vốn "ảo" này sẽ là tài sản đảm bảo.

Để hợp thức hóa, doanh nghiệp phát hành cũng kết nối để "người nhà" mua lô trái phiếu với vai trò là tổ chức, sau đó đem "xé lẻ" bán rầm rộ cho người khác như vụ Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) mới đây khiến tiền của nhiều nhà đầu tư đã chảy vào tài khoản của một thành viên của tập đoàn này là Công ty khách sạn Tân Hoàng Minh.

Từ đó có chuyện nhiều người bỏ cả trăm triệu đến hàng tỉ đồng nhưng vẫn không phải là trái chủ - "chủ nợ", mà được gọi tên sang trọng là "nhà đầu tư". "Tay phải bốc bỏ tay trái, người có tiền khác gì mua pháo đốt chơi vui", một nhận xét về cách bán trái phiếu kiểu này.

Nói thêm về việc này, TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - cho rằng so với cổ phiếu, trái phiếu vẫn là kênh an toàn hơn. Tuy vậy, người dân không nên lách luật "mua" trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bởi đã đầu tư là lời ăn lỗ chịu, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có nghĩa vụ buộc phải thanh lý tài sản để trả tiền như trái chủ. Chưa kể, việc có tài sản bảo đảm cũng chưa quan trọng bằng thiện chí trả tiền.

Cũng theo ông Huân, trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư...

Tuy nhiên, người dân cũng có thể mua trái phiếu thông qua các quỹ đầu tư uy tín, có trụ sở tại Việt Nam hay thông qua công ty bảo hiểm. Các đơn vị này có phòng đầu tư, phòng phân tích, có năng lực về chuyên môn và có nguồn thông tin đầy đủ để đưa ra quyết định đầu tư trái phiếu, hạn chế rủi ro và tối ưu lợi nhuận.

Thực tế, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trái phiếu doanh nghiệp vẫn kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt. Vấn đề quan trọng với nhà đầu tư là phải hiểu đơn vị phát hành trái phiếu là ai, tình hình tài chính doanh nghiệp ra sao để chọn mặt gửi vàng. Đặc biệt, giới đầu tư cần cẩn trọng với "bẫy" lãi suất cao.

“Trong kinh tế, lãi suất càng cao, càng rủi ro, đó là nguyên tắc. Một số trái phiếu quảng cáo mức lãi suất 10-12%, thậm chí 15-17%, chúng ta càng cần cẩn trọng suy xét bởi doanh nghiệp sẽ sản xuất, kinh doanh ra sao để trả mức lãi này cho nhà đầu tư?” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt mã cổ phiếu lớn rơi “thẳng đứng”, nhà đầu tư hô hào gỡ bỏ ứng dụng đầu tư chứng khoán

“Nơi tình yêu bắt đầu”, “trở về vạch xuất phát”, và một số nhà đầu tư khác thì kêu gọi gỡ bỏ ứng dụng đầu tư chứng khoán cho khỏi đau tim…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN